Bộ trưởng Công an lý giải vì sao chỉ thống nhất ba lực lượng, giảm chi nghìn tỷ mỗi năm

Sự kiện: Thời sự

Lãnh đạo Bộ Công an cho biết, sau khi thống nhất ba lực lượng, toàn quốc có 1,5 triệu người tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở. Như vậy sẽ giảm 500 nghìn người so với luật định, qua đó giảm chi 150 tỉ đồng ngân sách mỗi tháng.

Nếu cần thiết sẽ bổ sung sau

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Theo cơ quan soạn thảo Bộ Công an, luật ra đời nhằm kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong; giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

Lãnh đạo Bộ Công an cũng cho biết, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thì có thể cắt giảm chi ngân sách cho gần 500.000 người, tương đương giảm chi 375 tỷ đồng/tháng cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Giải trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an lý giải vì sao chỉ điều chỉnh 3 lực lượng này mà không mở rộng thêm. Theo Bộ trưởng, lúc đầu dự kiến đưa toàn bộ lực lượng quần chúng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở vào xem xét, điều chỉnh. Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến góp ý, cuối cùng đã thống nhất chỉ đưa vào điều chỉnh 3 lực lượng này.

Lý do theo Bộ trưởng Tô Lâm, đây là các lực lượng đã được thành lập trên toàn quốc, có lịch sử rất lâu và hiện đang tồn tại trên thực tế.

Cụ thể, lực lượng công an xã không chính quy đã được thành lập ngay từ khi Cách mạng Tháng 8 thành công, đến nay đã 75 năm. Lực lượng bảo vệ dân phố được thành lập sau chiến thắng Điện Biên Phủ và hoạt động rất có hiệu quả. Còn lực lượng dân phòng được thành lập từ những năm 60.

Những lực lượng này đều do UBND xã thành lập, được nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động, trên thực tế đang phát huy vài trò tích cực trong hoạt động bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, đã được thực tiễn kiệm nghiệm, đánh giá và có đủ cơ sở để quy định trong luật này.

Đại tướng Tô Lâm cũng cho biết, với những tổ chức quần chúng tự quản khác được thành lập, tổ chức, hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau và mang tính đơn lẻ, đặc thù của các địa phương, không mang tính bao trùm, phổ biến trên toàn quốc cần tiếp tục được nghiên cứu. Chính vì vậy cần đánh giá thận trọng, toàn diện cả về lý luận và thực tiễn để có cơ sở quy định chung trong luật, nếu cần thiết sẽ bổ sung sau.

Về phạm vi, theo lãnh đạo Bộ Công an, lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở rất rộng, mức độ phân công, phân cấp khác nhau. Mối quan hệ giữa công an xã chính quy và lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở, theo Luật Công an nhân dân đã trình Chính phủ ban hành nghị định, điều chỉnh mối quan hệ giữa công an xã chính quy với các lực lượng không chuyên trách.

Giảm 500 nghìn người, cắt giảm nghìn tỉ mỗi năm

Còn về kinh phí, Bộ trưởng cho biết, sẽ bám sát các chế độ của dân quân tự vệ, đây là lực lượng quan trọng, đồng hành cùng tham gia trong phong trào quần chúng nhân dân, bảo vệ tổ quốc, phong trào an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân.

Theo thống kê, cả nước có 180.799 đơn vị cấp thôn. Nếu theo quy định của pháp luật về PCCC, mỗi thôn phải thành lập một đội dân phòng, trung bình khoảng 10 người. Nếu thành lập hết theo quy định của Luật PCCC thì tổng số thành viên của lực lượng dân phòng trên toàn quốc khoảng 1,8 triệu người. Nhưng thực tế hiện nay mới thành lập được 23% trong số này, vì do nhiều điều kiện chưa triển khai được theo đúng quy định của luật pháp.

Cùng với đó có khoảng 72 nghìn người bảo vệ dân phố ở các đô thị và trên 126 nghìn công an xã bán chuyên trách. Như vậy, nếu theo quy định thì tổng số các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách khoảng 2 triệu người.

Về kinh phí, trung bình mỗi người hưởng mức hỗ trợ 300 nghìn đồng/người/tháng, theo đó ngân sách nhà nước phải bảo đảm khoảng 600 tỉ/tháng để chi trả. Trung bình một tỉnh cần khoảng 10 tỉ đồng/tháng chi trả cho lực lượng này. “Đây là mức chi theo quy định của pháp luật, chúng tôi không tự xây dựng được con số đó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo quy định của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nếu nhập 3 lực lượng lại thành 1 và tính trung bình một thôn có một tổ từ 5 –10 người thì toàn quốc có khoảng 1,5 triệu người tham gia bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở. Con số này so với con số theo luật định kia giảm 500 nghìn người. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công an lưu ý, đây là con số ước tính theo quy định của luật, còn con số thực tế triển khai có thể khác.

Bộ trưởng Tô Lâm tính toán, dự kiến trung bình hàng tháng, các địa phương chi hỗ trợ cho một chức danh thuộc lực lượng này khoảng 300 nghìn đồng từ ngân sách nhà nước, như vậy cần khoảng 450 tỉ để chi trả cho khoảng 1,5 triệu người. Trung bình mỗi tỉnh cần 7 tỉ đồng để bảo đảm chi trả.

Như vậy theo quy định của dự thảo luật, do giảm 500 nghìn người nên hàng tháng toàn quốc sẽ cắt giảm được khoảng 150 tỉ đồng từ ngân sách để chi trả hỗ trợ hoạt động của các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự trị an cơ sở.

Bộ Công an thống nhất ba lực lượng, giảm chi ngân sách với 500 nghìn người

Theo lãnh đạo Bộ Công an, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN