Bộ Công an: Lộ, lọt bí mật nhà nước ngày càng gia tăng

Sự kiện: Thời sự

Bộ Công an cho rằng tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước đang ngày càng gia tăng, do đó cần thiết phải xây dựng dự án luật về vấn đề này.

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan chức năng. Dự kiến, luật này sẽ thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua năm 2000.

Trong dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ Công an cho rằng quá trình triển khai, các quy định của pháp lệnh đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Trong đó, khái niệm bí mật nhà nước quy định trong pháp lệnh còn chung chung; quy định theo phương pháp định tính dẫn đến việc xác định phạm vi bí mật nhà nước cụ thể theo từng độ mật quá rộng, gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ bí mật nhà nước.

Ngoài ra, pháp lệnh chưa có quy định cụ thể về bảo vệ bí mật nhà nước trên lĩnh vực thông tin và truyền thông; sở hữu trí tuệ... Trong khi đó, các vụ lộ thông tin có nội dung bí mật nhà nước trên Internet, báo chí, xuất bản, hội thảo quốc tế... có xu hướng gia tăng, gây phương hại an ninh quốc gia và thiệt hại nghiêm trọng lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Bộ Công an: Lộ, lọt bí mật nhà nước ngày càng gia tăng - 1

Bộ Công an cho rằng xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là cần thiết. Ảnh minh họa

Đặc biệt, tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước thời gian qua diễn biến phức tạp. Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay đã phát hiện hơn 844 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước; trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Một trong những nguyên nhân là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước chưa được đồng bộ, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe,...

Từ những lý do trên, Bộ Công an nhận định việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết.

Theo dự thảo, Luật bao gồm năm chương, 38 điều quy định về phạm vi bí mật nhà nước; bảo vệ bí mật nhà nước; quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước,…

Luật này áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TUYẾN PHAN (Pháp luật TP.HCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN