Bị giữ GPLX: Lái tiếp hay bỏ khách lại?

Nếu bị tạm giữ GPLX có được tiếp tục điều khiển phương tiện hay không là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi Nghị định 71/2012 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/2010) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ 10/11/2012.

Theo lãnh đạo của Cục CSGT Đường bộ, từ khi thực hiện nghị định 34/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và mới đây là Nghị định 71 (bổ sung Nghị định 34), vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc thực hiện quy định tạm giữ giấy tờ của người điều khiển phương tiện vi phạm.

Trong Nghị định 71, quy định: “Để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ”.

Tuy nhiên, lâu nay nhiều người vẫn đặt câu hỏi: Khi bị tạm giữ giấy tờ liên quan (GPLX, Đăng ký xe), liệu người bị xử phạt có được tiếp tục điều khiển phương tiện nữa hay không?

Đơn cử như một tài xế đang chở khách trên xe đi từ Hà Nội vào TP.HCM, đến Đà Nẵng vi phạm giao thông và bị tạm giữ GPLX. Liệu anh ta có được tiếp tục lái xe về đến điểm cuối hay buộc phải để xe và khách lại?

Thậm chí, trước tới nay, khi thực hiện Nghị định 34 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, CSGT ở các địa phương trên cả nước cũng không hẳn có sự thống nhất trong xử lý những trường hợp này.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi lái xe bị cơ quan thẩm quyền tạm giữ GPLX nhưng vẫn điều khiển phương tiện là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Vì khi đó, anh ta được coi là không có GPLX.

Tuy nhiên, những ý kiến khác lại cho rằng, trong biên bản của CSGT tạm giữ giấy tờ liên quan đã thể hiện tài xế có GPLX hay không? Vì vậy biên bản được coi là chứng nhận cho việc anh ta có GPLX. Chỉ khi có quyết định xử phạt giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn, hoặc trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc, lúc đó, anh ta mới bị coi là không có giấy phép lái xe.

Trả lời PV, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ (C67 - Bộ Công an) cho biết: “Thời gian qua, có thực trạng là các tài xế khi vi phạm bị tạm giữ giấy tờ, vẫn tiếp tục được lái xe đi và mang theo biên bản. Nếu bị CSGT ở trạm khác kiểm tra, họ sẽ chìa biên bản đó ra như “bảo bối” và sẽ không bị xử phạt nữa."

Từ đó, người đứng đầu Cục C67 bày tỏ quan điểm: Trường hợp tài xế bị CSGT thu giữ GPLX, họ sẽ không được tiếp tục điều khiển phương tiện.

Thiếu tướng Tuyên khẳng định: "Về nguyên tắc, không có giấy phép lái xe thì không được điều khiển xe”.

Cũng liên quan đến quy định trên, Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, Xử lý TNGT - Cục CSGT Đường bộ (C67 - Bộ Công an) cho biết, khi kiểm tra phương tiện, nếu tài xế có lỗi theo mức độ bị tạm giữ giấy tờ xe thì lực lượng kiểm tra sẽ ra biên bản tạm giữ giấy tờ như là đăng ký xe, GPLX...

Giấy tờ này được chuyển về đội hoặc về phòng. Tại đây, sẽ căn cứ vào lỗi vi phạm để đưa ra quyết định xử phạt. nếu là lỗi nhẹ, khi lái xe đến giải quyết theo lịch hẹn, sau khi xử phạt sẽ được trả lại giấy tờ. Nếu là lỗi vi phạm nghiêm trọng, ngoài việc bị ra quyết định phạt tiền còn bị áp dụng hình phạt bổ sung tước GPLX có thời hạn. Khi ra quyết định tước GPLX thì lái xe không được quyền điều khiển phương tiện nữa. Và việc tước giấy phép lái xe từ ngày nào lại căn cứ vào quyết định của người có thẩm quyền.

Vậy nhưng ông Sơn băn khoăn, quyết định xử phạt sẽ ghi việc tước giấy tờ từ ngày nào? Vì chưa có quy định cụ thể, nên có nơi ghi vào thời điểm bắt đầu tạm giữ ngoài đường nhưng có nơi lại tính từ thời điểm ra quyết định xử phạt đó.

"Cần có quy định rõ và cụ thể hơn" - Thượng tá Sơn chia sẻ.

Từ đó, các lãnh đạo Phòng và Cục C67 cho rằng, Nghị định 71 vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Công an.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN