Bí ẩn rừng mộ đá cổ bên dãy Pù Mé

Người dân làng Mé (thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) lâu nay vẫn truyền tai nhau về bí ẩn của hàng trăm ngôi mộ đá cổ trong làng mà đến nay chưa có lời đáp.

Bí ẩn rừng mộ đá cổ bên dãy Pù Mé - 1

Phiến đá lớn được chôn ở đầu ngôi mộ

Rừng mộ đá nằm kề ngay dãy Pù Mé (còn có tên gọi khác là Pù Me). Dãy núi vừa được các nhà khoa học khẳng định là nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai (tháng 2/1416) của Lê Lợi và các vị nhân kiệt. Toàn bộ khu mộ đá vẫn như nguyên vẹn trong khu rừng luồng giữa làng Xuân Thành.

Diện tích của khu rừng mộ hiện thuộc một phần đất của gia đình ông Đào Văn Duy (thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng) đang trồng sắn, còn lại vẫn là đất của xã quản lý. 

Anh Lê Văn Điệp – cán bộ văn hóa xã Ngọc Phụng cho hay, rừng mộ đá này có diện tích gần 1 héc ta, thuộc địa bàn làng Xuân Thành, xã Ngọc Phụng. Trước khi lập làng, người ta đã thấy khu mộ đá cổ này rồi. Các phiến đá khu mộ có nét tương đồng với dãy núi Đá Sách ở phía bên kia sông Âm, xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc.

Căn cứ vào một số đặc điểm của khu mộ, có ý kiến cho rằng, đây là mộ của người Thái cổ hoặc của người Mường cổ. Cụ thể, các ngôi mộ thể hiện ngôi, thứ, chức sắc ở đặc điểm các phiến đá trước, sau và xung quanh. Người có chức sắc, người lớn tuổi trong gia đình thì phía đầu, cuối và xung quanh mộ bao giờ cũng được đặt những phiến đá to, phẳng, cao. Ngược lại, những người bình thường khác thì được đặt các phiến đá nhỏ. Ngoài ra, vị trí mộ của người có chức sắc, người lớn tuổi cũng được đặt ở đầu các dãy mộ…

Bí ẩn rừng mộ đá cổ bên dãy Pù Mé - 2

“Có thời điểm, một số ngôi mộ đã bị các đối tượng đào mộ cổ đào trộm. Chẳng biết họ tìm thấy được gì trong đó, nhưng quan sát những ngôi mộ bị đào, bỏ lại người ta thấy phía dưới và xung quanh mộ có một lớp than đen. Được biết, đây là lối mai táng của người Thái xưa”- ông Lê Văn Điệp cho biết.

Dù chưa biết nguồn gốc của khu mộ nhưng người dân địa phương luôn coi đây là khu vực tâm linh của làng. “Cách đây chưa lâu, có gia đình nhà nọ sinh sống gần ngay khu mộ, vô tình sử dụng phiến đá mộ bị đập để nấu vôi xây nhà. Không ngờ, gia đình gặp nhiều tai ương. Một số trường hợp sử dụng đá mộ cho việc riêng gia đình cũng gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống. Chẳng biết, đây là sự trùng lặp hay là điềm báo, nhưng sau những câu chuyện đó, khu rừng mộ được người dân gìn giữ hơn”- anh Điệp cho biết thêm.

Bí ẩn rừng mộ đá cổ bên dãy Pù Mé - 3

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, phó chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng, xưa kia vùng đất này là rừng núi hoang vắng, nhiều thú dữ. Khi lập làng Xuân Thành, chỉ có 16 hộ dân người Mường di cư về.

“Đây không thể là mộ của cư dân địa phương vì cư dân ở đây thưa thớt. Và nghi vấn đây là nơi chôn cất các liệt sĩ của nghĩa quân Lam Sơn cũng chưa có cơ sở nào!”- ông Lâm khẳng định.

Nằm ngay lưng chừng dãy Pù Mé là đồi Bái Tranh (thuộc địa bàn làng Xuân Thành, xã Ngọc Phụng). Từ rừng mộ cổ nhìn lên đỉnh Pù Mé là những dãy núi, đồi san sát nhau. Phần lưng chừng dãy núi, người dân địa phương trồng mía, sắn; phía giữa là lau lách, cây rừng tự nhiên. Khoảng trên đỉnh dãy núi là những cánh đồng cỏ lượn sóng nhấp nhô. Dãy núi này thuộc địa phận 3 xã Lương Sơn, Xuân Cẩm, Ngọc Phụng của huyện Thường Xuân. 

Mặc dù các nhà khoa học đã khẳng định, công bố địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai ở dãy Pù Mé, tuy nhiên, địa điểm đó ở vị trí nào thì vẫn chưa thể xác định. Có giả thiết cho rằng, phía trên đỉnh dãy núi Pù Mé với những cánh đồng cỏ mênh mông đó từng là nơi nghĩa quân Lê Lợi huấn luyện voi, ngựa?!

Bí ẩn rừng mộ đá cổ bên dãy Pù Mé - 4

Ông Lê Đức Thắng (SN 1956) một trong những người sinh sống, trông coi rừng ở thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng kể: Trước năm 1976, tại vị trí gần đồi Bái Tranh, từng có ngôi đền thờ 18 bức tượng gỗ lớn. Sau đó, đền bị phá, một số tượng gỗ bị người làng khác đến lấy bỏ trôi sông hoặc đưa về một ngọn núi khác. Hiện nay, không còn dấu tích của những bức tượng gỗ nữa. Nhiều câu chuyện bí ẩn về rừng mộ đá cổ bên dãy Pù Mé ngay cả chính người địa phương cũng chưa thể lý giải và coi đó như báu vật của làng, để cầu mong bình yên, hạnh phúc.

“Người dân và chính quyền địa phương mong có những cơ sở khoa học để ngành chức năng có thể quy hoạch khu vực rừng mộ đá, đáp ứng tín ngưỡng của người dân. Đây cũng là khu vực nằm kề ngay khu vực hiện đang quy hoạch Địa điểm Hội thề Lũng Nhai”, ông Vũ Ngọc Nam- chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Lam (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN