"Bệnh lạ": Bộ Y tế vẫn một mình một chợ
Bất chấp tình hình mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân (gọi tắt là bệnh lạ) tại tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục gia tăng, Bộ Y tế vẫn một mình một chợ, không chịu mời các cơ quan nghiên cứu ngoài ngành y tế chung tay tìm hiểu nguyên nhân.
Dioxin: Bộ Y tế từng tránh câu hỏi của PV
Trước thời điểm ông Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, đề nghị đưa dioxin vào vòng ngắm tầm soát nguyên nhân gây bệnh lạ, hơn nửa tháng trước đây, phóng viên từng đặt câu hỏi về vấn đề này, nhưng lãnh đạo Bộ Y tế đã bác bỏ.
Tại cuộc họp báo đầu tiên ở Hà Nội về bệnh lạ ngày 14/5, phóng viên đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tồn nghi dioxin như “Bộ Y tế có tổ chức điều tra về các dạng tồn dư dioxin tại địa phương không; nếu có thì các dạng ấy là gì; có xác định hết các mô hình bệnh tật nhiễm độc bởi dioxin hoặc các dẫn xuất của nó hay không; nếu có, có thấy bệnh nào biểu hiện như bệnh lạ hay không…”.
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, loại bỏ ngay yếu tố nguy cơ liên quan dioxin rồi nhận định ngắn gọn “Có tiến hành điều tra dioxin nhưng chưa có kết quả”.
Ông không cho biết thêm việc điều tra tiến hành thế nào, bởi ai, và tiến độ xác định ra sao, bao giờ có kết quả.
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định: “Các hội đồng khoa học đã nghĩ nhiều đến nguyên nhân nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém”.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế chỉ đạo thay gạo và cấp vitamin cho bà con vùng lưu hành bệnh. Bên cạnh hoài nghi độc tố aflatoxin, các nhà nghiên cứu của Bộ Y tế còn đưa các yếu tố “ve, mò mạt, bọ chét trong môi trường và vật nuôi” vào vòng ngắm.
Người mắc "bệnh lạ" ở Quảng Ngãi
Một chuyên gia về dioxin cho biết, tồn dư dioxin trong đất lâu ngày có thể phân hủy thành nhiều độc chất khác nhau, trong đó có thạch tín hay còn gọi là arsen, và chúng gây ngộ độc dưới nhiều dạng khác nhau.
Trong số các hợp chất phân hủy từ dioxin, có chất tồn tại dưới dạng khí. Nếu hít phải chất này ở một liều lượng nhất định, người hít sẽ mắc bệnh có triệu chứng giống như bệnh lạ ở Quảng Ngãi.
Các bệnh này từng được ghi nhận tại một số nước, trong đó có Bangladesh. Chuyên gia này cho biết, tùy điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết, thủy văn tại nơi có tồn dư dioxin, các hợp chất kia sẽ bị phân hủy ở mức độ khác nhau ở các thời điểm khác nhau.
Quên các đơn vị ngoài ngành y tế
Vị chuyên gia nhận định, yếu tố đất, nước và không khí phải được tìm hiểu rất kỹ bằng thiết bị hiện đại. Nhưng, được biết, các yếu tố thiên về môi trường ấy lại là mảng các đoàn nghiên cứu của Bộ Y tế tiến hành khá sơ sài do thiếu thiết bị và chuyên môn.
Thứ trưởng Long nhận định: “Chưa có bằng chứng cho thấy bệnh nhiễm từ không khí. Chưa tìm thấy bằng chứng nhiễm bệnh từ nguồn nước”.
Nhưng tại cuộc họp báo nói trên, cả ông Long và ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám - Chữa bệnh, đều không đưa ra các dữ liệu nghiên cứu chứng minh nhận định trên.
Các nhà khoa học đầu ngành của Viện Y học Lao động&Vệ sinh Môi trường (Bộ Y tế), đều đã đi tầm soát môi trường ở Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, họ vẫn chưa phát hiện ra điều gì mới. Các đơn vị nghiên cứu môi trường ngoài ngành y tế thì sao?
Trả lời PV, PGS.TS Nguyễn Văn Tuyến, Viện trưởng Viện Hóa học, Viện KH&CN Việt Nam, cho hay Viện Hóa học chưa nhận được lời mời chính thức nào từ các cơ quan của Bộ Y tế.
“Các yếu tố dịch bệnh trên người không phải là chuyên môn của chúng tôi. Nhưng nếu được yêu cầu tìm hiểu các vấn đề môi trường và hóa học, chúng tôi có thể thực hiện được”, ông Tuyến nói.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng cũng xác nhận Bộ KH&CN chưa nhận được lời mời của ngành y tế.
Tuy thế, ông Lạng cho hay, trước tình hình khẩn cấp hiện nay, Bộ KH&CN sẽ không ngồi chờ Bộ Y tế mời nữa.
Thay vào đó, tuần tới, Bộ KH&CN sẽ gửi công văn đến Viện KH&CN Việt Nam và Bộ Y tế đề nghị phối hợp nghiên cứu. Bộ KH&CN cũng sẽ cử một đoàn cán bộ vào Quảng Ngãi tuần tới để bước đầu tìm hiểu tình hình môi trường ở địa phương.