Bầu cử trước giờ G: Nước Mỹ vẫn luôn chia rẽ

Nước Mỹ đang trong những thời khắc cuối trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 6/11/2012. PV đã có cuộc trao đổi với giáo sư Graham Wilson, chủ nhiệm khoa chính trị Trường ĐH Boston, về những nhận định của ông trong cuộc bầu cử lần này.

Tổng thống Obama tranh cử bằng thông điệp “Hi vọng và Thay đổi” bốn năm trước nhưng rõ ràng ông đã không thực hiện được nhiều lời hứa của mình. Chúng ta đã thấy những điểm yếu, sự ngây thơ và quá nhiều lời hứa không thực hiện của ông?

Không có tổng thống nào kể từ thời Franklin Delano Roosevelt nhậm chức gặp nhiều khó khăn kinh tế như Tổng thống Obama trong bối cảnh phải đương đầu với hai cuộc chiến này, Mỹ khi đó đang trên bờ thất bại ở Afghanistan. Tính trong bối cảnh như vậy, thành tích của Tổng thống Obama là khá ấn tượng.

Nhưng có giải thích nào cho việc ông Obama bỏ lỡ nhiều lời hứa của mình?

Không chỉ đối đầu với khó khăn kinh tế, phe Cộng hòa [ở Quốc hội] còn tìm mọi cách cản trở ông. Ông Obama có lẽ mọi cách cản trở ông. Ông Obama có lẽ đã ngây thơ nghĩ rằng Washington sẽ hợp tác với ông thay vì hiểu rằng phe Cộng hòa sẽ cố sống cố chết để chống lại bằng mọi giá các đề xuất từ Nhà Trắng.

Tại sao Washington lại trở nên chia rẽ đến vậy trong bốn năm vừa rồi? Hai phe dường như chỉ khăng khăng giữ quan điểm của đảng mình thay vì hợp tác. Phải chăng đó là vì chiến thắng áp đảo của Tổng thống Obama và phe Dân chủ vào năm 2008 hay vì những lý do gì khác?

Nước Mỹ vẫn luôn chia rẽ về cách điều hành đất nước: tăng thuế và chính quyền quản lý nhiều hơn đối với các chính sách hay là giảm thuế và cắt các chương trình phúc lợi. Phe Cộng hòa trong quá khứ đã tìm mọi cách giảm thuế trong khi phe Dân chủ tìm mọi cách tăng phúc lợi xã hội [các chiêu lấy phiếu của các đảng]. Những thỏa hiệp có lợi cho các đảng nhưng không bền vững này rồi sẽ phải chấm dứt khi mức nợ liên bang của Mỹ đang phình to khổng lồ. Giờ là thời điểm lựa chọn: giảm thuế hay tiếp tục tăng phúc lợi? Đây chính là nguyên nhân ẩn sâu sau sự chia rẽ của hai đảng.

Có cách nào để giải quyết tình trạng chia rẽ giữa hai đảng này sang bầu cử?

Nếu Obama tái đắc cử, phe Cộng hòa có lẽ sẽ buộc phải nhượng bộ với ông lần này.

Thống đốc Romney, với kinh nghiệm trong lĩnh vực tư nhân, có thể đem đến thay đổi gì cho Washington? Phe Cộng hòa luôn tuyên bố rằng kinh nghiệm kinh doanh của ông sẽ mang thêm việc làm thay đổi cho nước Mỹ?

Kinh nghiệm kinh doanh của Romney thực tế chẳng liên quan gì tới chuyện đưa ra quyết sách cho nền kinh tế về mặt tổng thể. Thậm chí nó có thể có hại trong điều hành nền kinh tế. Kinh nghiệm chính trị như thời gian làm thống đốc bang Massachusetts của Romnay mới có ý nghĩa và gần với việc điều hành [một nền kinh tế] hơn.

Chúng ta luôn nói về bất ngờ tháng 10 trong bầu cử Mỹ. Chúng ta đã có bất ngờ gì trong tháng 10 năm nay? Video clip mà ông Romney chỉ trích 47% cử tri ăn bám hay cuộc tranh luận đầu tiên của Tổng thống Obama? Phe Obama từng tưởng họ dễ dàng có cuộc bầu cử này khi video clip 47% lộ ra để rồi mọi thứ chợt thay đổi sau màn trình diễn vô hồn của Obama tại Denver?

Cuộc tranh luận đầu tiên là một bất ngờ và là sai lầm tự tạo của Obama.

Kể từ cuộc tranh luận đầu, Romney đã thay đổi nhiều tuyên bố về giảm thuế, y tế, phụ nữ, phá thai… Đâu là lý do cho việc này?

Romney đã thành công trong việc đổi ngược lại toàn bộ những tuyên bố ông từng nói khi còn vận động tranh cử sơ bộ ở phe Cộng hòa. Dường như mọi người chẳng để ý rằng những tuyên bố hồi tháng 10 của ông đối lập hoàn toàn với những gì ông nói từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.

Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ cuối cùng chỉ phục thuộc vào kết quả 8-9 bang tranh chấp. Có nghĩa lá phiếu của ông ở Massachusetts hay phiếu cử tri ở những bang như California, New York, Texas thực tế chẳng được chú ý (các bang chỉ trung thành với một đảng nhất định) dù về tầm quan trọng, dân số, đóng góp kinh tế, các bang này quan trọng hơn rất nhiều?

Đây là một trong những điều bất lợi của việc duy trì bầu cử tổng thống theo đại cử tri đoàn. Dù vậy ở bang Massachusetts chúng tôi, cuộc bầu cử thượng nghị sĩ vẫn có tầm quan trọng rất lớn.

Liệu người Mỹ có kỳ vọng thay đổi thật sự nào nếu Obama hay Romney thắng cử trong tháng 11?

Nếu Romney thắng, tôi nghĩ sẽ dẫn đến việc cắt giảm một loạt chương trình chi tiêu trong nước. Với Obama, ông sẽ có cơ hội củng cố những thay đổi ông đã tiến hành trong nhiệm kỳ đầu tiên, như cải cách y tế chẳng hạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tuấn (Tuổi trẻ cuối tuần)
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN