Bắt đầu xóa đặc quyền xe công

Sự kiện: Tin nóng

Sau nửa tháng áp dụng thí điểm khoán xe công ở một số đơn vị, lãnh đạo TP HCM cho biết sẽ áp dụng đại trà vào đầu năm 2019

Từ ngày 1-5, UBND TP HCM thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng ôtô phục vụ công tác chung tại Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, UBND quận Bình Thạnh và UBND huyện Bình Chánh. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định đã có 3 đơn vị hoàn tất việc ký hợp đồng, qua đó cho thấy số tiền tiết kiệm được là không nhỏ.

Nhiều đơn vị muốn tham gia

Ông Tuyến phân tích: "Hiện nay, nhiều đơn vị không có nhu cầu sử dụng xe mỗi ngày nhưng vẫn phải bỏ tiền ra để nuôi chiếc xe. Như vậy sẽ lãng phí nhân công, sửa chữa khi có hư hỏng. Hơn nữa, khi chuyển qua thuê khoán, cán bộ sẽ ý thức được vấn đề thuê xe nên sẽ biết tiết kiệm, qua đó tăng nguồn thu và cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị".

Đối với một số đơn vị khoán lương cán bộ, công chức thì sẽ tránh được tình trạng tiền sửa xe, trả lương tài xế làm thâm hụt quỹ lương. Ông Tuyến cho biết hiện nay, rất nhiều đơn vị muốn được khoán xe theo cách này để có lợi cho từng cán bộ, công chức và cả đơn vị, từ người sử dụng đến lãnh đạo đơn vị. Khi đó sẽ không còn việc mua xe mới nữa và không phải nuôi xe cũ.

Bắt đầu xóa đặc quyền xe công - 1

Việc khoán xe công sẽ giúp những đơn vị không có nhu cầu sử dụng mỗi ngày nhưng vẫn phải bỏ tiền ra để "nuôi" chiếc xe tiết kiệm hơn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngoài ra, ông Tuyến cũng chỉ ra việc khoán này còn có một số ưu điểm. Đó là giúp lãnh đạo đơn vị cùng nhân viên sử dụng phương tiện giao thông công cộng. "Hiện nay, nhiều đơn vị rất gần UBND TP thì không cần phải nuôi xe mà chỉ cần thuê xe khi thấy cần thiết, nhất là nhiều đơn vị sát UBND TP có thể đi bộ qua. Đối với những đơn vị này, chỉ cần thuê một chiếc đi chung cho cơ động trong các sự vụ hằng ngày. Khi nào có việc cần thiết thì thuê theo từng chuyến sẽ linh hoạt. Còn như Cần Giờ ở xa, thường xuyên đi xe thì có thể thuê thêm. Việc khoán này còn giúp chống thất thoát xe" - ông Tuyến nhận xét.

Bên cạnh đó, theo ông Tuyến, nếu làm tốt thì sẽ làm tăng thu nhập doanh nghiệp cho Lực lượng Thanh niên xung phong TP HCM để sắm thêm xe mới, xe chuyên dùng. Trong những cuộc hội họp, hội thảo, học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh lân cận, có thể dùng xe 50 người chở đoàn chứ không cần phải đi xe công thành từng đoàn, rất phản cảm.

Tiết kiệm và linh động

Văn phòng UBND TP HCM là một trong 5 đơn vị thí điểm khoán xe công. Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan nhìn nhận việc này tiết kiệm rất nhiều chi phí. "Trước khi thực hiện thí điểm, theo tính toán, mỗi năm Văn phòng UBND TP tốn 1,3 tỉ đồng cho chi phí khấu hao, nhiên liệu, lương tài xế… Khi chuyển qua dịch vụ thuê, ước tính tổng chi phí thuê chỉ tốn 528 triệu đồng mỗi năm, tiết kiệm 60% chi phí so với trước" - ông Hoan phân tích.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Lê Ngọc Thùy Trang, đối tượng áp dụng là các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên (không kể kiêm nhiệm) đủ tiêu chuẩn sử dụng ôtô công để đưa đón đi công tác. Việc khoán kinh phí xe công chỉ áp dụng đối với trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác, không áp dụng với việc đưa đón hằng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc.

Bà Trang cho biết phương thức khoán gồm 2 cách: Áp dụng đơn giá khoán cố định 11.000 đồng/km hoặc áp dụng đơn giá khoán cố định theo tháng/xe là 19,8 triệu đồng. Giá khoán này Sở Tài chính đã tính toán trên chi phí thực tế cho một chiếc xe công hiện tại như tiền mua ôtô chia ra cho mỗi năm phục vụ, tiền sửa xe, chi phí quản lý đội ngũ, lương, thưởng cho tài xế…

Về các xe công sử dụng chung của các đơn vị đang quản lý hiện nay, bà Trang cho hay sẽ được xử lý theo 2 hướng. Xe đủ điều kiện thanh lý sẽ bán, xe còn sử dụng được sẽ chuyển về cho Thanh niên xung phong TP - đơn vị tiếp nhận và thực hiện cho thuê xe công. Còn tài xế của các đơn vị sẽ được nghỉ theo diện tinh giản biên chế. Người nào có nguyện vọng tiếp tục công việc sẽ được giới thiệu đến Thanh niên xung phong làm việc theo chế độ hợp đồng.

Đề cập việc khoán xe công sao cho khoa học nhất, ông Vũ Minh Long, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Lực lượng Thanh niên xung phong TP HCM, thông tin lực lượng này đang thiết kế một phần mềm, tạm gọi là "Thanh niên xung phong Car". Phần mềm này sẽ giúp quản lý việc cho thuê xe công hiệu quả, tránh lãng phí. Hình thức cho thuê cũng linh hoạt, có thể thuê theo ngày, theo chuyến hoặc theo tháng, theo năm và giá sẽ không cao hơn các loại hình công cộng như taxi hay Grab hiện nay. 

Có thể chuyển xe biển xanh sang biển trắng

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho hay TP đang bàn với Bộ Tài chính để việc chuyển giao xe cho Lực lượng Thanh niên xung phong TP được chặt chẽ, theo đúng quy định nhà nước. "Khi chuyển giao xe qua doanh nghiệp, phải chặt chẽ chứ không được thiếu thủ tục, có thể sẽ chuyển từ biển xanh qua biển trắng" - ông Tuyến nói.

Đối với thói quen lãnh đạo trước giờ đi xe biển xanh nay chuyển sang biển trắng, ông Tuyến cho rằng việc này sẽ không gặp trở ngại gì. Bởi lẽ, về khách quan thì điều kiện xe cộ thay đổi, xe hơi cũng trở nên phổ biến nên cũng không còn tình trạng lợi dụng xe công để đi chùa, đi lễ hay làm việc riêng nữa. Còn về mặt chủ quan, TP không muốn cán bộ lợi dụng xe biển xanh, xe công để gây áp lực với lực lượng làm nhiệm vụ trên đường. Cán bộ phải chấp hành luật như người dân, kể cả xe của Thường trực UBND TP cũng phải chấp hành, thậm chí phải gương mẫu hơn.

Xe công đi ăn cưới, Bí thư yêu cầu xử lý nghiêm

Nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (UBKTTU) TT-Huế cho biết, trong tuần đầu tháng 4 này, theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Anh (Người lao động)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN