Bảo vật kinh Phật nghìn năm do hoàng tử nhà Đinh tạc dựng

Sự kiện: 24h vạn dặm

Ninh Bình - Cột kinh Phật được Đinh Liễn, con trai cả của vua Đinh Tiên Hoàng, tạc dựng nhắc đến việc hoàng tử này sám hối khi sát hại em trai Đinh Hạng Lang.

Bảo tàng tỉnh Ninh Bình hiện lưu giữ bộ sưu tập cột kinh Phật thời Đinh rất có giá trị về mặt lịch sử, điêu khắc, văn hóa và tôn giáo. Số cổ vật này đã được công nhận bảo vật quốc gia đầu năm nay.

Mô hình bộ sưu tập cột kinh Phật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Lam Sơn

Mô hình bộ sưu tập cột kinh Phật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Lam Sơn

Bộ sưu tập cột kinh có 49 hiện vật, là những bộ phận riêng lẻ của 29 cột kinh khác nhau, được chế tác từ đá xanh, tổng trọng lượng khoảng 120 kg.

Theo hồ sơ lưu trữ, cột kinh đầu tiên được phát hiện năm 1963. Quá trình đào đắp đê sông Hoàng Long tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, người dân sau đó phát hiện thêm 15 cột kinh, trong đó có ba cột tương đối nguyên vẹn.

Tiến hành khảo cổ và mở rộng tìm kiếm ở nhà người dân xung quanh di tích Cố đô Hoa Lư, Bảo tàng Ninh Bình sưu tầm thêm các cột kinh cùng nhiều bộ phận.

Theo nguyên tắc sắp xếp, mỗi cột kinh hoàn chỉnh có 6 bộ phận cấu thành theo thứ tự từ dưới lên gồm: chân tảng, chân đế, thân cột, thớt đệm, đài sen và búp sen. Các bộ phận này được dựng theo phương thẳng đứng, lắp gá với nhau bằng hệ thống mộng ngõng, không dùng bất cứ chất phụ gia kết dính hay vật liệu chằng buộc, chống đỡ nào khác.

Phần thân cột kinh Phật ký hiệu số 667 với văn tự khắc chữ Hán còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Lam Sơn

Phần thân cột kinh Phật ký hiệu số 667 với văn tự khắc chữ Hán còn khá nguyên vẹn. Ảnh: Lam Sơn

Căn cứ đặc điểm nhận dạng, các nhà nghiên cứu sắp xếp 49 hiện vật thành 29 cột kinh song chỉ có một cột còn nguyên vẹn 6 bộ phận. Số còn lại đều bị khuyết ít nhất một hoặc năm phần còn lại. Do nằm dưới lòng đất thời gian dài nên hầu hết hiện vật bị bào mòn, gãy vỡ, văn tự bị mờ một phần hoặc mờ hoàn toàn.

Bộ phận quan trọng nhất ở cột kinh là thân, bởi trên bề mặt được khắc chìm văn tự chữ Hán, mỗi cột khoảng 545-563 chữ. Trong số cột kinh lưu giữ tại Bảo tàng Ninh Bình, có bốn thân cột còn đọc được tương đối đầy đủ thông tin.

Nội dung khắc trên các cột kinh khá giống nhau, gồm hai phần chính là kinh Phật và lạc khoản. Ở phần kinh đều khắc bài chú phiên âm từ tiếng Phạn trong kinh Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà la ni, còn gọi là Phật Đỉnh Tối Thắng Đà la ni hay Tối Thắng Phật Đỉnh Đà la ni tĩnh trừ nghiệp chướng chú kinh (Đức Phật tối cao vượt lên tất cả, chiến thắng tất cả). Phần lạc khoản cho biết họ tên, chức vụ của người cho dựng cột kinh, lý do dựng cột kinh và thông tin niên đại.

Các nguồn sử liệu và văn tự khắc trên hiện vật cho thấy số cột kinh Phật tại cố đô Hoa Lư do Nam Việt vương Đinh Liễn hay Đinh Khuông Liễn, con trai trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng, cho dựng trong khoảng 6 năm (973-979).

Phần dịch nghĩa của cột kinh ký hiệu 667 nêu lý do Đinh Liễn cho dựng bảo tràng nhất bách tọa (100 tòa kinh báu) để cầu cho người em Đính Noa Tăng Noa. Người em này, theo Đại Việt sử ký toàn thư, chính là thái tử Đinh Hạng Lang, con trai thứ hai của vua Đinh Tiên Hoàng.

Chân đế cột kinh Phật thời nhà Đinh. Ảnh: Lam Sơn

Chân đế cột kinh Phật thời nhà Đinh. Ảnh: Lam Sơn

Văn tự có đoạn: "Đệ tử là... Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn, vì vong đệ là Đại đức Đính Noa Tăng Noa không làm điều trung hiếu, không thờ anh và cha, lại có lòng ác, trái với sự yêu thương và khoan dung, anh không thể bỏ qua, nên đã làm tổn hại đến tính mệnh của Đại đức Đính Noa Tăng Noa... Nay nguyện làm 100 cột kinh để cúng cho vong đệ. Trước là chúc cho Đại Thắng Minh Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng) mãi mãi trấn giữ trời Nam, vững vàng ngôi báu, thứ đến Khuông Liễn tôi cũng được giữ trọn tước lộc, quyền vị".

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép, lúc hàn vi đến khi bình định thiên hạ, vua Đinh Tiên Hoàng muốn truyền ngôi nên phong vương cho con trưởng Đinh Liễn. Tuy nhiên, Hạng Lang sau khi được sinh ra lại được vua hết mực yêu quý nên lập làm thái tử. Đinh Liễn không bằng lòng nên sai người ngầm giết đi, vào mùa xuân năm Kỷ Mão (979).

Từ nguồn sử liệu nói trên và văn tự trên cột kinh 667 cho thấy Đinh Liễn sai người tạc dựng cột kinh để giải thích nguyên nhân sát hại Hạng Lang, sau đó cầu chúc Đại Thắng Minh Hoàng đế ở ngôi báu bền lâu. Ngoài ra, đó cũng là lời cầu siêu, được xem như lời sám hối của Đinh Liễn trước vong hồn em trai.

Nội dung lạc khoản không đề rõ niên hiệu nhưng qua việc nêu lý do dựng cột kinh, có thể xác định niên đại từ mùa xuân năm Kỷ Mão sau khi Hạng Lang bị sát hại đến tháng 10 cùng năm, trước khi Đỗ Thích giết vua Đinh Tiên Hoàng cùng Đinh Liễn.

Các sử gia nhận định Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà la ni là bộ kinh quan trọng gắn với Phật giáo Mật tông. Tại Trung Quốc, từ thế kỷ thứ 8, tín ngưỡng cột kinh gắn với Mật Tông khá phổ biến. Việc Đinh Liễn cho tạo tác hàng loạt kinh tràng khắc Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà la ni ở Hoa Lư minh chứng sự tồn tại của Mật giáo ở Việt Nam thế kỷ 10 và ảnh hưởng của tín ngưỡng này của Trung Quốc tới Việt Nam thời bấy giờ.

Theo quan niệm, các tăng ni, thiện nam tín nữ khi thấy hay ở gần kinh tràng thì tội nghiệp sẽ tiêu tan. Chất liệu phổ biến để dựng kinh tràng là đá hay còn gọi là các Tôn Thắng thạch tràng. Có nhiều loại khác nhau nhưng cột kinh tràng nói chung được chia làm hai loại: cột kinh dựng để cầu phúc, tu công tích đức cho chúng sinh và cột kinh dựng cho người chết. Số cột kinh Phật thời Đinh ở Hoa Lư mang cả hai ý nghĩa này.

Phần ngọn cột kinh với hình đài sen và búp sen. Ảnh: Lam Sơn

Phần ngọn cột kinh với hình đài sen và búp sen. Ảnh: Lam Sơn

Bộ sưu tập cột kinh Phật được đánh giá là các hiện vật gốc độc bản, không trùng lặp, hình thức độc đáo và có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa. Mỗi bộ phận của cột kinh đều có chức năng riêng biệt, hình khối, tỷ lệ hài hòa, chuyển đổi khối hình và đường nét mềm mại. Điều độc đáo trong việc ghép mộng để dựng cột kinh không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà cần cả tư duy, thẩm mỹ, bàn tay khéo léo của người thợ xưa.

Trong bối cảnh tài liệu về Phật giáo Việt Nam thế kỷ 10 còn lại rất ít, cột kinh Phật thời Đinh có niên đại hơn 1.000 năm là quý hiếm. Theo Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, có thể coi đây chính là bi ký có niên đại sớm nhất của thời kỳ phong kiến tự chủ trong số bi ký đã được phát hiện từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình, cho hay bên cạnh công tác bảo tồn nghiêm ngặt, thời gian tới đơn vị sẽ trưng bày bộ sưu tập cột kinh để phổ biến đến đông đảo người dân và du khách. Ngoài ra, bảo tàng sẽ tổ chức các cuộc nghiên cứu nhằm làm rõ hơn nét độc đáo của kinh đô Hoa Lư do vua Đinh, vua Lê xây dựng thế kỷ thứ 10.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội - Bảo tàng lịch sử Quân đội rộng 28 ha xây dựng tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm sẽ trưng bày nhiều bảo vật quốc gia và vũ khí quân đội, dự kiến đón khách tham quan vào tháng 6.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Hoàng ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN