Lên kế hoạch bảo vệ bảo vật quốc gia Linga bằng vàng ròng

Sự kiện: 24h vạn dặm

Linga bằng vàng phát hiện từ năm 2013 tại Bình Thuận đã được Thủ tướng ra quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, vừa ký ban hành Kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Bảo vật quốc gia Linga vàng.

Linga bằng vàng, bảo vật quốc gia. Ảnh Bảo tàng Bình Thuận.

Linga bằng vàng, bảo vật quốc gia. Ảnh Bảo tàng Bình Thuận.

Theo đó, căn cứ quyết định 73/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia, UBND tỉnh ban hành kế hoạch quản lý bảo vật quốc gia Linga vàng đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, yêu cầu lập phương án bảo vệ, đảm bảo an ninh, an toàn cho bảo vật quốc gia Linga vàng; thường xuyên bảo quản theo quy định và kịp thời báo cáo Bộ VH-TT&DL về các vấn đề ảnh hưởng, tác động xấu đến bảo vật quốc gia.

Bảo vật quốc gia Linga vàng phải được quản lý, bảo vệ đảm bảo an toàn tại kho hiện vật của Bảo tàng tỉnh; khi đưa ra trưng bày, triển lãm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bảo tàng tỉnh, chính quyền địa phương với lực lượng công an, đảm bảo tốt các yêu cầu về an ninh, an toàn, phòng chống cháy, nổ.

Tủ trưng bày phải có thiết kế đặc biệt để chống trộm, có tính thẩm mỹ, tiện lợi để khách tham quan tiếp cận, chiêm ngưỡng, nghiên cứu.

Triển khai chế tác phiên bản bảo vật quốc gia Linga vàng tỷ lệ 1/1 để phục vụ trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động nhằm giới thiệu quảng bá đến công chúng trong và ngoài tỉnh.

Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa của tỉnh (trong đó có bảo vật quốc gia Linga vàng) thông qua lồng ghép vào công tác trưng bày tại chỗ, tổ chức triển lãm lưu động tại các địa phương…

Xây dựng phương án bảo vệ, tuần tra, giám sát, đảm bảo an toàn các hiện vật, bảo vật quốc gia được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Trang bị hệ thống báo động chống trộm và hệ thống camera an ninh, hệ thống phòng chống cháy nổ nhằm đảm bảo an toàn hiện vật trong nhà trưng bày và kho bảo quản của Bảo tàng tỉnh.

Trang bị tủ chuyên dụng đặc biệt để bảo vệ, bảo quản, thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, độ ẩm của bảo vật quốc gia…

Được biết, Linga bằng vàng ròng nói trên được phát hiện vào năm 2013 sau Cuộc khai quật khảo cổ kéo dài 2 năm do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ và Bảo tàng Bình Thuận thực hiện tại tháp Pô Dam xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

Tháp Po Dam, nơi tìm thấy Linga bằng vàng năm 2013. Ảnh TL.

Tháp Po Dam, nơi tìm thấy Linga bằng vàng năm 2013. Ảnh TL.

Tháng 6-2013, sau khi phát hiện, Linga vàng này đã được hộ tống về ngay trong đêm.

Qua giám định, các nhà khoa học khẳng định đây là đầu chiếc Linga bằng vàng ròng được phát hiện, trong đó hàm lượng vàng chiếm tỷ lệ lên đến 90,4%; bạc (9,05%) và đồng (0,55%).

Linga có kích thước: cao 6,6cm; đường kính thân 5,35 - 5,49cm; đường kính vành 5,8 - 6,0cm với trọng lượng: 78,36gr, được đánh giá là di vật độc bản và xác định có niên đại từ thế kỷ thứ VIII.

Linga có cùng gốc từ với “langala” (có nghĩa là “cái cày”), gốc từ này cũng chỉ cái mai, cũng là dương vật, biểu tượng của sự sinh sản, của nguồn sống. Trong Bàlamôn giáo, linga tượng trưng cho thần Shiva với tư cách là nguyên lý nhân - quả (phá hủy và tái sinh), là sự sinh sản.

Linga là vật thờ quan trọng trong các di tích kiến trúc tôn giáo cổ thuộc văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam và các nền văn hóa - quốc gia cổ đại khác trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, hầu hết những hiện vật loại này được tìm thấy được làm bằng đá, một số ít làm bằng kim loại thì có niên đại vào khoảng thế kỷ IX - X.

Linga bằng vàng được phát hiện tại Bình Thuận là phát hiện duy nhất đến nay. Ảnh TL.

Linga bằng vàng được phát hiện tại Bình Thuận là phát hiện duy nhất đến nay. Ảnh TL.

Hiện vật Linga bằng kim loại vàng của di tích Po Dam là trường hợp duy nhất cho đến nay là loại hình linga chế tác thủ công bằng vàng được tìm thấy trong văn hóa Champa.

Đây là hiện vật quý, hiếm trong văn hóa Champa nói riêng và các nền văn hóa - văn minh cổ đại ở khu vực nói chung và hiện vật linga làm bằng vàng như ở Po Dam cho đến nay là phát hiện duy nhất.

UBND tỉnh giao cho Sở VH-TT&DL xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia gắn với khai mạc Lễ hội Katê năm 2024 dự kiến tổ chức tại di tích tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, TP Phan Thiết.

Nguồn: [Link nguồn]

Công trình kiến trúc độc đáo của Phật giáo đã được công nhận là bảo vật quốc gia và hiện cả nước chỉ còn có 3 chiếc nên có giá trị rất lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHƯƠNG NAM ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN