Báo chí phản ánh hay “đánh” thầy cô?

Không còn mang tính chất phản ánh, nhiều bài báo được viết ra theo hướng “đánh” thầy cô giáo. Đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là các em học sinh.

Nhân ngày 20/11, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS. Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGD Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội) và PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái xung quanh cách đưa tin về tiêu cực trong giáo dục.

Các thầy giáo, người công tác trong ngành giáo dục nhìn nhận thế nào về vụ việc “Canh gà Thọ Xương” gây chú ý trong dư luận vừa qua?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Một số thầy cô giáo có sai sót về chuyên môn, xã hội cũng nên có cái nhìn đúng mực. Đặc biệt là cơ quan truyền thông, cần có sự định hướng dư luận nhìn nhận vấn đề đúng đắn.

Tôi ví dụ, một chi tiết sai trong bài giảng của thầy cô hoàn toàn có thể xảy ra. Thời tôi mới ra trường, trong một lần xem lại giáo án của cô sinh viên năm 4 soạn để dạy cho trường cấp 3, tôi phát hiện có lỗi sai. Câu ca dao “Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người”. Thế nhưng, 2 chữ “xông hương” cô ấy viết là “sông Hương”. Như vậy là sai hẳn bản chất. Tôi duyệt giáo án phải chấn chỉnh lại ngay. Vậy nên, tôi cho rằng chuyện sai thời nào cũng có, ai cũng có. Nhất là chuyên môn, chữ nghĩa.

Những trường hợp như vậy, chỉ nên góp ý với giáo viên, nhà trường một cách nhẹ nhàng, tế nhị. Không nên tung lên mạng, lên báo để chứng minh rằng giáo dục thời nay kém quá.

Báo chí phản ánh hay “đánh” thầy cô? - 1

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, xã hội nên có cái nhìn đúng mực về sai sót của nhà giáo (Ảnh: Phương Hà)

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: Theo tôi, những tờ báo câu khách rẻ tiền mà bất chấp cả việc vi phạm nhân phẩm của người khác cần phải bị xử lý. Đôi khi tôi có cảm giác báo chí hiện nay để ý quá nhiều đến những thứ vụn vặt. Nhà báo đánh lộn bản chất sang vấn đề lẻ tẻ. Trong khi đó, những vấn đề mang tính bản chất của giáo dục lại ít được quan tâm.

Đây là ví dụ cho việc nhà báo đánh lộn vấn đề bản chất sang vấn đề lẻ tẻ. Lẽ ra những chuyện này chỉ nên nên rút kinh nghiệm thôi. Đằng này, các báo “ném đá” đến mức người ta nhập viện, viết đơn nghỉ việc... Chính vì thế cần truyền thông cho tử tế.

Không chỉ là thông tin về những yếu kém trong quản lý giáo dục, đáng quan ngại là hình ảnh thầy cô giáo đã bị ảnh hưởng ghê gớm bởi không ít vụ tiêu cực nổi cộm?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Là một nhà giáo, tôi rất buồn. Tuy nhiên, phải thấy rằng, có không ít bài báo viết về giáo dục và người thầy cực đoan. Đương nhiên, những người đi trái ngược lại đạo đức xã hội sẽ bị cơ quan, tổ chức, thậm chí pháp luật xử lý. Các phương tiện thông tin truyền thông có thể phản ánh những chuyện này, nhưng phải phản ánh có trách nhiệm.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Các câu chuyện tiêu cực như cô đánh trò, trò đánh cô... đương nhiên cũng cần phản ánh nhưng không thể đến mức như hiện nay là phủ kín nhiều tờ báo. Trong xã hội, có những nhà giáo có vấn đề đạo đức, báo chí nên phản ánh. Đứng trên tinh thần phản biện thì rất tốt. Nhưng viết theo kiểu bới móc, thổi phồng vấn đề thì rất tai hại. Có cảm giác, những ai không có khả năng tự vệ có thể trở thành miếng “mồi” cho truyền thông.

Báo chí phản ánh hay “đánh” thầy cô? - 2

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Cái nhìn khắt khe của báo chí và dư luận cũng chứng tỏ xã hội rất coi trọng ngành giáo dục. Do vậy, khó tránh việc báo chí đưa tin đậm đặc khi xảy ra tiêu cực trong lĩnh vực này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Đúng là xã hội nhìn nhận giáo dục khắt khe hơn bởi đây là ngành liên quan đến rất nhiều người. Nếu không phải là mình đi học thì con mình, cháu mình đi học. Mỗi gia đình bây giờ chỉ có một, hoặc hai con nên con cháu bây giờ toàn là “con vàng cháu bạc” hết. Vì vậy, dễ hiểu khi người ta có ý kiến đến bất cứ động thái nào ảnh hưởng đến con cháu họ. Nhưng nhiều khi, phụ huynh quý con, quý cháu mà quên mất rằng, thầy cô giáo cũng đáng quý.

Tôi không cho rằng cần phải xem nhẹ, hay che giấu khuyết điểm của một ngành nào đó. Nhưng cần phải xem mục đích của những vấn đề phê bình ấy là gì, liệu có đạt được hay không. Nếu mục đích đưa ra làm bài học cho con trẻ, giáo dục xã hội thì tốt. Nếu đưa ra như chuyện hấp dẫn, câu khách thôi, sẽ có hại nhiều hơn lợi.

Khi tin tức tiêu cực, tổn hại đến hình ảnh người thầy nhan nhản trên mặt báo, hệ quả đối với xã hội là gì?

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Hãy thử tưởng tượng, trong nhà cũng có lúc bố mẹ bất đồng ý kiến với nhau về việc này việc khác. Người lớn có lúc đúng lúc sai, không phải lúc nào cũng đúng. Nhưng nếu cha mẹ tranh cãi trước mặt con, đứa con đó khó trở thành đứa con ngoan. Chưa kể, nó sẽ giảm lòng kính trọng với bố mẹ. Khi niềm tin vào bố mẹ lung lay, đứa con ấy cũng sẽ nhìn người khác giảm niềm tin. Thế nên sự lịch thiệp, tôn trọng lẫn nhau kể cả khi phê bình nhau cũng là một cách thức giáo dục thế hệ trẻ.

Thầy giáo cũng vậy, cũng là con người, cũng có lúc sai, có thể là sai về chuyên môn nghiệp vụ, sai về hành xử. Giáo viên là tập hợp rất lớn, hàng triệu người và qua nhiều thế hệ. Do vậy, không tránh khỏi có những người không giữ được đạo đức. Trong trường hợp ấy, xã hội tìm cách ứng xử thế nào cho đúng. Về phía giới truyền thông, chỉ vì thiếu tin mà trút hết nỗi “bức xúc xã hội” vào thầy cô giáo, thì không chỉ có hại với người thầy, mà có hại đến sự giáo dục thế hệ trẻ.

Xin trân trọng cảm ơn!

“Qua vụ cô giáo trong vụ “Canh gà Thọ Xương” vừa xảy ra, chính trẻ em bị thiệt hại nặng nề nhất. Không chỉ có cô giáo hoang mang, chính trẻ em cũng hoang mang. Nói lại chuyện này để thấy, khi chúng ta làm cho hình ảnh thầy cô bị tổn thương, thì cũng làm cho tâm hồn trẻ em bị tổn thương”, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Thọ (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN