Bản không chồng nơi "bão ết" tàn phá

Hàng trăm người đàn ông trai tráng vĩnh viễn nằm lại nơi rú mồ vì ma túy, HIV/AIDS, cũng đồng nghĩa với ngần ấy đàn bà trở thành góa bụa.

Những điều trông thấy...

Khách làng chơi xứ Nghệ hầu như ai cũng biết đến Lan - cô gái bán hoa ở vùng biển Hòn Câu đẹp như đóa lan hồ điệp. Lan xuất hiện tại bãi biển này vào đầu năm 2009. Hành nghề được vài năm, Lan bỗng dưng “mất tích” làm cho nhiều kẻ tiếc ngẩn ngơ. Nhưng ít ai biết rằng, cô gái đó hiện giờ đang sống thoi thóp ở một bản nghèo tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong vì mắc HIV/AIDS giai đoạn cuối.

Chúng tôi vào căn nhà lá xập xệ bên bờ suối thăm Lan. Trước mặt chúng tôi là một người đàn bà tiều tụy, da xanh như tàu lá, khuôn mặt nổi đầy mụn nhọt.

Bản không chồng nơi "bão ết" tàn phá - 1

Rất nhiều phụ nữ ở Quế Phong phải chịu cảnh góa phụ khi còn rất trẻ

Lan là hoa khôi của xã Đồng Văn, có rất nhiều chàng trai theo đuổi nhưng cô phải lòng và cưới chàng trai Lương Văn Ni nổi tiếng “chịu chơi”. Những tưởng cuộc sống vợ chồng sẽ êm đềm hạnh phúc, nhưng mấy hôm sau ngày cưới Lan đã phát hiện chồng chích heroin. Con “ma trắng” ấy xâm nhập vào máu thịt và điều khiển Ni. Của cải trong nhà, Ni mang đi bán sạch. Thế rồi trong lần chồng bị sốt cao, Lan đưa chồng đi bệnh viện thì được bác sĩ thông báo Ni đã bị nhiễm HIV/AIDS.

“Em về nhà định ăn lá ngón tự tử nhưng còn đứa con trong bụng nên em không nỡ. Anh ấy nằm ốm hơn 2 năm trời rồi chết khi vừa tròn 20 tuổi” - Lan nói trong nước mắt. Chồng chết được mấy ngày thì Lan bị sẩy thai. Buồn cho số phận mình, Lan đã rời nhà đi vô định và lạc lối vào biển Hòn Câu làm nghề “bán hoa”.

Những quả phụ như Lan ở vùng đất Quế Phong ngày một gia tăng chóng mặt. Ông Vi Thanh Hà- Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Văn cho biết: “Năm 2010, toàn xã phát hiện 52 trường hợp dương tính với virus HIV/AIDS. Tháng 1.2011, có đoàn xét nghiệm của tỉnh lên, phát hiện thêm 13 trường hợp . Chỉ trong năm 2010 - 2011, xã Đồng Văn đã có 21 người chết vì “ết”. Còn năm 2012, chưa có danh sách thống kê nhưng... nhiều lắm!”. Trong số này có rất nhiều phụ nữ có chồng chết vì “ết” đang sống lay lắt vì căn bệnh thế kỷ. Nhiều người bỏ nhà đi biệt xứ, trở thành gái bán dâm hoặc bị lợi dụng vận chuyển ma túy.

Mù mờ về căn bệnh thế kỷ


Một cán bộ huyện Quế Phong bảo: “Ở Đồng Văn người dân đang chữa HIV bằng... rượu”. Tưởng đó là câu nói đùa, nhưng khi chúng tôi tiếp xúc với những gia đình có người dính “ết” thì thấy đó là sự thật.

Chúng tôi đến nhà Lô Văn Đín (SN 1989) nằm ở cuối bản Na Chảo. Đín đang nằm bẹp trên sàn nhà, người như bộ xương khô, tay đang cầm chai rượu uống dở. Hỏi Đín có biết bệnh “ết” là gì không? Đín lắc đầu: “Ta chưa thấy mặt “con ết” . Nhưng hình như nó ở trong bụng, nên ta phải uống rượu vô cho nó chết”. Không biết gì về HIV/AIDS nên trong quan hệ vợ chồng, Đín cứ thả phanh mà không hề có một biện pháp phòng tránh nào.

Y - vợ Đín (SN 1990) đang bế đứa con trai 2 tuổi cũng nói hồn nhiên: “Bà con ta cơm chưa đủ ăn, nên phải đi vào rừng kiếm ăn. Cái đói sợ hơn cả “con ết” nhà báo à”. Gần đó, em trai của Đín là Lương Văn Nõn cũng đang sống lay lắt những ngày cuối đời cùng vợ và 2 đứa con nhỏ. Cặp vợ chồng này chẳng hề bận tâm và cũng không cần biết đến “ết” là gì.

Theo cơ quan chức năng, tính đến đầu tháng 10/2012, Nghệ An có gần 6.330 người nhiễm HIV, trong đó có gần 3.460 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Đặc biệt, trong vòng 5 năm trở lại đây trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có khoảng gần 2.000 người đã chết vì căn bệnh thế kỷ.

Chị Hà Thị Hin (SN 1991) có chồng và bố chồng mới chết hồi cuối tháng 4 vì căn bệnh “ết”. Khi được hỏi về “ết”, chị cũng lắc đầu: “Chồng và bố chồng em đi khám, người ta bảo nhiễm HIV, nhưng em không biết HIV là gì cả. Bây giờ chồng em chết rồi có lẽ nó không lây được nữa”.

Nhiều quả phụ có chồng chết vì “ết” hay đang bị mắc “ết” vẫn ngây ngô đến buốt lòng. Họ hồn nhiên sống, mà không có một chút kiến thức gì về các biện pháp phòng tránh HIV. Như vậy nguy cơ lây nhiễm từ chồng sang vợ là rất cao.

Hiện nay Quế Phong là một trong những huyện đứng đầu về số người nhiễm HIV/AIDS của tỉnh Nghệ An. Năm 2010, toàn huyện có 455 người nhiễm. Năm 2011, con số này tăng lên 600 người. Đến nay con số người mắc “ết” ở huyện đã lên đến gần 1.000 người. Với tình trạng người nhiễm HIV tăng nhanh chóng mặt, Quế Phong đã trở thành “điểm nóng” của xứ Nghệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tiến Dũng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN