Anh nín thở chờ ngày “chia tay” Scotland

Ngày càng có nhiều người dân Scotland ủng hộ phương án tách khỏi Anh để giành quyền tự quyết.

Ngày 9/9, một cuộc khảo sát do hãng TNS (Anh) thực hiện cho thấy chiến dịch đấu tranh giành độc lập cho vùng đất Scotland đang bước vào giai đoạn quyết liệt khi cuộc trưng cầu dân ý về việc tách Scotland khỏi Anh sắp diễn ra, và số người ủng hộ cuộc “chia tay” này đang tăng lên từng ngày.

Cách đây 1 tháng, số người sẽ nói “Không” trong cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra là 45%, thế nhưng cuộc khảo sát mới nhất cho thấy tỉ lệ này đã giảm xuống còn 39%, trong khi số người ủng hộ độc lập cho Scotland đã tăng từ 32% lên đến 38%.

Anh nín thở chờ ngày “chia tay” Scotland - 1

Cờ Scotland và cờ Anh tại thủ đô London

Ông Tom Costley, giám đốc hãng thăm dò dư luận TNS Scotland cho biết: “Cuộc thăm dò này phản ánh sự thay đổi đáng kể của cử tri. Tỉ lệ quá sát sao này khiến cả hai bên sẽ phải nỗ lực hết mình trong 9 ngày cuối cùng của chiến dịch để thuyết phục người dân”.

Chiến dịch đòi độc lập cho Scotland được đảng Quốc gia Scotland của nghị sĩ Alex Salmond phát động để tách vùng đất này ra khỏi Anh sau hơn 300 năm sáp nhập đang được thực hiện ráo riết, mặc dù trước đây nó vẫn bị coi là một “giấc mơ xa vời”.

Hôm thứ Hai, thị trường tài chính Anh chứng kiến một ngày ảm đạm sau khi một cuộc thăm dò dư luận cho thấy lần đầu tiên trong năm nay người Scotland có thể sẽ thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập vào tuần sau.

Cuộc thăm dò do YouGov tổ chức cho thấy tỉ lệ người ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý là 51%, so với 49% số người phản đối.

Anh nín thở chờ ngày “chia tay” Scotland - 2

Những người ủng hộ và phản đối độc lập tranh cãi tại Edinburgh, Scotland

Cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập cho Scotland với hơn 4 triệu cử tri tham gia sẽ diễn ra vào ngày 18/9, và đây được coi là một bước ngoặt trọng đại của Vương quốc Anh, khiến cả nước Anh phải hồi hộp nín thở chờ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý.

Vấn đề độc lập cho Scotland đã khơi lên một làn sóng tranh cãi quyết liệt ở vùng đất này. Những người ủng hộ độc lập cho rằng đã đến lúc người Scotland giành quyền tự quyết và tự lựa chọn người lãnh đạo của mình chứ không phải phụ thuộc vào London.

Những người này cho rằng khi giành được độc lập, Scotland có thể sử dụng nguồn lợi nhuận từ việc khai thác dầu mỏ ở Biển Bắc để xây dựng một xã hội thịnh vượng và công bằng hơn.

Những người ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý cho rằng Scotland là một trong những đất nước thịnh vượng nhất thế giới, và một Scotland độc lập sẽ là cơ hội để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Anh nín thở chờ ngày “chia tay” Scotland - 3

Một người đàn ông Scotland trong trang phục truyền thống

Trong khi đó, những người phản đối việc độc lập thì cho rằng việc nằm trong khối liên minh với Anh sẽ giúp Scotland hùng mạnh hơn. Việc tách ra đi riêng một con đường sẽ đẩy nền kinh tế Scotland vào tình thế bất ổn với hàng loạt vấn đề nổi lên như sẽ sử dụng đồng tiền nào, tư cách thành viên trong EU và NATO, hay trữ lượng dầu mỏ còn lại ở Biển Bắc.

Trong khi đó, các đảng phái chính trị lớn ở Anh như đảng Bảo thủ và Dân chủ Tự do cũng như đảng Lao động đối lập đều phản đối việc Scotland đòi độc lập và đang xem xét trao thêm quyền tự trị cho vùng đất này nếu họ ngừng cuộc trưng cầu dân ý.

Hiện các đảng phái chính trị Anh đang phải nhờ đến Nữ hoàng Elizabeth ra tay can thiệp để ngăn chặn Scotland tách ra khỏi Liên hiệp Anh, tuy nhiên có vẻ như vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 18/9 tới đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN