Ai có lợi trong việc đầu độc ông Arafat?

Tám năm sau khi qua đời tại Bệnh viện quân sự Bercy, Clamart (Haut-de-Seine, Pháp ngày 11/11/2004), thi hài cố lãnh đạo Yasser Arafatđã được khai quật ngày 27/11 để điều tra liệu có phải ông đã bị ám sát bằng chất độc phóng xạ không.

Một câu hỏi khác: Ai có lợi trong việc đầu độc này?

Theo AFP, một nhóm chuyên viên y tế Palestine đã khai quật mộ ông Yasser Arafat và thu thập các mẫu xét nghiệm mà không di chuyển thi hài ông. Ngay sau đó, ngôi mộ đã được đóng lại. Nhóm chuyên viên y tế đã trao mẫu xét nghiệm cho các chuyên gia pháp y Nga, Pháp và Thụy Sĩ để xét nghiệm riêng rẽ tại các phòng thí nghiệm ở Matxcơva, Geneva và Paris.

Kết quả xét nghiệm dự kiến được công bố sau bốn tháng. Lãnh đạo Ủy ban điều tra Palestine Tawfiq Tirawi tuyên bố nếu các chuyên gia Nga, Pháp, Thụy Sĩ phát hiện chất độc phóng xạ trong thi hài ông Arafat, chính quyền Palestine sẽ đưa vụ việc lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Ngoài ra, nhà chức trách Pháp sẽ mở một cuộc điều tra riêng.

Ai có lợi trong việc đầu độc ông Arafat? - 1

Lãnh đạo Palestine M. Abbas trước chân dung cố lãnh đạo Yasser Arafat tháng 8/2009 - Ảnh: AP

Cái chết đầy bí ẩn

Chất độc polonium đã sát hại cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko ở London (Anh) hồi năm 2006. Chất phóng xạ polonium-210 có đầy rẫy trong các lò phản ứng hạt nhân ở Israel và Nga. 43 tuổi, Litvinenko là nạn nhân đầu tiên của một vụ “ám sát phóng xạ” - theo giới chuyên gia. Litvinenko đã chết ba tuần sau khi uống trà với một cựu điệp viên khác của Nga. Gan và tủy bị hủy hoại bởi một lượng phóng xạ lớn và tóc bị rụng chỉ vài ngày sau đó.

Trong suốt năm thập kỷ, ông Arafat là gương mặt đại diện cho phong trào kháng chiến chống Israel của người Palestine. Trong hai năm cuối đời, ông bị lực lượng Israel giam lỏng tại trụ sở của ông ở Ramallah (Bờ Tây). Tháng 10/2004, ông Arafat bất ngờ lâm bệnh một cách bí hiểm. Những người thân cận cho biết sau một đêm ông đột ngột mắc bệnh đau bụng trầm trọng. Ông được đưa sang một bệnh viện quân sự ở ngoại ô Paris (Pháp) để chữa trị.

Ngày 11/11/2004, chỉ ba tuần sau khi các triệu chứng bệnh xuất hiện, nhà lãnh đạo Palestine đã qua đời. Các bác sĩ Pháp mở cuộc điều tra để xác minh xem liệu ông có bị đầu độc bằng chất phóng xạ hay không, nhưng không phát hiện thấy gì. Theo đề nghị của vợ ông là bà Suha, nhà chức trách Pháp đã không khám nghiệm tử thi ông. Cũng không có thông tin y học chính thức nào về nguyên nhân cái chết của ông được công bố. Thi hài ông được chuyển về chôn cất tại Ramallah.

Cái chết của ông Arafat đã lập tức dấy lên nhiều suy đoán khác nhau. Rất nhiều người Palestine lên tiếng tố cáo Israel là đã đầu độc ông Arafat. Một ủy ban điều tra về cái chết của ông Arafat được những người Palestine này thành lập vào tháng 3/2009. Họ chỉ ra rằng hồi tháng 4/2004, Thủ tướng Israel Ariel Sharon tuyên bố không còn bị ràng buộc với cam kết trước Tổng thống Mỹ George Bush rằng Israel sẽ không làm hại nhà lãnh đạo Palestine.

Dù ông Arafat ký thỏa thuận hòa bình với Israel, nhưng trong một thời gian dài ông bị chính quyền Israel coi là “kẻ khủng bố”. Nhưng chính quyền Palestine không có ý định theo đuổi vụ việc. Báo Wall Street Journal cho biết một cố vấn của ông Mahmoud Abbas, người kế nhiệm ông Arafat, tiết lộ chính quyền Palestine muốn “để lại quá khứ sau lưng”.

Giả thuyết ông Arafat bị đầu độc lại nổi lên vào tháng 7/2012 dựa trên một tài liệu của Hãng tin Ả Rập Al-Jazeera. Hãng tin này đã đưa các vật dụng cá nhân của ông Arafat mà bà góa phụ Suha trao cho họ đi xét nghiệm ở Viện Vật lý phóng xạ (IRP) thuộc Đại học Lausanne (Thụy Sĩ).

Các chuyên gia IRP đã phát hiện những lượng bất thường của chất độc phóng xạ polonium-210 trong các vật dụng này. Đây là một chất cực độc, chỉ một lượng nhỏ cũng đủ giết người, rất dễ tuồn qua đường biên giới do polonium chỉ phát ra bức xạ sóng ngắn.

Sau khi Al-Jazeera công bố kết quả xét nghiệm, ngày 31/7/2012 bà Suha và con gái Zahwa đã đề nghị nhà chức trách Pháp mở cuộc điều tra. Bà khẳng định mình không muốn buộc tội ai nhưng muốn tìm ra sự thật.

Ngày 11/11/2012, lãnh đạo chính quyền Palestine, ông M.Abbas, đã đồng ý khai quật mộ của ông Arafat để làm rõ nguyên nhân cái chết của ông, và yêu cầu các chuyên gia Nga cùng tham gia xét nghiệm bên cạnh các chuyên gia Pháp, Thụy Sĩ.

Nhiều câu hỏi hơn câu trả lời!

Theo báo Israel Haaretz, chính quyền Israel nhiều lần khẳng định không liên quan đến cái chết của ông Arafat. Nhiều chuyên gia y tế thế giới cũng nhận định việc xác minh cái chết của nhà lãnh đạo Palestine có thể dẫn tới nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. CNN dẫn lời chuyên gia François Bochud, giám đốc IRP, nhận định trường hợp của ông Arafat không giống với cái chết của điệp viên Nga Litvinenko.

“Ví dụ, trước khi chết, tủy xương ông Arafat không bị hủy hoại. Trong các vụ nhiễm độc polonium, tủy xương luôn bị phá hủy - ông Bochud cho biết - Ngoài ra ông Arafat cũng không bị rụng hết tóc”.

Giáo sư độc dược học Cham Dallas thuộc Đại học Georgia (Mỹ) bình luận nếu ông Arafat bị đầu độc bằng polonium-210 thì rõ ràng kẻ sát hại muốn đưa ra một thông điệp, bởi chất độc này rất dễ bị phát hiện trong thi thể người chết. Và có rất nhiều loại độc dược khác nhau để ám sát một người mà không để lại dấu vết.

Hơn nữa, nếu kẻ sát hại ông Arafat sử dụng polonium-210 thì nó phải được đưa vào cơ thể ông qua đường ăn uống hoặc tiêm vào người ông. Dù lực lượng Israel kiểm soát việc đưa thực phẩm, nước ngọt vào Bờ Tây khi đó nhưng tại Ramallah không xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào. Do đó thủ phạm không thể ra tay nếu không tiếp cận được nhà lãnh đạo Palestine.

Phần lớn người Palestine đều khẳng định Israel ám sát ông Arafat, nhưng một vụ đầu độc không thể diễn ra nếu không có sự hợp tác của một tay trong người Palestine ở trụ sở của chính quyền Palestine tại Ramallah.

Báo Guardian (Anh) dẫn lời ông Tirawi thừa nhận nếu ông Arafat bị đầu độc, chắc chắn có một người Palestine là đồng phạm. Trên thực tế ngoài Israel, ông Arafat cũng không thiếu kẻ thù ở Palestine, bao gồm các phong trào chính trị đối lập với phong trào Fatah của ông như Hamas chẳng hạn.

Dù vậy, dư luận và truyền thông Trung Đông cho rằng vẫn phải điều tra cái chết của ông Arafat bởi khi đó gia đình ông, cả người dân, chính quyền Palestine mới có thể thật sự “để lại quá khứ sau lưng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sơn Hà (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN