30% công chức cắp ô: Bộ trưởng Nội vụ phân trần

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, con số 30% cán bộ công chức, viên chức không làm được việc là phản ánh của dư luận. Nhưng Bộ trưởng cũng xác định đó là phản ánh, kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn cần phải có đổi mới cải cách công vụ công chức nhiều

Ngày 19/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Các đại biểu QH gửi đến Bộ trưởng Nội vụ câu hỏi đề cập đến hàng loạt bất cập trong vấn đề công chức, viên chức hiện nay.

ĐB Danh Út (tỉnh Kiên Giang) hỏi: “Có khoảng 30% cán bộ công chức, viên chức không làm được việc. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó và hướng giải quyết thế nào tình trạng này?”

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) hỏi: “Cử tri cho rằng 30% cán bộ công chức không làm được việc, tức là gần 700 nghìn cán bộ công chức, số chi hàng năm gần 17 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ trưởng nếu không phải con số 30% thì bao nhiều?”

“Bộ trưởng đánh giá gì về chạy chức chạy quyền, chạy chỉ tiểu biên chế trong công tác cán bộ? Có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ đang làm công tác tổ chức cán bộ không? Có thuốc chữa không? Chữa như thế nào, bao giờ khỏi?”

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng nêu loạt câu hỏi: “Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có hơn 30% cán bộ công chức không làm được việc. Thực hư câu chuyện đó thế nào? Bộ trưởng có thấy điều này bất hợp lý hay không? Tại sao để kéo dài đến vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và làm gì để giải quyết trình trạng nêu trên?”

30% công chức cắp ô: Bộ trưởng Nội vụ phân trần - 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình

Giải đáp những ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói rằng, dư luận phản ánh đang có 30% cán bộ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Theo Bộ trưởng, đây chỉ là phản ánh của dư luận mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại.

Nhưng Bộ trưởng cũng xác định đó là phản ảnh, kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn cần phải có đổi mới cải cách công vụ công chức nhiều hơn. Muốn dành được tiếng nói chung phải có các biện pháp mang tính chất tương đối, toàn diện để tổ chức thực hiện, có thể tìm được tiếng nói chung...

Theo Bộ trưởng, một số giải pháp sẽ được thực hiện tới đây là hoàn thiện tổ chức, tinh gọn bộ máy; tập trung mô tả công việc, xác định giải quyết việc làm trong từng cơ quan tổ chức đơn vị trên cơ sở đó đánh giá số công chức làm việc trong các đơn vị hành chính. Đồng thời phải bổ sung hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với đội ngũ công, viên chức…

Trả lời câu hỏi của ĐB Chu Sơn Hà về con số chính xác bao nhiêu phần trăm công chức không làm được việc, Bộ trưởng cho biết: “Bây giờ nói con số bao nhiêu thì không có cơ sở. Nếu có giải pháp tương đối toàn diện như đã nói trên, đến một thời điểm nhất định tạo được tiếng nói chung giữa tỷ lệ này (?)”.

Trả lời câu hỏi: Có tham nhũng trong công tác cán bộ không? Bộ trưởng cho biết, cá nhân ông và Bộ Nội vụ cũng quan tâm vấn đề này.

Ngay sau đó, thay vì trả lời “có – không”, Bộ trưởng dẫn ra hàng loạt văn bản: “Chúng tôi đọc kỹ báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 trình ra trước Đại hội Đại biểu toàn quốc lần 11 của Đảng nói về thực trạng đội ngũ cán bộ công chức; nghiên cứu kỹ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần 11 liên quan đến công chức viên chức; đặc biệt sau Đại hội 11 có Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 có đánh giá đội ngũ cán bộ công chức viên chức, trong đó có tham nhũng, tiêu cực... Chúng tôi cho đây là quan điểm, tư tưởng gối đầu của cơ quan làm công tác tổ chức của Bộ Nôi vụ. Những nội dung ĐB nêu ra, các văn kiện trên nói khá kỹ và rõ”.

ĐB Chu Sơn Hà chưa đồng tình với cách trả lời chung chung của Bộ trưởng và chất vấn lại, hỏi rõ “có hay không chạy chức chạy quyền và tham nhũng trong đội ngũ cán bộ đang làm công tác tổ chức cán bộ?”.

ĐB Chu Sơn Hà ví dụ: Như Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư nói "có chạy dự án, nhưng đến giờ chúng tôi chưa phát hiện. Tôi nghĩ phải dũng cảm như thế! Đó là nguyên nhân, gốc của việc phòng chống tham nhũng, chọn được cán bộ tốt thì sẽ không tham nhũng.

Tuy nhiên, khi trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lại một lần nữa không khẳng định có hay không có nạn chạy chức, chạy quyền và tham nhũng trong tổ chức cán bộ. Bộ trưởng nói: “Do đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị, chúng tôi nghiên cứu kỹ các văn kiện Đại hội 11...”,  Bộ trưởng dẫn lại văn kiện của Ban chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu Toàn quốc khóa XI có nêu "đánh giá cán bộ là khâu yếu, tình trạng chạy chức chạy quyền, một số cái chạy... chưa khắc phục".

Bộ trưởng nói đó là tài liệu "gối đầu nằm" để nghiên cứu, đề ra các biện pháp khắc phục. Dưới hội trường, ĐB Chu Sơn Hà và các ĐB khác bật cười.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN