21 trẻ ở xưởng may: Cuộc sống cùng cực

Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của người xấu, 21 em nhỏ (tuổi từ 12 - 16) đã từ giã quê hương ở miền Bắc vào TP.HCM làm việc trong xưởng may. Nhưng các em không ngờ được rằng, khi vào làm việc tại đây các em phải “cày” từ sáng đến sáng hôm sau chỉ với đồng lương ít ỏi. Không những thế, các em còn bị chủ xưởng may đay nghiến, thậm chí đánh đập chỉ vì một chút sơ suất trong công việc.

Giải cứu 21 trẻ em bị bóc lột sức lao động

Liên quan đến vụ “giải cứu” thành công 21 lao động trẻ em tại 2 xưởng may thuộc hẻm 91 đường Trần Tấn (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM) vào trưa ngày 13/11, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 – Bộ công an) cho biết vẫn đang phối hợp với cơ quan chức năng quận Tân Phú điều tra làm rõ hành vi vi phạm luật lao động đối với ông N.V.T (36 tuổi, quê Thái Bình) và H.V.V (53 tuổi, quê Bắc Giang, cùng trú tại quận Tân Phú) là chủ 2 xưởng may trên.

21 trẻ ở xưởng may: Cuộc sống cùng cực - 1

Niềm vui vô bờ bến của 21 em nhỏ khi được giải cứu khỏi xưởng may

Được biết, sau khi nghe phản ánh của người dân, C45 đã cử các trinh sát từ Hà Nội vào TP.HCM để theo dõi, kiểm tra 2 xưởng may sử dụng lao động trẻ em trái phép. Đến trưa 12/11, các trinh sát C45 đã phối hợp với chính quyền quận Tân Phú bất ngờ kiểm tra hành chính 2 xưởng may trên thì phát hiện nhiều trẻ em bị bóc lột sức lao động.

Theo đó, lực lượng chức năng phát hiện 21 trẻ em (9 nam, 12 nữ), độ tuổi từ 12 – 16 tuổi đang cắt chỉ, may… trong tình trạng kiệt sức. Các em và chủ của 2 xưởng may ngay lập tức được mời về trụ sở Công an phường Tân Sơn Nhì lấy lời khai. Tại trụ sở công an, hầu hết các em cho biết quê ở huyện Mường Áng (tỉnh Điện Biên). Các em được một người phụ nữ tên L.T.K. – người từng làm ở cơ sở may trên đưa vào TP.HCM làm việc 2 năm nay.

Trước khi được giới thiệu vào TP.HCM làm việc, các em được “cò” K. khoe khoang công việc nhàn hạ lại có tiền, thậm chí người này còn cho gia đình các em ứng trước tiền công từ 1 – 3 triệu đồng để làm tin. Tuy nhiên, khi vào làm các em phải làm quần quật suốt ngày lẫn đêm, từ 10 – 14 tiếng đồng hồ/ngày. Có khi các em bị kiệt sức vì ông chủ bắt “tăng ca” liên tục, từ 7h sáng hôm trước đến 1-2h sáng ngày hôm sau mới được nghỉ.

Dù làm việc hết “công suất”, nhưng tiền công mà 21 em nhỏ được ông chủ trả không thấm thía vào đâu, chỉ từ 750 ngàn đồng – 800 ngàn đồng/tháng. Các em còn trình bày với cơ quan điều tra rằng, dù rất cố gắng làm việc nhưng thường xuyên bị chủ xưởng may chửi bới, nhiếc móc thậm tệ. Ngoài ăn uống không được chủ xưởng may quan tâm, có em còn bị ông chủ dùng ghế nhựa phang vào người gây bầm tím thân thể trong khi làm việc.

21 trẻ ở xưởng may: Cuộc sống cùng cực - 2

Sau khi được giải cứu, các em vẫn chưa hết bàng hoàng về “công suất” làm việc tại 2 xưởng may ở TP.HCM

Bắt trẻ em khai lớn tuổi để che giấu

Tiền công đã ít, nhưng cũng không được chủ xưởng may trả thường xuyên theo tháng, họ trả theo từng đợt (từ 1-2 năm phát tiền công 1 lần). Biết sử dụng lao động trẻ em trái phép nên 2 xưởng may này làm việc kiểu khép kín, hầu hết các em bị “biệt giam” tại nơi làm việc, ít khi được ra ngoài.

Tất cả điều được ông chủ bắt học thuộc quy định trong của xưởng là: “Gặp bất cứ ai tuyệt đối không được nói gì, nếu không muốn trừ lương và ăn đòn. Các em chỉ biết làm việc và làm việc”. Chính vì thế khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều em vẫn không hé môi lời nào: “Cháu không dám nói đâu chú ơi, sợ lắm…”, em L.V.H (16 tuổi) trả lời.

21 trẻ ở xưởng may: Cuộc sống cùng cực - 3

Các em di chuyển ra sân bay để về đoàn tụ với gia đình

Trong tổng số 21 em, nhỏ tuổi nhất là em L.T.L (12 tuổi) được đưa vào TP.HCM làm việc cùng thời điểm với những em khác. L bảo, em không biết làm lương được bao nhiêu hết, tiền công chủ đã trả cho gia đình hết rồi. “Em nhỏ tuổi thế này mà ông chủ còn dặn, hễ ai hỏi thì nói là em sinh năm 1995. Ông còn không cho em tiếp xúc với người bên ngoài và cấm trò chuyện với bất cứ ai. Em nghe anh chị nói, làm ở đây 2 năm rồi mới được ông chủ đưa đi chơi có 1 lần”, L. ngây thơ kể.

Em L.T.H. (chị gái của L.V.H) cho biết, ngoài 2 chị em, ở 2 xưởng may này còn có 3 người em họ của H. cũng đang làm việc tại 2 cơ sở trên. Tất cả 5 người họ được “cò” K. cho biết làm việc nhẹ nhàng, mỗi năm cũng kiếm được 16 triệu đồng để lo Tết cho gia đình. Tưởng thật, các em đồng ý thì K. nhanh chóng đưa lên TP. Hà Nội, sau đó bắt xe đưa vào TP.HCM để bàn giao cho chủ xưởng may.

“Vào làm chúng em mới biết cực khổ không chịu đựng được. Nhiều lần chúng em định gọi điện về cho gia đình tìm cách “chuộc” về, nhưng bị ông chủ ngăn cản không cho. Bọn em tìm cách bỏ trốn nhưng cũng không được nên đành phải tiếp tục ở lại xưởng may làm việc thôi chú ạ!”, H. cho biết.

Ngay sau khi vụ việc được phát giác, chúng tôi đã tìm cách liên lạc với gia đình các em qua số điện thoại. Mẹ em L.T.H. và L.V.H. nói trong đau đớn, cả gia đình bà không hề biết các con đang chịu khổ trong xưởng may. Cách đây khoảng 2 năm, có người đến nhà bà giới thiệu cho 2 đứa con bà vào TP.HCM làm việc, công việc nhẹ nhàng nhưng có thu nhập. Người này còn cho bà ứng trước tiền công mỗi đứa 1,5 triệu đồng nên bà mới đồng ý cho con vào TP.HCM.

Thời gian này, mẹ H. cũng hay liên lạc với con qua điện thoại của ông chủ nhưng không được gặp, có khi gọi điện gặp thì chủ xưởng chỉ nói ngắn gọn: “Các cháu đều khỏe”, nên mẹ H. rất yên tâm. “Khi đoàn công tác thông báo về địa phương, gia đình tôi mới tá hỏa nhận ra sự thật phũ phàng, không ngờ con tôi lại khổ như thế. Hiện tại gia đình tôi cũng mới nhận được 17 triệu đồng tiền công 2 năm của đứa lớn (tức em L.T.H.) còn đứa thứ 2 (tức em L.V.H.), chúng tôi chưa nhận được đồng nào từ chủ xưởng may”, mẹ H. cho biết.

Sau khi giải cứu thành công 21 em nhỏ ở 2 xưởng may trên, lực lượng chức năng đã đưa các em đến trung tâm trợ giúp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM). Đến 15h chiều ngày hôm nay (13/11), toàn bộ 21 em được cơ quan ban ngành đưa lên máy bay ra Hà Nội đoàn tụ với gia đình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hưng Văn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN