Bổ sung chất sắt ở bé gái dậy thì: Bao nhiêu là đủ?
Sắt là một trong những vi chất dinh dưỡng quan trọng của cơ thể. Đặc biệt đối với các bé gái trong độ tuổi dậy thì, bởi đặc điểm sinh lý của phụ nữ phải mất sắt qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng và nhu cầu ở giai đoạn dậy thì thường cao hơn. Do đó, vấn đề bổ sung sắt cho các bé gái độ tuổi thanh thiếu niên cần được quan tâm đúng mức.
Cùng Bác sỹ Đặng Ngọc Yến Dung, Phó khoa khám bệnh, Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ với độc giả Tiếp thị Gia đình rõ hơn về vấn đề này.
Em năm nay 17 tuổi. Hằng tháng chu kỳ kinh của em thường kéo dài và nhiều. Mỗi lần như vậy, cơ thể rất mệt, chỉ muốn nằm thôi. Có người khuyên ăn thịt bò để bổ sung lại lượng máu đã mất nhưng em của em vẫn không thấy khá hơn. Xin bác sĩ cho lời khuyên. Hồng Hoa (Q. Bình Thạnh, TP.HCM)
Với tình trạng của em, mỗi lần đến chu kỳ kinh nên bổ sung chất sắt – chất tạo máu cho cơ thể, vì em bị mất máu nhiều. Theo thống kê, số phụ nữ trưởng thành và bạn gái tuổi thiếu niên thường bị thiếu sắt do nhiều nguyên nhân, trong đó mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt là chủ yếu. Trong mỗi kỳ kinh nguyệt, lượng máu mất đi khoảng 40-60ml tương ứng khoảng 20-30mg sắt hao hụt khỏi cơ thể. Em chỉ nói chu kỳ kinh kéo dài mà không nói thời gian bao lâu. Nếu nhiều và dài khoảng 4-5 ngày thì bình thường, còn dài hơn thì đó là hiện tượng rong kinh, em nên đến gặp bác sĩ sản phụ khoa để thăm khám và chữa trị bởi không tốt cho sức khỏe và sinh sản sau này. Việc ăn thịt bò cũng là một trong số cách giúp bổ sung máu nhưng trên thực tế vẫn chưa đủ. Em cần bổ sung thêm các loại thực phẩm khác và kết hợp với các viên uống sắt.
Con gái tôi 15 tuổi, thường hay bị mỏi mệt, chóng mặt và bị các bệnh vặt. Khi đi khám bác sĩ bảo thiếu sắt và cho thuốc về uống. Xin bác sỹ cho biết uống bổ sung sắt như thế nào cho đúng cách? Ngân Hà (Bến Tre)
Để cơ thể hấp thu sắt một cách hiệu quả, bạn cần lưu ý những vấn đề sau: uống kèm vitamin C hoặc nước hoa quả, thực phẩm có vị chua (nước chanh, nước cam, nước quất, canh chua giầm sấu, me, dọc…) ở mức độ vừa phải để làm tăng độ axit trong dạ dày, tăng khả năng hấp thu sắt. Nếu không bị viêm loét dạ dày thì có thể uống viên sắt trước khi ăn 30 phút để làm tăng khả năng hấp thu sắt. Khi bổ sung sắt cần hạn chế những thực phẩm có nhiều oxalate và phytate, trà, cà phê, sữa và nước ngọt chứa nhiều acid phosphoric. Do đó, không nên uống trà, cà phê trong bữa ăn mà uống cách xa bữa ăn khoảng 1,5 – 2 giờ đồng hồ. Ngoài ra, cũng nên chú trọng chế độ dinh dưỡng giàu sắt cho con bạn bằng các thực phẩm giàu sắt như: các loại thịt đỏ, sò ốc, thịt, gan heo, trứng, các loại cá ngừ, cá trích…
Trong giai đoạn nguyệt san, cháu thường uống bổ sung thêm viên sắt thì thấy có hiện táo bón. Không biết như vậy có nguy hiểm gì không? Và nếu sử dụng viên sắt lâu dài có gây tác hại gì hay không? Khả Ngân (TP. Vũng Tàu)
Trong quá trình uống sắt, cơ thể có thể bị táo bón, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng hoặc đau dạ dày, đau quặn bụng...Đây là tác dụng phụ thông thường của các chế phẩm sắt. Tuy nhiên các chế phẩm chứa sắt dạng muối hữu cơ fumarate sẽ hạn chế tác dụng phụ này và cũng được cơ thể hấp thu tốt hơn. Đối với các loại vi chất bổ sung, chúng ta chỉ nên uống một thời gian rồi ngừng, sau đó mới uống tiếp.Tránh bổ sung sắt quá nhiều trong một thời gian dài, gây nguy cơ xơ gan, bệnh cơ tim, đái tháo đường… Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và các bé gái trong độ tuổi dậy thì, chỉ nên bổ sung trong giai đoạn kinh nguyệt để đảm bảo chất sắt cho cơ thể.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị, lượng sắt cần bổ sung ở phụ nữ từ 19 đến 50 tuổi là 18 mg mỗi ngày, ở thiếu nữ 14 - 18 tuổi là 15 mg mỗi ngày. Các em gái trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần bổ sung viên sắt hàng tuần để tạo nguồn sắt dự trữ cho cơ thể.