Vũ khí giá rẻ đang đe dọa quân đội phương Tây thế nào?

Những vũ khí trị giá hàng triệu USD của phương Tây đang tỏ ra lép vế trước các vũ khí giá rẻ trong bối cảnh chiến tranh hiện đại.

Hai cuộc xung đột lớn hiện nay là xung đột Nga-Ukraine và xung đột Israel-Hamas đang cho thấy ưu thế của vũ khí giá rẻ, theo tạp chí The National Interest.

Vũ khí giá rẻ trên chiến trường Ukraine

Tại chiến trường Ukraine, vũ khí giá rẻ đang bộc lộ những ưu thế vượt trội. Nổi bật nhất trong số này là máy bay không người lái (UAV) ZALA Lancet của Nga. Loại UAV này đã được sản xuất và sử dụng rộng rãi để nhắm mục tiêu vào xe tăng và các phương tiện khác của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Một máy bay không người lái (UAV) ZALA Lancet của Nga. Ảnh: TASS

Một máy bay không người lái (UAV) ZALA Lancet của Nga. Ảnh: TASS

Tháng trước, Tập đoàn ZALA Aero, nhà sản xuất UAV ZALA Lancet, thông báo sẽ tăng cường sản xuất loại UAV này “lên vài lần”. Với giá một chiếc khoảng 35.000 USD, việc tăng sản lượng sản xuất không phải là điều gì khó khăn.

Trong khi đó, xe tăng Leopard II của Đức, loại xe là mục tiêu của UAV ZALA Lancet trên chiến trường, lại có giá đến 11 triệu USD/chiếc, chưa kể việc sản xuất Leopard II lại mất nhiều thời gian hơn sản xuất UAV Lancet.

The National Interest đã thực hiện một phép so sánh kinh tế (bao gồm thời gian, chi phí sản xuất, sức mua tương đương giữa Đức và Nga) cho thấy nếu Đức sản xuất được một chiếc Leopard II thì Nga có thể sản xuất tới 683 chiếc Lancet.

Ví dụ trên bộc lộ một điểm yếu trong chiến lược quân sự hiện đại của phương Tây, đó là: tập trung nhiều vào sản xuất thiết bị chất lượng cao, chi phí cao với hy vọng có thể áp đảo các lực lượng kém hơn.

Vũ khí giá rẻ trong xung đột Israel-Hamas

Điều tương tự cũng xảy ra trong xung đột Israel-Hamas.

Ngày 7-10, Hamas phát động cuộc chiến bằng việc phóng một số lượng lớn rocket Qassam vào lãnh thổ Israel. Loại rocket này có chi phí sản xuất chỉ từ 300-800 USD/chiếc, vì nhiên liệu phóng chỉ đơn giản là đường và phân bón.

Hamas phóng rocket từ Dải Gaza về Israel hôm 7-10. Ảnh: AP

Hamas phóng rocket từ Dải Gaza về Israel hôm 7-10. Ảnh: AP

Trong khi đó, vũ khí mà Israel dùng để chặn các rocket của Hamas là hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) nổi tiếng, với giá mỗi cục pin cho nó là 100 triệu USD và mỗi quả đạn Tamir mà Iron Dome bắn ra có giá khoảng 50.000 USD.

Cũng với phép tính kinh tế tương tự, nếu Israel sản xuất được một quả đạn Tamir thì Hamas đã sản xuất đến 177 rocket Qassam. Và để bắn hạ 1 rocket cần ít nhất 1 quả đạn Tamir - nếu chỉ tính đến tính kinh tế thì Israel đã có một cuộc trao đổi lỗ nặng.

Tương tự, xe tăng Merkava của Israel dường như cũng bộc lộ yếu điểm khi đối đầu với súng phóng lựu chống tăng al-Yassin (RPG) tự chế của Hamas trong chiến tranh đô thị ở Gaza.

Dù không rõ chi phí sản xuất mỗi súng al-Yassin là bao nhiêu nhưng chúng được bán trên thị trường chợ đen với giá khoảng 300 USD/chiếc, nên chi phí sản xuất có thể rơi vào tầm 200 USD.

Nếu so sánh với tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ, không rõ al-Yassin sẽ thua kém thế nào về hiệu quả nhưng nếu so về giá, chắc chắn al-Yassin lợi thế hơn. Mỗi chiếc Javelin có giá 78.000 USD, tức là nếu cộng thêm chênh lệch tỉ giá hối đoái cùng các chi phí khác, 784 súng al-Yassin mới bằng 1 Javelin.

Binh sĩ Israel nạp đạn pháo cho xe tăng tại một địa điểm không xác định hôm 14-10, một tuần sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Binh sĩ Israel nạp đạn pháo cho xe tăng tại một địa điểm không xác định hôm 14-10, một tuần sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Đáng chú ý, lợi thế của vũ khí giá rẻ càng thể hiện rõ ràng hơn trong các cuộc tấn công gần đây của nhóm vũ trang Houthis (Yemen) vào Biển Đỏ khi nhóm này có thể bao vây vùng biển mà không cần sở hữu lực lượng hải quân.

Trong suốt lịch sử loài người, khả năng kiểm soát biển chỉ dành cho những quốc gia giàu có, đủ năng lực kinh tế để xây dựng một lực lượng hải quân hoàn chỉnh. Nhưng giờ đây, vũ khí giá rẻ đã thay đổi điều này.

Không rõ một tên lửa chống hạm mà Houthis dùng tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ có giá bao nhiêu, nhưng chắc chắn rằng tên lửa này có giá thấp hơn đáng kể so với các tên lửa phòng không của hải quân phương Tây.

Hôm 20-12, tờ Politico đã công bố một báo cáo cho biết Lầu Năm Góc đang lo lắng trước việc Hải quân Mỹ dùng tên lửa trị giá hơn 2 triệu USD để bắn hạ một UAV của Houthis có giá chỉ 2.000 USD.

Trước tình hình này, đã có nhiều lời kêu gọi Mỹ và các đồng minh ném bom vào kho vũ khí của Houthis để đáp trả. Nhưng vấn đề đặt ra là phải ném bom vào đâu khi mà các vũ khí này rất linh hoạt, có thể dễ dàng di chuyển tới bất cứ đâu, và cũng không đáng giá để phải ném bom.

Câu hỏi cho chiến tranh hiện đại

Câu chuyện về vũ khí giá rẻ đặt ra câu hỏi rằng liệu có sai lầm khi so sánh sức mạnh quân sự của các quốc gia dựa trên tổng chi tiêu quốc phòng.

Tiếp sau đó là một loạt câu hỏi về tính phù hợp của các tổ hợp công nghiệp - quân sự khổng lồ trong thời đại ngày nay: Liệu các mô hình quân sự công nghệ cao, chi phí cao có còn phù hợp với chiến trường hiện đại? Chuỗi cung ứng quốc phòng rộng lớn có còn cần thiết không?...

Theo The National Interest, có lẽ, đã đến lúc các quốc gia cần đánh giá lại cách chi tiêu cho vũ khí cũng như những gì mà các nước cần mua.

Thêm vào đó, các nước cũng cần đánh giá lại những gì một lực lượng quân sự thông thường có thể và không thể đạt được trên chiến trường trong thời đại ngày nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Quan chức Nga nhận định về kho vũ khí của Ukraine

Một nhà ngoại giao cấp cao của Nga gần đây nói về dấu hiệu trên chiến trường cho thấy kho vũ khí của Ukraine đang cạn kiệt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN