Vụ ám sát kinh hoàng nữ Thủ tướng Ấn Độ không thích mặc áo chống đạn

Đây là vụ ám sát nhắm vào một chính khách cao cấp nhất trong lịch sử Ấn Độ, sau vụ ám sát người sáng lập nền Cộng hòa Ấn Độ Mahatma Gandhi vào năm 1948.

Vụ ám sát kinh hoàng nữ Thủ tướng Ấn Độ không thích mặc áo chống đạn - 1

Indira Gandhi là nữ thủ tướng duy nhất của Ấn Độ và là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất lịch sử thế giới.

Bị ám sát bởi chính vệ sĩ thân cận

Bà Indira Gandhi trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ năm 1966 với sự ủng hộ sâu rộng thời bấy giờ. Bà có công lao to lớn trong việc chèo lái đất nước vượt qua quãng thời gian khủng hoảng nhất. Dưới thời Indira Gandhi, Ấn Độ đã đương đầu với những mối đe dọa từ bên ngoài xuất phát từ Mỹ và Trung Quốc.

Bà Indira chứng kiến bước tiến nhảy vọt trong nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, khi chế tạo thành công vũ khí hạt nhân. Bước tiến này đưa Ấn Độ sánh ngang Liên Xô, Mỹ, và Trung Quốc thời kỳ đó.

Nhưng quyết định có phần nhạy cảm vào những năm tháng cuối đời là nguyên nhân khiến bà Indira bị ám sát. Bà Indira là người ra lệnh cho quân đội mở chiến dịch Blue Star (ngôi sao xanh) vào tháng 6.1984.

Chiến dịch nhằm loại bỏ phong trào nổi dậy của người theo đạo Sikh ở Chùa Vàng. Người Sikh do thủ lĩnh Sant Jarnail Singh Bhindranwale đứng đầu, đấu tranh để đòi nhiều quyền lợi hơn. Chùa Vàng chính là điểm giao tranh đẫm máu nhất vì đây là nơi người Sikh cất giữ vũ khí phục vụ phong trào nổi dậy.

Quân đội Ấn Độ xông vào Chùa Vàng tấn công phe nổi dậy và cả hai bên đều bị thiệt hại nặng. Kể từ đó, người theo đạo Sikh ở Ấn Độ coi bà Indira Gandhi phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch đẫm máu trên.

Vụ ám sát kinh hoàng nữ Thủ tướng Ấn Độ không thích mặc áo chống đạn - 2

Bà Indira trong chuyến thăm đến Anh gặp Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Sau vụ việc, các cố vấn của bà Indira đề nghị nữ thủ tướng loại bỏ hết các thành viên đội cận vệ, vệ sĩ có nguồn gốc là người Sikh vì lý do an ninh. Bà Indira đã khước từ lời đề nghị này vì nhiều người thân cận đã theo bà hàng chục năm kể từ khi lên nắm quyền.

Các cố vấn đề nghị bà mặc áo chống đạn mỗi khi ra ngoài, ngồi trên xe chống đạn và có đội ngũ bác sĩ, y tế luôn túc trực 24/24.

Bà Indira miễn cưỡng mặc áo chống đạn nhưng nhiều lần tự cởi ra vì lý do không thoải mái. Đội ngũ y tế cũng phải tránh xa tầm mắt bà.

Sáng ngày 31.10.1984, bà Indira ngừng mọi công việc để giành toàn bộ thời gian trong ngày cho gia đình. Vào lúc 9 giờ 20, bà có hẹn với Peter Ustinov người đang thực hiện một bộ phim tài liệu về nữ thủ tướng Ấn Độ.

Khi chuẩn bị trang phục tiếp khách, bà Indira đã cởi bỏ áo chống đạn, bởi bà cho rằng trông mình sẽ mập thêm khi mặc đồ bảo vệ. Buổi phỏng vấn diễn ra trong khu vực dinh thủ tướng, bà Indira tin là mình an toàn trước hàng rào an ninh nghiêm ngặt.

Khi bà đi qua cổng do hai vệ sĩ Satwant Singh và Beant Singh canh gác, cả hai đã nổ súng vào nữ thủ tướng ở cự ly gần. Cuộc điều tra sau này hé lộ việc Satwant và Beant cố tình đổi ca trực để có thể canh gác cùng nhau trong ngày đó.

Vụ ám sát kinh hoàng nữ Thủ tướng Ấn Độ không thích mặc áo chống đạn - 3

Phác họa cảnh bà Indira bị hai vệ sĩ ám sát.

Beant bắn 3 phát đạn vào người Gandhi khiến bà gục xuống, trong khi Satwant xả cả băng đạn hàng chục viên vào người bà. Beant Singh bị các nhân viên an ninh bắn chết trong cuộc đấu súng ngay sau đó, còn Satwant bị bắt sống.

Nữ thủ tướng Ấn Độ được cấp tốc đưa đến bệnh viện nhưng mọi nỗ lực cứu chữa đều bất thành. Bà qua đời vào hồi 14 giờ 20 phút cùng ngày.

Sau lễ quốc tang, thi hài bà Indira được đưa đi hỏa táng. Hũ đựng tro cốt của bà được bảo quản tại quần thể Đài tưởng niệm Raj Ghat ở New Delhi bên cạnh lãnh tụ Mahatma Gandhi.

Trong phiên tòa xét xử, Satwant Singh thừa nhận tội ám sát thủ tướng và bị treo cổ vào ngày 6.1.1989 tại nhà tù Tihar ở New Delhi.

"Nếu tôi chết ngày hôm nay, từng giọt máu của tôi sẽ tiếp thêm sinh lực cho quốc gia và dân tộc Ấn Độ vĩ đại", đó là câu nói cuối cùng trước công chúng của bà Indira, một ngày trước khi bà bị ám sát. 

Cuộc đời cô độc

Từ thuở lọt lòng, Indira Gandhi đã sống trong môi trường chính trị. Cha bà, Jawaharlal Nehru, là một nhà lãnh đạo đã chiến đấu vì nền độc lập của Ấn Độ, muốn giúp đất nước thoát khỏi ách thống trị của Anh.

Khi Indira vừa tròn 4 tuổi, ông nội và cha vì kích động phản đối Chính phủ Anh mà bị bắt. Chứng kiến tòa tuyên án, ông và cha bị giải đi. Sự cô độc bắt đầu bám theo cuộc đời Indira khi bà chứng kiến ông và cha bị giải đi sau khi tòa tuyên án.

Vụ ám sát kinh hoàng nữ Thủ tướng Ấn Độ không thích mặc áo chống đạn - 4

Bà Indira phát biểu trước đám đông người dân.

Trong cuộc tẩy chay hàng hóa của Anh, gia đình Nehru đem hết đồ đạc như Âu phục, tơ lụa, rèm mua từ châu Âu đi đốt. Việc này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tuổi thơ của Indira, vì con búp bê mà bà thường ôm cũng bị đốt. Sau này, bà hồi tưởng lại: “Cảm nhận của tôi lúc đó giống như đang mưu sát một người vậy”.

Bà Indira không những thiếu hẳn sự chăm sóc của cha mẹ mà những người họ hàng cũng lần lượt bị bắt giữ. Người mẹ Kamaila sau một thời gian dài ngồi tù mắc bệnh lao phổi. Mẹ bà mất khi bà mới bước qua tuổi 18.

Theo người viết tiểu sử cho bà Indiria, tuổi thơ gắn liền với sự hỗn loạn trong cuộc đấu tranh giành tự do của người dân Ấn Độ đã hình thành nên cá tính chính trị riêng của bà sau này.

Lớn lên, Indira được gia đình gả cho Feroze Gandhi một người cũng tham gia đấu tranh vì độc lập dân tộc. Indira và Feroze kết hôn vào năm 1942, có với nhau hai con trai.

Cuộc hôn nhân của bà không trọn vẹn khi Feroze ngoại tình. Phần lớn cuộc đời sau này, bà Indira sống cùng cha mình sau khi người cha trở thành thủ tướng vào năm 1947. Năm 1960, Jawaharlal Nehru mất, Indira Gandhi trở thành người thừa kế di sản của ông.

Indira Gandhi (19.11.1917 - 31.10.1984) sinh ra trong một danh gia vọng tộc ở một bang thuộc miền Bắc Ấn Độ. Ông nội Indira Gandhi là Modilal Nehru, một luật sư nổi tiếng thường có vinh dự được vua Anh cho mời tiếp kiến. Cha của bà, Jawaharlal Nehru, từng là Thủ tướng.

Indira Gandhi là nữ thủ tướng đầu tiên và duy nhất của Ấn Độ cho đến nay. Bà nắm quyền trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp và được coi là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Ảnh hiếm: Toàn cảnh vụ ám sát Tổng thống Mỹ Reagan

Vụ ám sát Tổng thống Mỹ Reagan từng gây rúng động năm 1981, một lần nữa gây xôn xao khi kẻ ám sát vừa được thả tự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN