Vì sao thỏ được người Trung Quốc chọn làm con giáp

Ở phần lớn các nước châu Á có lịch âm như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, thỏ được chọn làm con giáp thứ 4 trong 12 con giáp. Người xưa quan niệm rằng, thỏ là loài vật biểu tượng của sự may mắn và trường thọ.

Năm 2023 là năm con giáp thỏ theo âm lịch Trung Quốc (ảnh: Mii)

Năm 2023 là năm con giáp thỏ theo âm lịch Trung Quốc (ảnh: Mii)

Có nhiều truyền thuyết nói về sự xuất hiện của thỏ trong 12 con giáp. Truyền thuyết nổi tiếng nhất kể rằng, Ngọc Hoàng (vị vua của các thần tiên trên thiên đình) trong một lần cao hứng đã gọi tất cả các loài động vật tới để tổ chức một cuộc chạy đua. Ngọc Hoàng phán rằng, ông sẽ chọn ra 12 con vật đưa vào danh sách 12 con giáp cao quý. Con vật nào chạy tới cổng thiên đình trước sẽ đứng đầu danh sách 12 con giáp, theo New.qq.

Thỏ xuất phát sớm và rất tự tin về khả năng chạy nhanh của mình. Trên đường đua, nó bắt gặp chuột đang ngồi trên lưng trâu. Cho rằng trâu quá chậm chạp, thỏ chủ quan và kiếm một nơi để ngủ. Khi tỉnh giấc, thỏ phát hiện chuột, trâu và hổ đã về đích. Thỏ cuống cuồng đuổi theo nhưng không kịp, đành nhận vị trí thứ 4 trong 12 con giáp.

Chuột là loài tinh ranh. Nó ngồi trên lưng trâu khi trâu băng qua sông. Khi trâu gần về đích, chuột nhảy xuống và tranh vị trí đứng đầu 12 con giáp. Vốn hiền lành, trâu chẳng hề tranh chấp.

12 con giáp được chọn ra sau một cuộc chạy đua, theo truyền thuyết (ảnh: New.qq)

12 con giáp được chọn ra sau một cuộc chạy đua, theo truyền thuyết (ảnh: New.qq)

Người Trung Quốc không chọn mèo làm con giáp. Một dị bản của truyền thuyết 12 con giáp kể rằng, khi trâu giúp chuột và mèo băng qua sông, chuột sợ mèo chiếm vị trí số 1 của nó nên đã xô mèo xuống sông. Mèo không thể về đích nên từ đó luôn rình bắt chuột để báo thù.  

Theo Chinese New Year, ngoài truyền thuyết trên, người Trung Quốc có nhiều lý do để chọn thỏ là một trong 12 con giáp.

Vào thời phong kiến Trung Quốc, nông dân có thói quen thức dậy và đi làm đồng vào khoảng 5 – 7 giờ sáng. Đây cũng là thời điểm loài thỏ rời hang kiếm ăn. Chúng rất thích ăn cỏ còn đọng sương sớm. Vì vậy, đối với người Trung Quốc, thỏ được xem là loài vật gần gũi.

Dựa trên tập tính kiếm ăn của loài thỏ, người Trung Quốc quy định khoảng thời gian 5 – 7 giờ sáng là giờ Mão (thỏ) trong hệ thống 12 canh giờ/ngày, ứng với vị trí thứ 4 của thỏ trong 12 con giáp.

Theo quan niệm của người Trung Quốc, thỏ là biểu tượng của sự may mắn, tốt lành. Thời nhà Hán, thỏ trắng được dâng lên vua như một món quà quý giá từ các địa phương. Theo Sohu, loài thỏ rừng bản địa Trung Quốc vốn có màu nâu sẫm. Những con thỏ trắng dâng vua có thể bị mắc bệnh bạch tạng. Màu lông trắng khiến chúng trở nên khác lạ và quý hiếm.

Tới khoảng thế kỷ 18, các thương nhân châu Âu mới mang giống thỏ trắng tới Trung Quốc. Thỏ trắng ở Trung Quốc ngày nay hầu hết có nguồn gốc lai tạo.

Người xưa cho rằng, thỏ là loài vật thông minh, có bản tính luôn cảnh giác đáng quý. Thỏ có thể chạy với vận tốc hơn 70km/giờ, nhanh hơn cả ngựa. Tai thỏ có thể xoay 270 độ và nghe được âm thanh từ khoảng cách 3km, vượt xa khả năng thính giác của người. Lỗ mũi thỏ rất lớn, cho phép chúng hít vào một lượng lớn dưỡng khí khi bỏ chạy.

Binh pháp Tôn Tử có câu “nhanh như thỏ” để chỉ lối tập kích chớp nhoáng, khiến đối phương không kịp trở tay trên chiến trường. Trong Tam quốc diễn nghĩa, Quan Vũ được miêu tả cưỡi trên lưng ngựa Xích Thố. “Thố” ở đây nghĩa là thỏ.

Loài thỏ được người Trung Quốc quý trọng, ví như người quân tử ẩn mình chờ thời cơ và luôn biết cách phòng thân trước mọi biến cố. Người Trung Quốc có câu “thỏ khôn không ăn cỏ cạnh hang” và “thỏ khôn biết đào 3 hang” để chỉ điều này. Ở nơi rừng rậm có nhiều kẻ thù, những con thỏ tinh ranh không bao giờ ăn cỏ gần hang vì điều này có thể làm lộ dấu vết. Thỏ cũng biết đào nhiều hang để lẩn trốn khi gặp nguy hiểm.

Trong số các con giáp, thỏ đại diện cho vẻ đẹp của sự nữ tính. Chúng nổi tiếng với bộ lông xù, đôi tai dài dễ thương. Loài thỏ vốn hiền lành, chỉ ăn thực vật và rất hiếm khi tấn công các con vật khác. Thời xưa, người Trung Quốc cho rằng tất cả thỏ đều là giống cái. Nguyên nhân là do bộ phận sinh dục của thỏ đực và thỏ cái rất giống nhau, chỉ những người có kinh nghiệm nuôi thỏ mới phân biệt được, theo Chineserd.

Thỏ cũng tượng trưng cho thiên chức sinh sản của người phụ nữ. Loài thỏ giao phối trong cả 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Một con thỏ cái mỗi năm có thể đẻ 6 đến 7 lứa, mỗi lứa 6 - 7 con.

Năm 1859, 24 con thỏ từ Anh được mang thả vào môi trường tự nhiên ở Úc với mục đích phục vụ săn bắn. 50 năm sau, khoảng 200 triệu con thỏ hoang đã nhảy nhót trên đất Úc.

Trong văn hóa Trung Quốc, thỏ cũng là loài vật tượng trưng cho sự trường thọ. Truyền thuyết kể rằng, thỏ trắng (thỏ ngọc) là vật nuôi của Hằng Nga, tiên nữ vô cùng xinh đẹp sống trên cung trăng. Hàng ngày, thỏ có nhiệm vụ giã thuốc, tạo ra loại thuốc trường sinh. Trong thi ca Trung Quốc, từ “thỏ ngọc” ám chỉ mặt Trăng.

Một truyền thuyết khác kể rằng, trong một lần cải trang thành ông lão ăn xin, Ngọc Hoàng đã xin thức ăn của nhiều loài động vật. Tất cả đều từ chối ông dù chúng có “của ăn của để”, chỉ trừ thỏ. Vì ông lão không ăn được cỏ, thỏ tự nguyện nhảy vào lò lửa để làm thức ăn. Cảm động vì đức tính hy sinh của thỏ, Ngọc Hoàng đã cho nó sống trên cung trăng.

Lồng đèn thỏ được người Trung Quốc làm nhiều vào đêm trung thu (ảnh: Sohu)

Lồng đèn thỏ được người Trung Quốc làm nhiều vào đêm trung thu (ảnh: Sohu)

Người Trung Quốc cổ đại tin rằng, trên mặt Trăng có thỏ sinh sống. Nếu lên được mặt Trăng, họ sẽ được thỏ tặng thuốc trường sinh vì chúng vốn tốt bụng và chẳng bao giờ từ chối giúp đỡ ai.

Theo quan niệm dân gian, người sinh vào năm con giáp nào sẽ mang một phần tính cách của con giáp đó. Những người sinh năm Mão thường có tính cách hiền lành, nhạy cảm và hay gặp may mắn trong cuộc sống.

Về vấn đề vì sao người Việt Nam chọn mèo thay thế vị trí của thỏ trong 12 con giáp, Reuters cho hay, chữ "thỏ" trong tiếng Trung Quốc phát âm là "mao", nghe gần giống từ "mão", (con mèo) trong tiếng Việt. Vì hai từ phát âm gần giống nhau nên trong quá trình thông dịch, đã xảy ra sự nhầm lẫn khiến con thỏ trong 12 con giáp ở Trung Quốc được thay thế bằng con mèo. Ngoài ra, mèo cũng được cho là loài vật gần gũi với người Việt Nam hơn là thỏ.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao năm Mão của Việt Nam là mèo còn Trung Quốc lại là thỏ?

Trong khi Trung Quốc có năm Mão là năm con thỏ (thỏ có phiên âm là "măo" trong tiếng Trung), Việt Nam lại có năm Mão là con mèo. Vì sao lại như vậy? Mời độc giả cùng trổ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chính Pháp – tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN