Vì sao Covid-19 hoành hành mạnh ở nước này, nhẹ ở nước khác?

Hàng trăm nghiên cứu trên khắp thế giới vẫn đang được tiến hành để tìm ra nguyên nhân khiến Covid-19 tấn công không đồng đều ở từng khu vực và quốc gia. Câu trả lời cho vấn đề này là rất quan trọng vì nó giúp người dân tìm ra cách bảo vệ bản thân tốt nhất và nên thực hiện những biện pháp nào, trong bao lâu để ngăn chặn Covid-19.

Cộng hòa Dominican đã ghi nhận 7.600 ca nhiễm Covid-19 nhưng quốc gia láng giềng – Haiti mới chỉ có 85 trường hợp dương tính với virus.

Tại Indonesia, hơn 800 người đã tử vong vì dịch bệnh nhưng gần đó, Malaysia, Singapore chỉ ghi nhận lần lượt 105 và 17 trường hợp tử vong do virus.

Covid-19 đã lây lan ra hầu khắp các quốc gia trên trái đất, nhưng tác động của dịch bệnh rõ ràng là không đồng đều. Những đô thị lớn như New York (Mỹ), Paris (Pháp) và London (Anh) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, nhưng các thành phố khác như Bangkok (Thái Lan), Baghdad (Iraq), New Delhi (Ấn Độ) thì mức độ lây lan của Covid-19 dường như vẫn còn chậm.

New York Times đã tổng hợp nghiên cứu của các nhà khoa học và đưa ra một số nguyên nhân cơ bản khiến Covid-19 ảnh hưởng không đồng đều giữa các quốc gia.

Phun thuốc khử trùng trên đường phố tại Indonesia (ảnh: NY Times)

Phun thuốc khử trùng trên đường phố tại Indonesia (ảnh: NY Times)

1. Sức mạnh của dân số trẻ

Nhiều quốc gia đã giảm thiểu đáng kể tác động của dịch bệnh nhờ có dân số trẻ.

“Các nghiên cứu cho thấy, những người trẻ tuổi thường biểu hiện các triệu chứng nhẹ hơn khi nhiễm Covid-19”, Robert Bollinger, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Johns Hopkins (Mỹ), cho biết.

Tính đến ngày 3.5, châu Phi có khoảng 45.000 ca nhiễm Covid-19. Đây chỉ là một phần rất nhỏ so với 1,3 tỷ dân của châu lục có dân số trẻ nhất thế giới. 69% dân số châu Phi là người dưới 25 tuổi.

Ngược lại, độ tuổi trung bình của Italia – quốc gia có số người tử vong do Covid-19 cao nhất châu Âu, là 45 tuổi.

“Những người trẻ tuổi có hệ thống miễn dịch tốt và thường không có bệnh nền. Điều này giúp đa số người trẻ nhiễm Covid-19 chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ”, Josip Car, chuyên gia về dân số và sức khỏe toàn cầu tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho biết.

Tại Singapore và Ả Rập Saudi, hầu hết các bệnh nhiễm Covid-1 là ở người lao động nhập cư từ nước ngoài. Những người trong độ tuổi lao động thường trẻ và khỏe mạnh dù họ phải sống trong các khu tập thể với điều kiện vệ sinh không tốt.

Cùng với tuổi trẻ, nền tảng sức khỏe cũng là yếu tố quan trọng để giảm bớt tác động của dịch bệnh. Những người mắc béo phì, tiểu đường hay huyết áp cao có thể gặp những triệu chứng nghiêm trọng khi nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên, dân số trẻ chưa phải là nguyên nhân hàng đầu giúp một quốc gia duy trì tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở mức thấp. Một ví dụ điển hình là Nhật Bản – một trong những nước có dân số già nhất thế giới, mới chỉ ghi nhận gần 500 trường hợp tử vong do virus.

Một người đeo khẩu trang tại đền thờ ở Iraq (ảnh: NY Times)

Một người đeo khẩu trang tại đền thờ ở Iraq (ảnh: NY Times)

2. Sự khác biệt trong văn hóa

Các yếu tố văn hóa cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ một quốc gia trước dịch bệnh. Tại Thái Lan và Ấn Độ, nơi được cho là có tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp, người dân có thói quen chào hỏi nhau từ xa, bằng cách chắp tay như đang cầu nguyện.

Ở Hàn Quốc và Nhật Bản, người dân cúi đầu chào nhau. Ở một số nước khác, người dân đeo khẩu trang như một thói quen lành mạnh.

Châu Âu, Mỹ và phần lớn các nước phát triển thường có tập quán đưa người già vào chăm sóc ở các viện dưỡng lão để chăm sóc tập trung. Khi Covid-19 tấn công vào những cơ sở này, người cao tuổi rất dễ bị tổn thương. Có khoảng một nửa các trường hợp tử vong tại châu Âu đến từ những viện dưỡng lão.

Tại một số nước châu Âu, người dân có thói quen ôm hôn khi gặp mặt. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vì tiếp xúc gần.

Tuy nhiên, nguyên nhân đến từ văn hóa cũng không hoàn toàn thuyết phục. Ở nhiều nước Trung Đông, người dân cũng có thói quen ôm hôm và bắt tay, nhưng số ca nhiễm lại không nhiều như tại châu Âu, ngoại trừ Iran.

Một chuyến xe bus tại Bangkok, Thái Lan trong dịch Covid-19 (ảnh: NY Times)

Một chuyến xe bus tại Bangkok, Thái Lan trong dịch Covid-19 (ảnh: NY Times)

3. Nhiệt độ và ánh sáng

Covid-19 dường như lây lan mạnh hơn ở những nước ôn đới, đang trong thời tiết tương đối lạnh như Italia, Mỹ và hầu như ít bùng phát tại các nước có khí hậu nóng hơn, ví dụ như Chad hay Guyana (Nam Mỹ). Các loại virus cúm khác cũng ít lây nhiễm ở nơi có khí hậu nóng ẩm.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, không nên khẳng định rằng Covid-19 sẽ bị tiêu diệt hoặc đẩy lùi bởi nhiệt độ hay nắng nóng.

Một số quốc gia có khí hậu nóng ẩm như Brazil vẫn đang ghi nhận sự bùng phát nghiêm trọng của dịch bệnh với 97.100 ca nhiễm Covid-19.

“Khí hậu mùa hè có thể giúp ích nhưng không có khả năng làm giảm đáng kể tốc độ lây lan của dịch bệnh”, Marc Lipsitch – chuyên gia y tế tại Đại học Harvard (Mỹ), cho biết.

“Người dân nghĩ rằng: Ở đây nóng quá, sẽ chẳng có gì xảy ra với mình cả. Một số người còn ra tắm nắng, cho rằng điều này sẽ bảo vệ họ khỏi Covid-19. Nhưng thực tế thì không phải vậy”, bác sĩ Domenica Cevallos làm việc tại Ecuador – một trong những nước có nhiều ca tử vong do Covid-19 nhất khu vực Nam Mỹ (1.371 trường hợp), cho biết.

Chôn cất người tử vong do Covid-19 tại Brazil (ảnh: NY Times)

Chôn cất người tử vong do Covid-19 tại Brazil (ảnh: NY Times)

4. Thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội từ sớm và nghiêm ngặt

Những quốc gia thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 sớm, điển hình là Việt Nam và Hy Lạp, đã có thể tránh được sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh. Đây là bằng chứng cho thấy sự hiệu quả của những biện pháp cách ly xã hội và kiểm dịch nghiêm ngặt trong việc ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Tại châu Phi, một số quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong đối phó với HIV, bệnh lao kháng thuốc, virus Ebola cũng nhận thức được mối nguy của Covid-19 và phản ứng nhanh chóng.

Sierra Leone – một quốc gia tại châu Phi, đã áp dụng giao thức theo dõi dịch bệnh được sử dụng vào năm 2014, khi Ebola bùng phát. Chính phủ Sierra Leone cũng thành lập nhiều trung tâm y tế hoạt động khẩn cấp ở mỗi quận, huyện trong cả nước. Hơn 14.000 nhân viên y tế đã được tuyền dụng thêm. 1.500 nhân viên đang tham gia vào nhiệm vụ theo dõi, giám sát nguồn lây lan virus. Sierra Leone mới chỉ ghi nhận 155 ca nhiễm Covid-19.

Uganda, quốc gia châu Phi từng bùng phát Ebola, đã nhanh chóng thực hiện cách ly khách du lịch từ Dubai (thành phố thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE), sau khi trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận đến từ quốc gia này. 800 khách du lịch khác đến từ UAE cũng đang được Uganda theo dõi sức khỏe.

Các lệnh phong tỏa và hạn chế tiếp xúc xã hội có vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự lây lan của Covid-19, theo WHO.

Chốt kiểm dịch tại Uganda (ảnh: NY Times)

Chốt kiểm dịch tại Uganda (ảnh: NY Times)

5. May mắn

Các nhà khoa học đều đồng ý với nhau rằng, câu trả lời cho vấn đề một số quốc gia ít chịu tác động bởi Covid-19 hơn so với những nước khác là do sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên. Tuy nhiên, cũng không thể không nhắc tới một nhân tố quan trọng khác, đó là sự may mắn.

Những quốc gia có cùng văn hóa, khí hậu, thực hiện những biện pháp chống dịch giống nhau cũng có thể chịu tác động bởi Covid-19 khác nhau. Điều thường thấy ở những nước nơi dịch Covid-19 bùng phát mạnh đó là việc một số người nhiễm Covid-19 xuất hiện trong các sự kiện đông đúc.

Có thể kể đến một số sự kiện “siêu lây lan” Covid-19 dụ như trường hợp xuất hiện ở giáo phái Tân Thiên Địa (Hàn Quốc), đám tang lớn ở Albany (Mỹ), lễ hội Mardi Gras (Mỹ) hay một buổi lễ cầu nguyện ở  Malaysia.

Nếu không có những sự kiện này, số ca nhiễm Covid-19 tại những quốc gia nói trên có thể đã thấp hơn rất nhiều.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ từng bùng phát loại dịch bệnh chết chóc nhưng nhiều người lại muốn bị nhiễm

Sau khi chính thức giành được độc lập vào năm 1776, nước Mỹ phải đối mặt với một loại dịch bệnh vô cùng nguy hiểm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – New York Times ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN