Vị Nguyên soái Liên Xô vĩ đại bậc nhất Thế chiến 2

Lý do khiến Zhukov là vị tướng vĩ đại bậc nhất của Liên Xô trong Thế chiến 2, đơn giản là vì ông là người đầu tiên nắm vững nguyên tắc hiệp đồng tác chiến ở Liên Xô, tận dụng sức mạnh của nhiều binh chủng trong một trận đánh, trước khi cuộc chiến Xô – Đức nổ ra.

Zhukov là một trong những danh tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Nga.

Zhukov là một trong những danh tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Nga.

Theo Historynet, Zhukov sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo năm 1896, việc học quân sự của ông vừa chính thức vừa không chính quy. 

Khi thăng tiến, ông theo học một số trường quân sự, bao gồm cả Học viện Quân sự Frunze danh tiếng. Ông cũng tự học bằng cách đọc và học kỹ các công trình lý thuyết tiên tiến của các nhà tư tưởng quân sự hàng đầu Liên Xô trong thời kỳ giữa các cuộc chiến, ví dụ như Mikhail Tukhachevsky, Vladimir Triandafillov và Aleksandr Svechin.

Dấu ấn rõ ràng nhất của Zhukov được thể hiện trong hai cuộc chiến chống Đế quốc Nhật Bản và phát xít Đức. Zhukov không chỉ là người nắm rõ nguyên tắc phòng thủ chặt, mà còn biết tung ra những đòn tấn công quyết định.

Chiến thắng đầu tiên của Zhukov là trận Khalkhin Gol diễn ra từ tháng 5 – 9.1939 trước quân Nhật ở Mông Cổ. Zhukov được Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô giao chỉ huy lực lượng đóng quân ở phòng tuyến thay thiếu tướng Nikolai Feklenko.

Năm 1939, Nhật Bản thành lập nhà nước bù nhìn Mãn Châu, lấy sông Khalkhin Gol làm ranh giới giữa Mãn Châu và Mông Cổ. Trong khi đó, Mông Cổ và đồng minh Liên Xô tuyên bố rằng biên giới cách dòng sông 16km về phía đông. Xung đột từ những cuộc giao tranh nhỏ khi lực lượng Mông Cổ và Nhật Bản tuần tra trong vùng tranh chấp, dần dần thổi bùng thành chiến tranh.

Zhukov (thứ 2 từ phải sang) nổi tiếng là người có khả năng "nhìn thấu" chiến trường.

Zhukov (thứ 2 từ phải sang) nổi tiếng là người có khả năng "nhìn thấu" chiến trường.

Bằng cách tái tổ chức lực lượng, tiếp nhận thêm lực lượng bổ sung, đánh giá lại tình hình chiến trường và điều phối quân theo điểm mạnh và điểm yếu của đối phương, Zhukov đã trụ vững trước đợt tiến công của quân Nhật và sau đó tổ chức phản công, đẩy lùi quân Nhật khỏi Mông Cổ.

Tương tự, Zhukov nhận trách nhiệm khó khăn là bảo vệ thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg) trong đợt tiến công của phát xít Đức năm 1941. Đây là điều mà nhiều người khi đó nghĩ là không thể, do thành phố không hề nhận được tiếp viện.

Thay thế Nguyên soái Kliment Voroshilov ở Leningrad, Zhukov tái tổ chức, tập hợp lại lực lượng. Zhukov thổi bùng lên quyết tâm chiến đấu của những chỉ huy có năng lực, đưa ra cho họ một giải pháp phòng thủ khả thi, giúp Leningrad trụ vững suốt 2 năm.

Thành tựu thứ ba của Zhukov và cũng quan trọng nhất, là cuộc chiến bảo vệ thủ đô Moscow. Zhukov được Bộ Tổng tham mưu giao nhiệm vụ khi tình hình ngày càng xấu đi.

Zhukov (phải) trò chuyện với Nguyên soái Konstantin Rokossovsky.

Zhukov (phải) trò chuyện với Nguyên soái Konstantin Rokossovsky.

Tiếp nhận quân dự bị, Zhukov điều động những người lính Hồng quân tới các khu vực quan trọng của trận địa, nơi có thể chặn bước tiến quân Đức.

Đồng thời, Zhukov lập kế hoạch và khi lực lượng Liên Xô đã chặn đứng đợt tấn công, ông liền ra lệnh cho binh sĩ phản công, đẩy xa quân Đức khỏi Moscow.

Zhukov gặt hái thành công đầu tiên mà không áp dụng chiến thuật phòng thủ là trong đợt tiến công diễn ra vào tháng 9.1941, theo Historynet. Đợt tiến công của Liên Xô khiến phát xít Đức phải rút lui khỏi vùng đông nam Smolensk.

Trong trận Stalingrad, Zhukov chủ động tấn công Tập đoàn quân số 6 của phát xít Đức ở hai bên sườn, tiến sâu vào phía sau, cắt đứt nguồn tiếp viện của quân Đức.

Bao vây hoàn toàn quân Đức ở Stalingrad, Zhukov đã khiến Tập đoàn quân số 6 mất hoàn toàn năng lực chiến đấu.

Từ tháng 8.1942, Zhukov là Phó tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, trực tiếp dưới quyền lãnh tụ Stalin và là người đứng đầu Stavka, cơ quan chỉ huy tối cao Liên Xô. Nhưng Zhukov vẫn thường xuyên ra trận với tư cách là tư lệnh tập đoàn quân.

Nguyên soái Zhukov (trái).

Nguyên soái Zhukov (trái).

Theo Historynet, sự vĩ đại của Zhukov là khả năng “nhìn thấu” chiến trường. Sau khi nghiên cứu cẩn thận địa hình thông qua phân tích bản đồ, chụp ảnh từ trên không và thăm dò tại chỗ — cũng như thu thập thông tin tình báo và thông tin về hành động của kẻ thù — ông thường tìm ra vị trí tốt nhất bố trí quân để ngăn chặn một cuộc tiến công, phản công hoặc đột phá của đối phương. Các ví dụ điển hình bao gồm Chiến dịch tấn công Yelnya, bảo vệ Leningrad, bảo vệ Moscow và cuộc phản công Stalingrad, tất cả đều xảy ra trước khi Hồng quân Liên Xô xây dựng được ưu thế vượt trội về thiết giáp, pháo binh và nhân lực.

Giống như Thống chế Bernard Law Montgomery của Anh, Zhukov đánh giá cao tầm quan trọng của yếu tố vật chất và luôn tích lũy lượng hỏa lực dồi dào, gồm xe tăng, máy bay chiến đấu và pháo. 

Từ giai đoạn trước Thế chiến 2, Zhukov đã nắm rõ cách sử dụng những khí tài này trong môi trường tác chiến kết hợp. Ở thời điểm đó, các tướng lĩnh Liên Xô chỉ biết sử dụng riêng bộ binh và xe tăng, không biết kết hợp với pháo binh và hiếm khi nhờ cậy tới không quân.

Zhukov đánh giá tình hình chiến sự.

Zhukov đánh giá tình hình chiến sự.

Zhukov đã cẩn thận bố trí tất cả những khí tài quân sự này để bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau và áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương.

Ngoài thành công về chiến thuật, tính cách của Zhukov cũng là một yếu tố quan trọng. Trước hết, ông không hoảng sợ khi tình hình trở nên xấu đi, đặc biệt là giai đoạn năm 1941, khi nhiều tướng lĩnh Liên Xô tỏ rõ sự tuyệt vọng.

Zhukov là một người cầu toàn và mong đợi điều tương tự từ những người khác, từ đó khiến cả bộ máy phải thay đổi, khiến những tướng lĩnh cấp cao nhưng yếu kém bị sa thải.

Ở cấp độ sĩ quan chỉ huy, Zhukov trừng phạt sự thất bại mà không do dự. Việc một tướng lĩnh kỷ luật các sĩ quan khác là điều khó khăn, nhưng trong khả năng của mình, Zhukov đã thẳng thừng cách chức, giáng chức bất kì vị tướng và sĩ quan nào tỏ ra yếu kém, ngay cả khi trận đánh đang diễn ra.

Zhukov không phải là người hòa nhập với tập thể. Ông không có nhiều bạn, không phải là người ham vui. Trong môi trường quân sự, tính cách này lại phát huy hiệu quả.

Zhukov có mối quan hệ tốt đẹp với lãnh tụ Stalin (trái) trong thời chiến.

Zhukov có mối quan hệ tốt đẹp với lãnh tụ Stalin (trái) trong thời chiến.

Zhukov không hợp tác với những sĩ quan yếu kém mà tự mình đưa ra mệnh lệnh chỉ huy, tạo ra uy tín và sức ảnh hưởng với các binh sĩ dưới quyền.

Với tư cách là cấp dưới của Stalin, Zhukov đã tận dụng thành công các phương tiện truyền thông quân sự để quảng bá hình ảnh của mình và khơi dậy niềm tin của các binh sĩ vào các tướng lĩnh.

Sau chiến thắng ở Moscow, Zhukov trở thành vị tướng nổi danh toàn quốc với khẩu hiệu, “ở đâu có Zhukov, ở đó có chiến thắng”. Câu nói này được truyền miệng rộng rãi trong hàng ngũ các binh sĩ Liên Xô kể từ năm 1943.

Tên tuổi của Zhukov thường gắn liền với chiến thắng đã mang lại cho những người lính dưới quyền chỉ huy của ông sự tự tin hơn và nâng cao tinh thần của họ, 

Zhukov không phải là chưa từng mắc sai lầm, nhưng ông biết cách để lấy các thành công bù đắp lại. Zhukov thường bị coi là một vị tướng “nướng quân”. Nhưng đó cũng là một yếu tố giúp Zhukov thành công. Ông không “nướng quân” một cách vô ích mà chỉ hạ quyết tâm chiến đấu nếu nhận thấy có khả năng giành được chiến thắng quyết định.

Trong trận Khalkhin Gol, Zhukov ra lệnh cho chỉ huy Grigori Shtern tấn công chậm lại 2-3 ngày, dành thời gian tái tổ chức để giảm bớt thương vong.

Theo Historynet, Zhukov từng nói: “Trong chiến tranh, tổn thất là điều tất yếu, thậm chí có thể là tổn thất lớn, đặc biệt trước các đối thủ như Nhật Bản. Nhưng điều quan trọng là cần tuân thủ đúng chiến lược để giành chiến thắng, tránh thương vong cao hơn nhiều lần nếu bỏ qua cơ hội hành động quyết liệt”.

Khó có thể làm việc cùng những người yếu kém, Zhukov xây dựng một đội ngũ những người có khả năng lập kế hoạch và có năng lực.

Nguyên soái Zhukov đặc biệt nổi danh trong thời chiến.

Nguyên soái Zhukov đặc biệt nổi danh trong thời chiến.

Nguyên soái Aleksandr Vasilevsky thường giúp Zhukov lập kế hoạch chiến đấu, đem theo tài năng, kinh nghiệm và hiểu biết quý giá về quá trình này. 

Là một người giao nhiệm vụ chính xác, Zhukov yêu cầu cấp dưới của mình cẩn thận tỉ mỉ khi họ thu thập và xử lý thông tin để lập kế hoạch phù hợp. Một khi có người không làm tốt nhiệm vụ, họ sẽ bị thay thế mà không có cơ hội thứ hai.

Một yếu tố khác làm nên sự vĩ đại của Zhukov là may mắn.  Zhukov thành danh ở giai đoạn mà Liên Xô rất cần những vị tướng tài, có năng lực thực sự. Trong thời chiến, Zhukov cũng được sự tín nhiệm của lãnh tụ Stalin, vì vậy có thể chuyên tâm vào nhiệm vụ chỉ huy lực lượng chiến đấu.

Năng lực của Zhukov và trí thông minh cao, cùng với khả năng thuyết phục và được củng cố bởi những thành công đã giúp Zhukov xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với lãnh tụ Stalin.

Khi đã chứng tỏ được bản thân, Zhukov thường có thể giữ vững lập trường của mình dù lãnh tụ Stalin có thể đưa ra quan điểm khác.

Tuy nhiên, sự nghiệp của Zhukov bắt đầu xuống dốc thời hậu chiến, theo báo Nga RBTH.

Zhukov từng viết trong cuốn hồi ký: “Điều quan trọng nhất đối với tôi là được phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Với lương tâm trong sáng, tôi có thể nói rằng mình đã làm tất cả những gì có thể để hoàn thành điều này. Đó là nghĩa vụ của tôi”.

Nguồn: [Link nguồn]

Đô đốc Nga duy nhất được phong Thánh, chưa từng để mất một tàu chiến

Trong lịch sử Nga, có rất nhiều danh tướng được nhà thờ Chính thống giáo Nga phong thánh nhờ đóng góp cho đất nước. Nhưng chỉ có duy nhất một Đô đốc hải quân nhận được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN