Ukraine muốn gia nhập EU: "Có thể mất ít nhất 1 thập kỷ"

Theo Bloomberg, một số quốc gia thuộc EU như Đức hay Hà Lan muốn có cuộc điều tra trước khi cấp tư cách thành viên của EU cho Ukraine. 

Ảnh minh họa: Getty

Ảnh minh họa: Getty

Hôm 7/3, hãng Bloomberg dẫn lời một số nhà ngoại giao giấu tên cho biết, Đức, Hà Lan cùng một số quốc gia Tây Âu khác muốn Ủy ban châu Âu (EC) điều tra mức độ sẵn sàng trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine trước khi xét đến đơn xin gia nhập khối của Kiev. Trong khi đó, một số quốc gia láng giềng của Ukraine ở Đông Âu thúc đẩy việc công nhận tư cách thành viên EU của Kiev. 

Một số nước Tây Âu, tiêu biểu có Đức và Hà Lan muốn "tập trung hỗ trợ thiết thực cho Ukraine và chấm dứt chiến tranh hơn là bắt tay vào một quá trình có thể mất ít nhất một thập kỷ", Bloomberg dẫn lời các nhà ngoại giao giấu tên. 

Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU vào tuần trước khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu được "gia nhập ngay lập tức thông qua một thủ tục đặc biệt". Yêu cầu của ông Zelensky được các nhà lãnh đạo của Bulgaria, Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Ba Lan... ủng hộ. Lãnh đạo các nước này đã viết một bức thư ngỏ gửi tới các quan chức EU để hiện thực hóa việc cấp tư cách thành viên EU cho Ukraine và bắt đầu quá trình đàm phán công nhận Ukraine là thành viên của EU.

Tuy nhiên, theo báo RT (Nga), "thủ tục đặc biệt" mà Tổng thống Ukraine nhắc đến không tồn tại. Và thậm chí, việc được cấp tư cách thành viên EU cũng không phải chuyện dễ dàng khi phải trải qua một cuộc điều tra của EC và cần tới sự đồng thuận của toàn bộ 27 thành viên của EU. 

Khi đã là ứng cử viên, tức là có tư cách thành viên EU, vẫn cần phải chờ nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để được công nhận là thành viên chính thức. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ, từ năm 1999 tới nay, quốc gia này vẫn là một ứng viên - chưa được công nhận chính thức là thành viên của EU. 

Dù Chủ tịch EC Ursula von der Leyen gọi Ukraine là "một trong số chúng tôi", nhưng nhà ngoại giao hàng đầu của EU là Josep Borrell hôm 7/3 cho biết, tư cách thành viên EU có thể "mất nhiều năm" chờ đợi. 

Khi đánh giá một quốc gia để cấp tư cách thành viên EU, EC sẽ đánh giá mọi thứ từ hoạt động kinh tế, hệ thống pháp luật của quốc gia đó đến các quy định về môi trường và thực tiễn nông nghiệp. 

EU cũng có cái nhìn "không thiện cảm" với các ứng viên có mức độ tham nhũng cao. Với việc bị gắn mác là một trong những quốc gia có tham nhũng nhiều nhất ở châu Âu, chính quyền ông Zelensky cần phải có những cải cách quan trọng để được xét là một ứng cử viên gia nhập EU. 

"Gia nhập EU không phải là điều có thể thực hiện trong vài tháng mà nó liên quan đến một quá trình chuyển đổi sâu rộng và toàn diện", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 7/3. 

Một yếu tố khác có thể khiến các nước Tây Âu như Đức, Hà Lan miễn cưỡng trong việc thúc đẩy quá trình Ukraine gia nhập EU là việc Ukraine muốn tham gia trong khi đang giao tranh với Nga. Nếu chấp thuận cho Ukraine gia nhập, EU sẽ đối đầu với Nga theo quy định trong "Điều khoản bảo vệ lẫn nhau" của Hiệp ước Lisbon. 

Nguồn: [Link nguồn]

Đức tuyên bố không thể cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói Berlin đã cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định không cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - RT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN