Trung lập kiểu Thụy Điển và Áo là gì? Liệu Ukraine có muốn?

Trong khi đối đầu ác liệt ở nhiều thành phố lớn tại Ukraine, Kiev và Moscow vẫn tiếp tục đàm phán để tìm cách chấm dứt xung đột. Một trong những điểm quan trọng được 2 bên thảo luận là tình trạng trung lập của Ukraine. Phía Nga gợi ý, Ukraine có thể cân nhắc mô hình trung lập của Áo và Thụy Điển.

Quân đội Liên Xô tuần tra ở thủ đô Viên của Áo sau Thế chiến II (ảnh: History)

Quân đội Liên Xô tuần tra ở thủ đô Viên của Áo sau Thế chiến II (ảnh: History)

1.  Mô hình trung lập của Áo

Vì là đồng minh của phát xít Đức nên sau Thế chiến II, lãnh thổ Áo bị quân Đồng minh bao gồm Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp chia làm 4 phần để dễ kiểm soát. Viên – thủ đô của Áo – cũng rơi vào cảnh tương tự. Trung tâm của Viên được tuyên bố là “khu vực quốc tế”, do 4 lực lượng quân Đồng minh luân phiên kiểm soát mỗi tháng, theo Insider.

Ngày 15.5.1955, Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Áo cùng ký kết Hiệp ước Nhà nước Áo. Theo đó, Áo sẽ thoát khỏi tình trạng bị kiểm soát bởi quân Đồng minh nhưng với điều kiện phải đi theo con đường trung lập. Một tháng trước đó, Liên Xô yêu cầu Viên ký Bản ghi nhớ Moscow với nội dung Áo sẽ không bao giờ gia nhập NATO.

Theo bản hiệp ước năm 1955, Áo được phép có lực lượng vũ trang riêng, nhưng đường lối chính trị - ngoại giao phải tuân thủ nguyên tắc 3 không: Không tham gia liên minh quân sự, không tham gia chiến tranh, không cho phép quân đội nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ.

Ngày 26.10.1995, sau khi quân đội 4 nước rời đi, Áo tuyên bố “trung lập vĩnh viễn” bằng một đạo luật quy định trong hiến pháp. Đây cũng là ngày quốc khánh của Áo.

“Trung lập giờ đã trở thành bản sắc của người Áo”, Martin Senn – chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Innsbruck (Áo) – nhận xét.

Theo AP, từ sau khi tuyên bố trung lập, Áo chỉ chi khoảng 0,7% GDP cho quốc phòng. Nước này vẫn có binh sĩ phục vụ trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Thủ đô Viên của Áo là một trong 4 nơi trên thế giới được Liên Hợp Quốc chọn để đặt trụ sở.

Đại diện các nước tham gia ký kết Hiệp ước Nhà nước Áo (ảnh: Daily Mail)

Đại diện các nước tham gia ký kết Hiệp ước Nhà nước Áo (ảnh: Daily Mail)

“Áo đã, đang và sẽ duy trì trung lập. Trung lập luôn có lợi cho Áo”, Karl Nehammer – Thủ tướng Áo – phát biểu sau khi nhậm chức hồi tháng 12 năm ngoái.

Năm 1995, Áo gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, Áo đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của EU, NATO và Mỹ là tránh làm leo thang căng thẳng và cần kiềm chế các bên. Tại EU, một số nước không tham gia NATO như Áo, Ireland, Malta thường bỏ phiếu trắng trước các đề xuất thông qua nghị quyết liên quan đến quân sự.

2. Mô hình trung lập của Thụy Điển

Theo CNN, lần gần nhất Thụy Điển tham gia chiến tranh là từ năm 1814, khi nước này dùng vũ lực để ép Na Uy gia nhập Liên minh quân sự Thụy Điển – Na Uy. Liên minh này tồn tại đến năm 1905. Kể từ đó, Thụy Điển luôn theo đuổi chính sách trung lập.

Thụy Điển giữ vai trò trung lập trong cả 2 cuộc Thế chiến và Chiến tranh lạnh. Năm 1941, nước này không hỗ trợ nhưng đã cho phép lực lượng Đức Quốc xã quá cảnh qua lãnh thổ để tới Phần Lan. Thụy Điển cũng tích cực giúp đỡ và bảo vệ những người tị nạn trong Thế chiến II.

Khác với Áo, Thụy Điển không tuyên bố trung lập vĩnh viễn. Năm 1949, Thụy Điển từ chối lời mời gia nhập của NATO. Tuy nhiên, từ năm 2009, nước này đã thể hiện vai trò đối tác của NATO.

Năm 1995, Thụy Điển gia nhập Liên minh châu Âu và trở thành một phần của nền an ninh chung EU. Dù không phải thành viên NATO, nhưng từ năm 2009, Thụy Điển thường xuyên tham gia vào các cuộc tập trận chung của khối này. Một cuộc khảo sát gần đây của Insider cho thấy, có tới 51% người dân Thụy Điển được hỏi nói rằng họ muốn Stockholm gia nhập NATO.

Thụy Điển sửa đổi học thuyết quốc phòng, liên tục tăng đầu tư cho quân sự trong những năm gần đây (ảnh: CNN)

Thụy Điển sửa đổi học thuyết quốc phòng, liên tục tăng đầu tư cho quân sự trong những năm gần đây (ảnh: CNN)

Theo Reuters, từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, ngày càng có nhiều ý kiến trên chính trường Thụy Điển kêu gọi gia nhập NATO. Tuy nhiên, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho rằng, nộp đơn gia nhập NATO “chỉ khiến tình hình châu Âu thêm bất ổn”. Hôm 25.2, Nga đã cảnh báo những “hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị” nếu Thụy Điển gia nhập NATO.

Năm 2022, Thụy Điển tuyên bố sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 2%. Từ năm 2017, ngân sách quốc phòng của nước này chỉ ở mức 1 – 1,3%.

Hôm 14.1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, 2 nước rất được NATO chào đón gia nhập là Thụy Điển và Phần Lan. Theo ông Stoltenberg, Thụy Điển có mức độ “tương tác cao” với NATO và nếu muốn gia nhập, Stockholm chỉ cần mất vài tháng để xét duyệt.

Trong xung đột Nga – Ukraine, Thụy Điển đã cung cấp vũ khí chống tăng và thiết bị quân sự cho Kiev. Đây làn đầu tiên nước này làm vậy kể từ năm 1939, theo CNN.

Trung lập là “chìa khóa” giúp Ukraine sớm thoát khỏi xung đột với Nga (ảnh: TASS)

Trung lập là “chìa khóa” giúp Ukraine sớm thoát khỏi xung đột với Nga (ảnh: TASS)

3. Lựa chọn của Ukraine?

Hôm 7.3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga có thể dừng chiến dịch quân sự nếu Ukraine đáp ứng các điều kiện từ Moscow, trong đó có việc sửa đổi hiến pháp để trung lập và cam kết không gia nhập bất kỳ khối nào. Từ năm 2019, mục tiêu gia nhập NATO đã được ghi nhận trong hiến pháp Ukraine. 

Hôm 16.3, Nga nói rằng Ukraine đang cân nhắc trở thành một nước trung lập theo mô hình của Thụy Điển hoặc Áo.

Theo nhiều chuyên gia, việc có một “Hiệp ước Nhà nước Áo” tại Ukraine được cho là có thể đáp ứng mong muốn của Nga về mô hình trung lập của Kiev.

Trong một bài viết trên trang The Conversation, Stefan Wolff và David Hastings Dunn – 2 giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị và Nghiên cứu Quốc tế Đại học Birmingham – bình luận: “Nhiều khả năng sau khi Ukraine tuyên bố trung lập, Nga sẽ đòi hỏi phương Tây công nhận điều này. Nga cũng sẽ không cho phép có ‘điều khoản rút lui’ trong thỏa thuận trung lập của Ukraine”.

Graham Gill – giáo sư tại Đại học Sydney (Úc) – cho rằng, để duy trì hòa bình và ổn định, Ukraine đôi khi cần từ bỏ một số lý tưởng của mình.

“Đối với tình hình Ukraine hiện tại, trung lập không chỉ là lựa chọn thực tế mà còn thực dụng”, ông Graham Gill nói.

Kiev có thể chọn đi theo mô hình trung lập riêng ảnh: CNN)

Kiev có thể chọn đi theo mô hình trung lập riêng ảnh: CNN)

Tuy nhiên, hôm 16.3, Ukraine đã bác bỏ mô hình trung lập tương tự như Thụy Điển hoặc Áo.

“Ukraine hiện trong tình trạng xung đột trực tiếp với Nga. Do đó mô hình này chỉ có thể là mô hình của Ukraine khi chúng tôi nhận được các đảm bảo an ninh về mặt pháp lý”, CNN dẫn lời Mikhailo Podolyak – nhà đàm phán của Ukraine.

Phát biểu này cho thấy quan điểm về trung lập của Ukraine đã rõ ràng, theo AP. Theo đó, do xuất phát điểm và bối cảnh khác với Áo, Thụy Điển, Ukraine vẫn có thể trung lập, nhưng theo mô hình hoàn toàn khác. Đặc biệt, do hiện không là thành viên của bất kỳ liên minh nào, nên nếu trung lập, Ukraine cần đảm bảo an ninh từ bên thứ 3, đó có thể là Mỹ, Anh, Pháp, thậm chí là cả Trung Quốc.

Theo ông Podolyak, Ukraine có các thỏa thuận an ninh ràng buộc pháp lý với các đối tác quốc tế. Theo đó, các đối tác này sẽ "không đứng ngoài trong trường hợp Ukraine bị tấn công".

Nguồn: [Link nguồn]

Xuất hiện bất ngờ trong Diễn đàn Doha, ông Zelensky nêu cách chặn ”vũ khí” khí đốt của Nga

Hôm 26.3, Tổng thống Ukraine – ông Zelensky – đã có bài phát biểu quan trọng trước nhiều nhà lãnh đạo thế giới tại Diễn đàn Doha (Qatar).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN