Triệu phú “Mark Zuckerberg” ngang tàng của nước Nga

Tự gây dựng một mạng xã hội, kiếm bộn tiền từ đó, cuộc đời của Pavel Durov có nhiều điểm tương đồng với ông trùm Facebook Mark Zuckerberg, nhưng có phần ương ngạnh hơn.

Triệu phú “Mark Zuckerberg” ngang tàng của nước Nga - 1

Pavel Durov, 32 tuổi, nhà sáng lập của mạng xã hội Vkontakte, luôn thích mặc đồ đen

Để có được thành công, các tỉ phú, triệu phú trẻ tự thân phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Mỗi người mỗi vẻ, họ có những tính cách và “mưu mẹo” riêng để thích ứng và phát triển, nhưng tất cả có một điểm chung, đó là đam mê đến cùng với công việc.

Năm 22 tuổi (2006), Durov sáng lập mạng xã hội Vkontakte (nay được biết đến tên gọi VK), một mạng xã hội dùng tiếng Nga giống như Facebook. VKontakte có nghĩa là “liên lạc” trong tiếng Nga, và trông rất giống Facebook với màu xanh chủ đạo. Với sự giúp đỡ của anh trai, nhà toán học cũng biết viết mã Nikolai, Durov đã biến mạng xã hội VKontakte thành một công ty trị giá 3 tỉ USD.

VK nhanh chóng trở nên nổi tiếng và thu hút hơn 350 triệu người sử dụng, hiện vẫn giữ vị trí mạng xã hội lớn nhất châu Âu nói chung và Nga nói riêng. Vào năm 2014, Vkontakte có hơn 61 triệu người sử dụng tại Nga, trong khi đó Facebook chỉ có 13 triệu người dùng Nga.

Vkontakte ngày càng được ưa chuộng vì khả năng truy cập hầu như không giới hạn tới các video và nhạc miễn phí - điểm mạnh và cũng là điểm dở của nó: một ứng dụng thường xuyên vi phạm bản quyền quốc tế.

Durov tích lũy được khoảng 260 triệu USD trong thời gian làm giám đốc điều hành cho VK. Vì những điểm tương đồng trên, anh được mệnh danh là "Mark Zuckerberg của nước Nga".

Triệu phú “Mark Zuckerberg” ngang tàng của nước Nga - 2

Vẻ ngoài lạnh lùng của chàng triệu phú trẻ tuổi

Điều đặc biệt nhất ở Durov là sự ngông cuồng và cá tính. Durov học mã hóa ở trường học, đã từng sử dụng kĩ năng này để thay đổi màn hình chào trên mạng máy tính của trường, trêu chọc một giáo viên mà anh không thích.

Ngoài ra, Durov luôn mặc đồ màu đen, trong bất kì trường hợp nào. Mark Zuckerberg cũng có một sở thích tương tự khi trung thành với chiếc áo thun xám. Mark cho rằng phong cách ăn mặc tối giản sẽ giúp giảm bớt thời gian phải đưa ra quyết định, thay vào đó làm nhiều việc khác có ích hơn.

Một việc làm khác thể hiện sự ngông cuồng của “đại gia” trẻ tuổi là ném máy bay gấp bằng tiền. Năm 2012, Durov và một số nhân viên của mình đã ném rất nhiều máy bay gấp bằng tiền qua cửa số văn phòng.

Mỗi chiếc máy bay được làm từ tờ tiền 5.000 Rúp (1,7 triệu đồng), tổng giá trị của vụ ném máy bay tiêu tốn tới gần 30 triệu đồng. Durov cho biết đây chỉ là một cách ăn mừng giữa anh và một người bạn, cả 2 người đều khẳng định tiền bạc không quan trọng, ý tưởng mới là điều mấu chốt.

Triệu phú “Mark Zuckerberg” ngang tàng của nước Nga - 3

Durov được mệnh danh là "Mark Zuckerberg của nước Nga"

Tuy nhiên, mạng xã hội Vkontakte của anh bắt đầu bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ từ năm 2011. Sau khi bị can thiệp quá nhiều, Durov đã quyết định cùng anh trai rời Nga đến Mỹ. Ở đây, họ thành lập một công ty ở Buffalo, New York, và đưa một số nhân viên trung thành ở công ty cũ đến Mỹ.

Họ cùng sáng lập Telegram, một ứng dụng trò chuyện được mã hóa. Telegram cho phép người dùng kết nối ở các địa điểm từ xa, làm việc nhóm và mã hóa các bí mật cá nhân và doanh nghiệp. Ứng dụng có tới 100 triệu người dùng.

Durov, người sở hữu khối tài sản lên tới 300 triệu USD, rất tự tin với phần mềm của mình: "Nói một cách đơn giản, không quan trọng có bao nhiều phần mềm mã hóa tin nhắn ngoài kia đang hoạt động vì tất cả các phần mềm đó đều rất tồi tệ”, anh trả lời phỏng vấn vào năm ngoái.

Triệu phú “Mark Zuckerberg” ngang tàng của nước Nga - 4

Trang cá nhân của Durov trên mạng xã hội Vkontakte

Pavel Durov tự gọi Telegram là một sự “cống hiến hào phóng” của mình. Hiện Telegram chưa tạo ra lợi nhuận, và Durov khẳng định tiền bạc không phải chuyện quan trọng đối với anh.

"Nếu Telegram không còn quỹ để hoạt động, chúng tôi sẽ kêu gọi người dùng ủng hộ và các lựa chọn đóng góp khác. Kiếm lợi nhuận sẽ không bao giờ là mục tiêu của Telegram," lời giới thiệu của ứng dụng này viết.

Sống lưu vong ở nhiều nơi trên thế giới cùng với 4 nhân viên tin cậy, Durov tự nhận mình là “công dân thế giới” và thay đổi vị trí vài tháng một lần. "Tôi nghĩ chúng ta không nên phụ thuộc vào một khái niệm lỗi thời mà chúng ta gọi là “đất nước”, Durov nói với CNN. Anh không hối tiếc vì đã rời khỏi Nga. "Tôi thực sự hạnh phúc khi đã rời Nga vì dự án mới thành công hơn rất nhiều so với dự án cũ”.

Triệu phú “Mark Zuckerberg” ngang tàng của nước Nga - 5

Durov chỉ mặc đồ đen, và sống ở khắp nơi trên thế giới

Khả năng Durov sẽ “gặp nguy hiểm” khi trở lại Nga, nhưng theo một cách nào đó, Durov đã trở thành một biểu tượng công nghệ đáng khâm phục của thanh niên nước này.

Tuy nhiên, khi Telegram càng nổi tiếng, Durov lại gặp thách thức vì ứng dụng này trở thành một “cái gai trong mắt” của nhiều tổ chức an ninh thế giới. Với ưu điểm có thể mã hóa tin nhắn cũng như cho phép người dùng tự hủy tin nhắn, nhiều đối tượng tội phạm, khủng bố đã sử dụng Telegram như một phương tiện giao tiếp thuận lợi.

IS cũng từng kêu gọi thành viên của mình sử dụng Telegram. Trong năm ngoái, ứng dụng này tuyên bố đã phát hiện và ngăn chặn 78 kênh thông tin của IS, được sử dụng để tuyên truyền và tuyển dụng chiến binh với 12 ngôn ngữ khác nhau.

____________

Đón đọc bài tiếp theo vào 00h5' ngày 2.8: "Tỉ phú khu ổ chuột" với tài sản kếch xù ở Ấn Độ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Những tỉ phú trẻ trên thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN