TikTok và nghịch lý ở Trung Quốc

TikTok đang đối diện nguy cơ lớn bị cấm hoàn toàn tại Mỹ nếu như chủ sở hữu Trung Quốc không thoái vốn.

Cực kỳ phổ biến tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, TikTok được phát triển bằng công nghệ nội địa Trung Quốc. Có điều, người dùng không thể truy cập TikTok ở Trung Quốc.

Kênh CNN mô tả trên thực tế TikTok chưa bao giờ tồn tại ở Bắc Kinh. Thay vào đó, TikTok có một phiên bản khác với tên gọi Douyin tại đất nước đông dân nhất thế giới.

Hai phiên bản "chị em" TikTok và Douyin đều thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh. Douyin ra mắt trước TikTok và tạo nên cơn sốt ở Trung Quốc. Thuật toán mạnh mẽ của nó đã trở thành nền tảng cho TikTok và là chìa khóa mở ra thành công trên toàn cầu.

"Hai nền tảng TikTok và Douyin bề ngoài giống nhau nhưng chơi theo quy tắc hoàn toàn khác nhau" - kênh CNN bình luận.

Dưới đây là những gì bạn cần biết về Douyin và công ty ByteDance:

"Siêu" phổ biến

Douyin đạt con số khổng lồ với khoảng 600 triệu người dùng mỗi ngày và giống như TikTok, nó là một ứng dụng video ngắn. Ra mắt vào năm 2016, Douyin trở thành công cụ chính "hốt bạc" cho ByteDance trước khi TikTok xuất hiện.

Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance, công ty mẹ của TikTok và Douyin. Ảnh: Reuters

Zhang Yiming, nhà sáng lập ByteDance, công ty mẹ của TikTok và Douyin. Ảnh: Reuters

ByteDance được tạo dựng bởi Zhang Yiming, một cựu nhân viên của Microsoft và lần đầu tiên được biết đến với ứng dụng tin tức Jinri Toutiao hay "Today's Headlines", ra mắt vào năm 2012 ngay sau khi công ty được thành lập.

Ứng dụng tin tức Jinri Toutiao nhanh chóng khiến người dùng mê mẩn khi thống kê cho thấy trung bình họ dành hơn 70 phút mỗi ngày trên nền tảng này.

ByteDance đã áp dụng công thức tương tự với ứng dụng Douyin.

Tiếp đến vào năm 2017, công ty công nghệ tư nhân ByteDance đã mua một công ty khởi nghiệp video có trụ sở tại Mỹ và phát hành TikTok dưới dạng phiên bản Douyin ở nước ngoài. ByteDance cũng đã mua ứng dụng hát nhép nổi tiếng musical.ly và chuyển những người dùng đó sang TikTok vào năm 2018.

Sự phổ biến của mạng xã hội TikTok kể từ đó đã lan rộng ra toàn cầu. TikTok đã đạt hơn 1 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng trên khắp thế giới vào năm 2021.

Giúp người dùng hóa… "thiên nga"

Giao diện TikTok và Douyin trông giống nhau nhưng khi người dùng bật máy ảnh lên, có một điểm khác biệt rõ ràng: Douyin có bộ lọc làm đẹp tự động, giúp làm mịn da và thường xuyên thay đổi hình dạng khuôn mặt của một người, giúp họ như biến thành … "thiên nga".

Phóng viên CNN Silina Wang chụp ảnh bằng TikTok (trái) và Douyin (phải). Douyin áp dụng bộ lọc làm đẹp tự động. Ảnh: CNN

Phóng viên CNN Silina Wang chụp ảnh bằng TikTok (trái) và Douyin (phải). Douyin áp dụng bộ lọc làm đẹp tự động. Ảnh: CNN

Phụ nữ Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn sắc đẹp, trong đó nhấn mạnh đến vóc dáng thanh mảnh, đôi mắt to, làn da căng bóng và gò má cao.

Số người phẫu thuật thẩm mỹ đã tăng gấp đôi tại Trung Quốc từ năm 2014-2017. Trong khi đó, các ứng dụng làm đẹp cạnh tranh để tạo ra các bộ lọc hiển thị cho người dùng những phiên bản đẹp hơn nhiều so với chính họ.

Mặc dù TikTok cũng có các bộ lọc làm đẹp, người dùng có thể chọn chúng khi quay phim nhưng chúng không khởi chạy tự động như ở Douyin.

Douyin - kênh để mua sắm trực tuyến

Một điểm khác biệt lớn nữa giữa TikTok và Douyin, đó là Douyin là thị trường mua sắm trực tuyến khổng lồ của Trung Quốc.

Quảng bá, bán sản phẩm thông qua ứng dụng Douyin đã thu về hàng tỉ USD ở Trung Quốc đại lục, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Douyin trở thành kênh mua sắm trực tuyến phổ biến ở Trung Quốc đại lục. Ảnh: Douyin

Douyin trở thành kênh mua sắm trực tuyến phổ biến ở Trung Quốc đại lục. Ảnh: Douyin

Tính đến tháng 6 năm ngoái, đã có hơn 460 triệu người dùng quảng bá và bán hàng online thông qua ứng dụng Douyin ở Trung Quốc đại lục, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Việc thực hiện giao dịch mua sắm trên ứng dụng Douyin rất dễ dàng và tiện lợi: Các sản phẩm và giảm giá được hiển thị trên màn hình trong khi phát trực tiếp với các giao dịch mua chỉ cần vuốt hoặc nhấp chuột là xong.

Hạn chế đối với người dùng trẻ

Giám đốc điều hành (CEO) Shou Zi Chew của TikTok phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 23-3 trong bối cảnh Washington gây áp lực buộc ByteDance bán lại ứng dụng này cho công ty Mỹ. Hiện tại, số phận của TikTok tại Mỹ vẫn chưa được định đoạt.

Giữa TikTok và Douyin còn có một điểm khác biệt quan trọng: Douyin siết nghiêm ngặt hơn nhiều đối với người dùng trẻ tuổi.

Người dùng dưới 14 tuổi chỉ có thể truy cập nội dung an toàn cho trẻ em và sử dụng ứng dụng chỉ trong 40 phút mỗi ngày. Trẻ dưới 14 tuổi cũng không thể sử dụng Douyin từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau.

Ngay cả các ngày nghỉ cuối tuần, người dùng Douyin dưới 18 tuổi cũng chỉ được phép "lướt" trong không quá 3 giờ mỗi ngày.

TikTok gần đây đã thông báo sẽ giới hạn thời gian sử dụng trong ngày đối với người dùng chưa đủ tuổi thành niên.

Douyin có những hạn chế dành cho người dùng dưới 14 tuổi. Ảnh: Douyin

Douyin có những hạn chế dành cho người dùng dưới 14 tuổi. Ảnh: Douyin

Ứng dụng xuất xứ Trung Quốc nào đã thành công ở Mỹ?

TikTok cực kỳ phổ biến ở Mỹ với hơn 150 triệu người dùng - gần một nửa dân số của đất nước xứ cờ hoa.

Đây không phải là nền tảng duy nhất do Trung Quốc đạt được thành công phổ biến ở Mỹ.

Trong số 10 ứng dụng miễn phí phổ biến nhất trên kho ứng dụng của Apple (AAPL) tại Mỹ, 4 ứng dụng được phát triển bằng công nghệ Trung Quốc.

Bên cạnh TikTok, ứng dụng mua sắm Temu, nhà bán lẻ thời trang Shein và ứng dụng chỉnh sửa video CapCut cũng thuộc sở hữu của ByteDance.

Nguồn: [Link nguồn]

Những quốc gia, vùng lãnh thổ nào đã cấm TikTok và tại sao?

Dù TikTok nhiều lần khẳng định không làm lộ dữ liệu người dùng nhưng nhiều quốc gia và tổ chức vẫn ban hành lệnh cấm đối với ứng dụng này trên các thiết bị công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BTV ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN