Vỡ đập ở Libya: Thảm họa được đã báo trước
Trong nhiều năm, các chuyên gia đã cảnh báo việc người dân thành phố Derna ở đông bắc Libya phải sống trong tình trạng nguy hiểm cao độ vì hai con đập có thể sập bất cứ lúc nào.
Ngày 11/9, bão Daniels đổ bộ ở vùng đông bắc Libya, gây thiệt hại trên diện rộng dọc bờ biển, đặc biệt là ở các thành phố Derna và Al Bayda. Tại Derna, lượng mưa vượt 100mm chỉ trong 3 ngày, trong khi lượng mưa trung bình hàng năm trong cả tháng 9 thường chỉ dưới 1,5mm.
Mưa lớn bất thường khiến nước dâng cao gây vỡ đập, tạo ra lũ quét kinh hoàng tràn qua thành phố Derna, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hai đập bị vỡ ngày 11.9 được xây dựng cách đây khoảng nửa thế kỷ, từ năm 1973 đến năm 1977. Đập Derna cao 75 mét với sức chứa 18 triệu mét khối nước. Đập Mansour cao 45 mét, có sức chứa 1,5 triệu mét khối nước.
Theo thống kê của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Libya, ít nhất 11.300 người đã thiệt mạng và hơn 10.000 người khác mất tích trong thảm họa.
Theo tiết lộ mới đăng tải trên báo Anh Daily Mail, một nghiên cứu chỉ ra vào năm 1998, rằng có các vết nứt sâu ở bên trong hai con đập.
Số người chết trong thảm họa ở Libya được cho là hơn 11.000.
Nhưng chính phủ Libya dưới thời nhà độc tài Muammar Gaddafi chỉ bắt đầu sửa chữa hai con đập vào năm 2010. Hợp đồng sửa chữa được chính phủ Libya ký với một công ty Thổ Nhĩ Kỳ.
4 tháng sau khi bắt đầu dự án sửa chữa, chiến tranh nổ ra. Từ tháng 2 - tháng 10/2011, phe nổi dậy Libya được NATO hậu thuẫn lật đổ chính phủ của nhà độc tài Muammar Gaddafi. Xung đột đã khiến các công ty nước ngoài rút khỏi Libya và dự án sửa chữa hai con đập bị đình chỉ vô thời hạn.
Tiến sĩ Abdelwanees Ashoor, kỹ sư thủy lực hàng đầu tại Đại học Omar Al-Mukhtar ở Libya, từng đưa ra cảnh báo vào năm 2022, rằng nếu lũ lụt xảy ra ở khu vực thì "hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc". “Trong trường hợp xảy ra một trận lũ lớn, đó sẽ là thảm họa đối với người dân sống ở thung lũng và thành phố ven biển”, tiến sĩ Ashoor khi đó nói.
Tiến sĩ Ashoor cho biết, các kỹ sư xây dựng hai con đập vào những năm 1970 đã không thể lường trước biến đổi môi trường ở khu vực sau hơn 50 năm.
Hai con đập lần lượt bị vỡ ở thượng nguồn đã trút một lượng lớn vô cùng lớn xuống thành phố Derna và các khu vực lân cận.
Hiện nay, khu vực đông bắc Libya ngày càng bị sa mạc hóa, nghĩa ngày là càng ít các loài thực vật có khả năng hấp thụ nước tồn tại.
Tiến sĩ Ashoor từng kêu gọi chính phủ miền đông Libya xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, giảm nguy cơ lũ lụt bằng cách "bảo trì định kỳ các công trình quan trọng" và tăng cường phủ xanh để ngăn tình trạng sa mạc hóa.
Tuy nhiên, Libya hiện vẫn đang trong tình trạng nội chiến kể từ năm 2014 với hai chính phủ tồn tại song song nên các vấn đề trên chưa được quan tâm đúng mực.
Năm 2021, các kiểm toán viên thuộc chính quyền miền đông Libya phát hiện khoản tiền 2,5 triệu USD được duyệt chi để sửa chữa hai con đậpchưa từng được sử dụng đúng mục đích. Giới chức Libya khi đó đổ lỗi cho Bộ Tài nguyên nước.
Sau thảm họa, các công tố viên Libya đã cam kết sẽ điều tra tận gốc vấn đề và xác minh quỹ bảo trì hai con đập đã được sử dụng vào mục đích gì.
Derna là thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau thảm họa.
Tổng công tố Libya al-Sediq al-Sour nói: "Tôi khẳng định rằng bất cứ ai mắc lỗi dẫn đến thảm họa sẽ bị đưa ra xét xử trước pháp luật".
Jalel Harchaoui, chuyên gia am hiểu về Libya tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia London ở Anh, nói một cuộc điều tra có thể "đặt ra thách thức đặc biệt" với cơ quan tư pháp vì vấn đề có thể liên quan đến các cấp lãnh đạo cao nhất ở chính quyền miền đông và miền tây Libya.
Nguồn: [Link nguồn]
Các phóng viên chứng kiến hậu quả kinh hoàng của thảm họa vỡ đập ở Libya đã chia sẻ về cảnh tượng gây ám ảnh với họ.