Thế khó của quân đội Myanmar ngày càng lớn

Sau chính biến, quân đội Myanmar ngày càng gặp khó cả trong nước và quốc tế.

Từ sau cuộc chính biến ngày 1-2, các lãnh đạo quân đội Myanmar đã nỗ lực hết sức có thể để hợp pháp hóa và củng cố quyền lực của chính phủ quân sự. Tuy nhiên, trong bài viết trên kênh CNA ngày 10-3, TS-PGS Nehgonpao Kipgen cho rằng quân đội Myanmar đang gặp khó trên hầu như tất cả mặt trận.

TS Nehgonpao Kipgen là nhà khoa học chính trị và là giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trường Các vấn đề quốc tế Jindal thuộc ĐH O P Jindal Global (Ấn Độ). Ông từng có ba cuốn sách về Myanmar, trong đó có cuốn Democratization of Myanmar (tạm dịch: Sự dân chủ hóa của Myanmar).

Làn sóng biểu tình phản đối chính biến ở Myanmar đang được cả thế giới chú ý. Ảnh: CNN

Làn sóng biểu tình phản đối chính biến ở Myanmar đang được cả thế giới chú ý. Ảnh: CNN

Phản đối từ bên trong ngày càng nghiêm trọng

Ở mặt trận trong nước, cả tháng qua quân đội Myanmar đã và đang đối mặt làn sóng biểu tình mạnh và chưa có dấu hiệu sẽ lắng xuống dù đã có hơn 70 người thiệt mạng vì bạo lực của cảnh sát, hơn 2.000 người bị bắt.

Quân đội cũng đang đau đầu với các nhóm dân tộc thiểu số vũ trang trong nước. Sau thời điểm có người biểu tình bị bắn chết, đã có nhóm vũ trang thiểu số điều quân giữ an toàn cho người biểu tình, nhóm khác thì thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các tiền đồn của quân đội Myanmar. Hiện so với phía quân đội thì phe dân sự của bà Aung San Suu Kyi được nhiều nhóm vũ trang thiểu số ủng hộ hơn. Và thực tế là đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ của bà Suu Kyi cũng đã nhận ra điều này và nỗ lực kết nối với các nhóm này.

Chính biến do quân đội thực hiện cũng không được sự ủng hộ của chính các nhà ngoại giao Myanmar ở nước ngoài. Quân đội Myanmar gặp bất lợi lớn đầu tiên vào ngày 26-2 khi Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Kyaw Moe Tun đề nghị tổ chức này “sử dụng mọi biện pháp cần thiết hành động chống lại quân đội Myanmar” nhằm khôi phục dân chủ khi ông phát biểu trước đại diện 193 thành viên LHQ. Một ngày sau khi có phát ngôn trên, Đại sứ Moe Tun bị chính quyền quân sự Myanmar sa thải nhưng ông không làm theo chỉ thị này. Người được chính quyền quân sự Myanmar chỉ định tạm thay Đại sứ Moe Tun là Phó Đại sứ Tin Maung Naing, tuy nhiên ông Maung Naing đã chọn từ chức.

Hành động của hai nhân vật này khiến làn sóng bất đồng ý kiến trong bộ phận các nhà ngoại giao Myanmar với cuộc chính biến càng lớn hơn. Ngày 4-3, Đại sứ quán Myanmar tại Mỹ ra tuyên bố lên án việc người biểu tình bị bắn chết và kêu gọi lực lượng an ninh kiềm chế. Ngày 8-3, đại sứ Myanmar tại Anh - ông Kyaw Zwar Minn kêu gọi quân đội thả hai lãnh đạo của chính quyền dân sự là Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, đồng thời đề nghị hai bên thương lượng hòa bình.

Việc nhiều nhà ngoại giao Myanmar lên tiếng phản đối chính biến là lý do chính đáng để cộng đồng quốc tế cùng ngồi xuống và bàn cách tiếp cận thống nhất.  TS-PGS NEHGONPAO KIPGEN, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trường Các vấn đề quốc tế Jindal thuộc ĐH O P Jindal Global (Ấn Độ) 

Áp lực từ bên ngoài ngày càng lớn

Nhận thức được đây là một diễn biến nguy hiểm, chính quyền quân sự Myanmar một mặt lên án phản ứng của Đại sứ Moe Tun là “phản quốc”, một mặt cho triệu hồi hơn 100 nhà ngoại giao ở nước ngoài về, trong đó có ở Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ. Tuy nhiên, theo TS Kipgen, việc ngày càng nhiều nhà ngoại giao Myanmar xác định khoảng cách với chính quyền quân sự sẽ càng củng cố hơn sự phản đối của quốc tế với cuộc chính biến do quân đội Myanmar thực hiện. 

Nhận định của TS Kipgen phần nào thành sự thực. Mới nhất, ngày 12-3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này sẽ ngưng trao đổi quốc phòng và xuất khẩu vũ khí, cân nhắc ngưng hỗ trợ phát triển với Myanmar cũng như cân nhắc cho người dân Myanmar tị nạn tại nước mình tới khi tình hình tiến triển tốt hơn, theo hãng tin Reuters.

Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ ngày 10-3 ra tuyên bố chung “lên án mạnh” việc chính phủ quân sự Myanmar có hành động bạo lực chống lại những người biểu tình, đồng thời kêu gọi quân đội kiềm chế tối đa. Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh rằng HĐBA “đang theo dõi chặt chẽ tình hình”.

Sau khi HĐBA ra tuyên bố, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân kêu gọi “giảm căng thẳng” khủng hoảng Myanmar. Trong phát ngôn của mình, ông Trương cho rằng “đây là thời khắc cho dân chủ, cho đối thoại”. Ông Trương cho biết Trung Quốc đã tham gia với thái độ mang tính xây dựng trong quá trình bàn bạc về tuyên bố của HĐBA. Ông Trương khẳng định “chuyện các thành viên hội đồng cùng có chung tiếng nói là quan trọng” và “hy vọng thông điệp của hội đồng sẽ có lợi giúp làm dịu tình hình ở Myanmar”.

Ông Trương cũng đề nghị “cộng đồng quốc tế nên tạo một môi trường khả dĩ để các bên liên quan ở Myanmar giải quyết các bất đồng theo hiến pháp và khung luật pháp”. Đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại LHQ khẳng định “chính sách hữu nghị của Trung Quốc với Myanmar là cho tất cả người dân Myanmar”, đồng thời cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ các bên liên quan giải quyết tình hình.

Viễn cảnh khả dĩ nhất là gì?

TS Kipgen nhắc tới những viễn cảnh cực đoan nhất: Quân đội Myanmar có thể sẽ bị buộc phải từ bỏ quyền lực một khi HĐBA quyết định hành động theo Chương VII Hiến chương LHQ cho phép dùng vũ lực. Tuy nhiên, chính Đại sứ Moe Tun khi trả lời phỏng vấn đài CNN ngày 9-3 thừa nhận điều này rất khó. Một khả năng nữa là sẽ có một liên minh chống quân đội Myanmar như Mỹ từng thực hiện ở Iraq nhiều năm trước. Tuy nhiên, khả năng này không lớn khi Mỹ hay các nước khác còn bận bịu với các ưu tiên nội địa.

Viễn cảnh khả dĩ nhất hiện tại để giải quyết khủng hoảng Myanmar theo đề xuất của TS Kipgen là các lãnh đạo quân đội và các lãnh đạo chính quyền dân sự Myanmar, cả Mỹ và Trung Quốc nên tìm cơ hội đối thoại với nhau, cùng với sự hỗ trợ của ASEAN - tổ chức có khả năng vận động ngoại giao để làm giảm căng thẳng các bên.

Tại cuộc họp HĐBA ngày 10-3, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan ở Myanmar kiềm chế, chấm dứt bạo lực và đối thoại tìm ra giải pháp thỏa đáng, phù hợp với hiến pháp và luật pháp quốc gia, cũng như ý chí và nguyện vọng của người dân, tạo thuận lợi cho quá trình dân chủ. Việt Nam cũng khẳng định ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar trên tinh thần thiện chí, phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương ASEAN.•

Trong một bài viết trên đài CNN, nhà phân tích các vấn đề quốc tế Michael Bociurkiw nhận định số phận Myanmar cuối cùng sẽ thuộc về bên nào chịu đựng được lâu hơn trong khủng hoảng này.  Đến thời điểm này đã có hơn 70 người biểu tình thiệt mạng, hơn 2.000 người bị bắt và không biết họ sẽ còn chịu đựng được bạo lực từ phía chính quyền quân sự bao lâu nữa khi hướng ra chưa có gì rõ ràng. Trong khi đó, phe quân đội có thể đang rất cần tiền trong bối cảnh kinh tế Myanmar trì trệ kéo dài và không biết phe này có thể chịu đựng được bao lâu nữa, đặc biệt khi nhiều cơ sở liên doanh nước ngoài liên quan đến quân đội đang bắt đầu hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chính biến.  

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia châu Á đầu tiên tuyên bố dừng mọi quan hệ với quân đội Myanmar

Trong bối cảnh bất ổn chính trị ở Myanmar không có dấu hiệu hạ nhiệt, quốc gia châu Á này tuyên bố sẽ dừng toàn bộ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐĂNG KHOA ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN