Phương Tây tịch thu tài sản Nga: Bước đi đúng hay 'mồi lửa' hệ luỵ?

Sự kiện: Tin tức Nga

Giới quan sát cho rằng việc phương Tây tịch thu tài sản Nga để viện trợ Ukraine tái thiết khả năng sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, làm sâu sắc thêm căng thẳng giữa Nga và phương Tây, ảnh hưởng tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu.

Tờ Financial Times dẫn ước tính của Trường Kinh tế Kiev (KSE - Ukraine) rằng Ukraine tổn thất tới hơn 250 tỉ USD về kinh tế và cơ sở hạ tầng tính từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022.

Trong khi đó, các nước phương Tây đã phong tỏa khối tài sản tổng giá trị hơn 300 tỉ USD của Nga ở nước ngoài nhằm ngăn Moscow thu lợi phục vụ chiến sự. Thậm chí, các nước này còn muốn tịch thu số tài sản bị phong tỏa của Nga để viện trợ Ukraine tái thiết.

Căng thẳng động thái các bên

Theo hãng tin Reuters, tính đến nay Liên minh châu Âu (EU) đã phong tỏa khối tài sản tổng giá trị hơn 200 tỉ USD của Nga. Bỉ - nước đang đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng EU - thông báo rằng các thành viên EU đã nhất trí dùng phần lợi nhuận từ những tài sản bị đóng băng của Nga ở châu Âu để viện trợ Ukraine tái thiết. Theo Reuters, thỏa thuận này sẽ sớm được phê duyệt và kiểm tra pháp lý trước khi đưa vào áp dụng.

Rõ ràng việc phương Tây muốn tịch thu tài sản Nga sẽ vướng phải nhiều rào cản pháp lý. Nói thì dễ nhưng thực hiện được mới là vấn đề nan giải.

Ông ANTON MOISEIENKO, chuyên gia luật quốc tế tại ĐH Quốc gia Úc

Mỹ phong tỏa hơn 5 tỉ USD tài sản Nga ở nước này, theo tờ Politico. Tháng 6-2023, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép Mỹ tịch thu tài sản Nga viện trợ Ukraine tái thiết. Dự luật này vẫn cần được Thượng viện thông qua và Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Theo Politico, dự luật trên gồm các điều khoản quan trọng như (1) đảm bảo Nga sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra ở Ukraine; (2) cấp quyền cho Washington tịch thu tài sản Nga ở Mỹ và chuyển những tài sản này cho Ukraine tái thiết; (3) cho phép Bộ Ngoại giao Mỹ làm việc với các đối tác và đồng minh nhằm tịch thu thêm tài sản Nga ở nước ngoài.

Ngoài những nước trên, Canada cũng đóng băng hơn 3 tỉ USD tài sản Nga ở nước này, theo đài CBS News. Tháng 6-2022, Canada thông qua một dự luật cho phép Ottawa có quyền tịch thu hoặc bán tài sản thuộc quyền sở hữu của các cá nhân, tổ chức nằm trong danh sách trừng phạt của Canada, trong đó có Nga. Tuy nhiên, chính phủ Canada tới nay vẫn chưa có động thái tịch thu hay bán tài sản Nga vì ưu tiên hiện tại của Ottawa là giúp đỡ dân thường Ukraine bị ảnh hưởng vì xung đột.

Trong khi đó, phía Moscow cảnh báo rằng bất kỳ nước nào có hành vi tịch thu tài sản Nga sẽ được xem là “trộm cắp” và Nga sẽ đáp trả tương ứng. Tháng 4-2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh, thiết lập cơ chế cho phép Moscow tạm thời tiếp quản tài sản nước ngoài ở Nga trong trường hợp các nước này có liên quan việc tịch thu tài sản Nga hoặc có hành vi đe dọa an ninh quốc gia, năng lượng và kinh tế Nga.

Du thuyền của tỉ phú Nga Igor Sechin bị phong tỏa ở cảng La Ciotat (Pháp) vào tháng 3-2022. Ảnh: AP

Du thuyền của tỉ phú Nga Igor Sechin bị phong tỏa ở cảng La Ciotat (Pháp) vào tháng 3-2022. Ảnh: AP

Hệ lụy ra sao?

Theo tờ Foreign Policy, việc phương Tây tịch thu tài sản Nga để viện trợ Ukraine nhìn bề ngoài có vẻ có lợi nhưng lại tiềm ẩn nhiều hệ lụy đối với Kiev và thế giới.

Thứ nhất, nó có thể trở thành “con dao hai lưỡi” gây khó khăn cho Ukraine trong việc tiếp nhận thêm viện trợ trong tương lai. Chẳng hạn, các chính trị gia Mỹ phản đối viện trợ Ukraine có thể lợi dụng khoản tiền này làm lý do để ngừng cấp viện trợ, cho rằng Kiev đã có đủ nguồn lực.

Thứ hai, việc Ukraine nhận và sử dụng số tiền có thể khiến nước này mất lợi thế tại các cuộc đàm phán trong tương lai. Theo Foreign Policy, việc đảm bảo Nga bồi thường thiệt hại sau xung đột có thể được dùng như một “con bài mặc cả” để Ukraine đạt được các điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình đàm phán. Nếu nhận tài sản bị đóng băng của Nga và dùng hết thời điểm này, Ukraine sẽ mất đi lợi thế đó.

Thứ ba, việc tịch thu tài sản Nga để viện trợ Ukraine tái thiết còn tạo ra nhiều hệ lụy cho tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Theo Foreign Policy, việc tịch thu tài sản Nga nếu diễn ra suôn sẻ có thể thiết lập một tiền lệ nguy hiểm, cho phép các quốc gia khác tịch thu tài sản của nhau trong tương lai. Điều này cũng có thể gây bất ổn toàn cầu, làm suy yếu hệ thống pháp lý thế giới.

Thêm vào đó, tịch thu tài sản Nga có thể làm sâu sắc thêm căng thẳng giữa Nga và phương Tây, gây khó khăn cho nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề chung như biến đổi khí hậu, chống khủng bố...

Cuối cùng, việc tịch thu tài sản Nga có thể gây lo ngại cho các nhà đầu tư, khiến họ lo rằng tài sản của họ cũng có thể bị tịch thu nếu bị coi là ủng hộ một chính phủ hoặc quốc gia mà phương Tây không thích. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư dễ dao động trước các kênh tài chính phương Tây, thậm chí rút tiền khỏi phương Tây để chuyển sang các kênh tài chính khác mà họ cảm thấy an toàn hơn.

Theo Foreign Policy, để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc tịch thu tài sản Nga, các nước phương Tây phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện, đặc biệt cần có những quy định pháp lý rõ ràng về việc tịch thu tài sản, đảm bảo tính hợp pháp và công bằng.•

Tịch thu tài sản Nga có phải biện pháp trừng phạt?

Tịch thu tài sản Nga không phải là một biện pháp trừng phạt, Foreign Policy dẫn ý kiến bà Agedit Demarais - thành viên cấp cao thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR - Đức, nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh châu Âu).

Theo bà Demarais, các biện pháp trừng phạt mang tính tạm thời, nhằm gây tổn thất kinh tế và thay đổi hành vi của các cá nhân, tổ chức và thực thể bị trừng phạt. Trong khi đó, việc tịch thu tài sản Nga là hành động tước bỏ quyền sở hữu tài sản đối với các cá nhân, tổ chức. Dù cùng mục đích là gây tổn thất kinh tế nhưng bản chất của hai hành động này là khác nhau, bà Demarais giải thích.

Bà Demarais cũng cho rằng việc tịch thu tài sản là một hành động khó thực hiện, bởi nó dễ vi phạm các nguyên tắc pháp lý quốc tế.

Nguồn: [Link nguồn]

Quyết định mới từ Liên minh châu Âu (EU) có thể giúp Ukraine nhận được khoảng 15 tỷ euro/năm (16,17 tỷ USD) từ tài sản bị phong tỏa của Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CHÍ THANH ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN