Những quy tắc "trượng nghĩa" trong giới mafia Nhật Bản

Dù là một băng đảng khét tiếng máu lạnh nhưng Yakuza Nhật Bản có những quy tắc riêng điều chỉnh mọi hành vi, "đạo đức" của thành viên.

Những quy tắc "trượng nghĩa" trong giới mafia Nhật Bản - 1

"Bố già" Yakuza mặc áo sơ mi trắng được chụp trong đời thường (Ảnh: Anton Kusters).

Yakuza – băng đảng mafia Nhật Bản khét tiếng nhất thế giới đã có lịch sử hàng trăm năm. Nhắc tới Yakuza là nói tới những cuộc thanh trừng đẫm máu, hình xăm kỳ quái, ngón tay út cụt lủn và những hành động trượng nghĩa lúc người dân gặp nạn. Nhiều người thậm chí coi đây là một nét văn hóa Nhật. Loạt bài viết sau đây sẽ hé lộ một phần góc khuất của thế giới ngầm Yakuza.

Yakuza, băng nhóm tội phạm có tổ chức lớn nhất Nhật Bản với 79.000 thành viên vẫn tồn tại trong xã hội Nhật như một nét văn hóa không thể tách rời. Một phần lí do khiến Yakuza không biến mất, chính là bởi những quy tắc ứng xử buộc các thành viên khác phải tuân theo, trong đó đáng chú ý nhất là tránh các hành động cướp bóc, trấn lột, ăn trộm, tấn công tình dục và buôn bán ma túy.

Những quy tắc ngầm này đôi khi được in thành luật lệ gắn lên văn phòng đại diện của mỗi băng đảng Yakuza, buộc các tay chân phải tuân thủ.

Yakuza cấm các thành viên buôn bán hoặc sử dụng ma túy vì mafia Nhật tin rằng, mỗi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Hút thuốc phiện làm ngắn tuổi thọ người sử dụng và điều này làm mất quyền bình đẳng của họ.

Với cách lập luận tương tự, trộm cắp cũng là hạng mục được ghi chú đầu tiên trong quy tắc ứng xử của Yakuza. Khi một người bị ăn trộm, kế sinh nhai và tài sản của anh ta bị mất, điều này ảnh hưởng tới quyền bình đẳng. Trộm cắp từ cộng đồng còn đáng lên án hơn và nhiều Yakuza từng bị xử tử vì hành vi này.

Những quy tắc "trượng nghĩa" trong giới mafia Nhật Bản - 2

Ngón tay út chặt cụt là một lễ nghi thể hiện sự đền tội của các tay chân.

Với tội trạng hiếp dâm, đây là nỗi ô nhục lớn nhất của Yakuza. Kẻ phạm tội có thể bị chặt ngón út và sa thải khỏi băng đảng. Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến nếu hắn thực hiện hành vi phạm tội lên một thành viên hoặc gia đình Yakuza khác. Cái chết là điều chờ sẵn với kẻ thủ ác.

Quy tắc ngầm thế giới Yakuza còn bắt buộc các thành viên phải xăm mình. Nếu như trước đây, xăm chỉ dành cho những ông trùm mafia giàu có và nhiều thời gian thì nay với công nghệ xăm máy hiện đại, thành viên các băng đảng đủ khả năng “tậu” cho mình những hình ảnh uy dũng. Mỗi băng đảng Yakuza có một biểu tượng riêng và hình xăm giúp phân biệt giữa các nhóm với nhau.

Những quy tắc "trượng nghĩa" trong giới mafia Nhật Bản - 3

Yakuza hay gặp nhau trong nhà tắm công cộng để khoe hình xăm, trò chuyện và chứng minh không mang theo vũ khí.

Điều quan trọng nhất ngoài tính xác định các nhóm Yakuza với nhau, hình xăm được coi như bản án tử cho mỗi thành viên tìm cách hoàn lương. Với hình xăm chi chít từ cổ xuống mắt cá chân, không tổ chức, công ty nào dám thuê những nhân viên hầm hố và có quá khứ dính chàm như vậy.

Một quy tắc bất thành văn nữa và giúp phân biệt Yakuza với những băng nhóm khác trên thế giới, chính là chặt ngón út. Rất nhiều thành viên Yakuza không có ngón út do bị chặt cụt sau mỗi lần phạm lỗi. Chặt ngón tay được coi là cách thức để các thành viên xin lỗi ông trùm của mình và khẳng định lòng trung thành tuyệt đối với băng đảng. Trước đây, Yakuza phải tự tay chặt đứt ngón út của mình để thể hiện sự dũng cảm cũng như trung thành vô điều kiện. Ngày nay, việc chặt ngón tay “dễ dàng” hơn khi những kẻ khác sẽ thực hiện.

Những quy tắc "trượng nghĩa" trong giới mafia Nhật Bản - 4

Hình xăm cá chép Koi chiếm diện tích lớn trên lưng một thành viên Yakuza.

Quy tắc chặt ngón tay út có từ thời Shogun, khi những tay đánh bạc không trả được món nợ sẽ bị chặt đốt để thay phần tiền thiếu. Vết thương để lại chứng tỏ kẻ đánh bạc đã không giữ đúng lời hứa và danh dự của mình. Thời điểm đó, ngón út bị chặt cũng gây phiền toái cho nạn nhân vì cờ bạc bị cấm tuyệt đối ở Nhật.

Trong văn hóa Nhật, cầm kiếm sẽ phải giữ chặt bằng ngón út và thả lỏng ngón cái và ngón trỏ. Khi ngón út bị chặt, việc cầm kiếm và chiến đấu sẽ kém hơn rất nhiều. Do đó, để có sức mạnh họ buộc phải dựa vào các băng đảng và điều này cũng được cho là nguyên nhân khiến nhiều Yakuza bị chặt ngón. Hiện nay, công nghệ phát triển đã xuất hiện những ngón tay út giả nhằm giúp Yakuza bình thường hơn trong mắt người dân Nhật Bản.

Một thành viên Yakuza từng trả lời trên tờ New Yoker khi tự mình chặt tay trước mặt ông trùm băng đảng: “Lúc đó tôi mắc lỗi và tôi phải chấp nhận chặt ngón út của mình. Một bác sĩ giúp tôi cầm máu nhưng không nối được gân. Nếu chữa lành ngón út chẳng khác gì rút lại lời xin lỗi của tôi với ông trùm”.

Những quy tắc "trượng nghĩa" trong giới mafia Nhật Bản - 5

Những ông trùm Yakuza được bảo vệ nghiêm ngặt và có hàng ngàn tay chân thân tín.

Phóng viên trang National Geographic William Graves trong một bữa ăn tối với trùm Yakuza nhận thấy hơn 40 người khác dự tiệc đều mất ngót út bàn tay trái và thường đút tay trong túi. Ông trùm Yakuza nhận ra ánh nhìn của Graves nên giải thích “họ mất ngón do sử dụng máy phay sai quy cách”.

Dù nổi tiếng về những hành động tàn bạo và các cuộc thanh trừng đẫm máu, Yakuza cũng được biết tới vì lòng tự tôn và tuân thủ các giá trị tuyệt đối. Yakuza rất ghét mất mặt trước người khác. Peter Hessler viết trên tờ New Yorker: “Khi đưa ra bất kì yêu cầu nào, Yakuza cũng rất nhẹ nhàng. Nếu lần thứ hai nạn nhân không tuân thủ, Yakuza sẽ ra tay tàn bạo”.

Yakuza được “tiếng tốt” vì quan tâm tới người già và trẻ em cũng như những người sa cơ. Trong quá khứ, Yakuza từng giúp cảnh sát ngăn chặn bạo lực đường phố. Ông trùm Yakuza cũng yêu cầu các thành viên ghé thăm người già trong ngày kỉ niệm này ở Nhật Bản.

Những quy tắc "trượng nghĩa" trong giới mafia Nhật Bản - 6

Con đường trở về cuộc sống bình thường với các Yakuza hầu như là không còn.

Trong trận động đất kinh hoàng ở Kobe năm 1996, băng đảng Yamaguchi lớn nhất Nhật Bản đã cung cấp cho người dân nước khoáng, sữa bột, trứng tươi, bánh mỳ và tã lót trẻ em. Thời điểm đó, Yamaguchi cung cấp 8.000 suất ăn cho người dân ở tổng hành dinh của mình.

Tuy nhiên, ông trùm Takayama từng trả lời trên tờ Bưu điện Washington rằng “các giá trị truyền thống đang bị mai một”. Takayama cho biết trước đây không bao giờ được phép bắn một người từ phía sau nhưng giờ đây, các quy tắc này không còn nữa.

___________

Hết

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – Tổng hợp ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN