Căng thẳng Iran - Israel: Những đòn ám sát chấn động

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Vụ tòa lãnh sự Iran ở Syria bị tập kích hồi đầu tháng 4 dẫn đến phản ứng chưa từng có của Iran nhằm vào Israel. Trước đó, Israel từng bị cho là đã dùng nhiều đòn để hạ sát người của Iran.

Khu lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria bị tấn công ngày 1/4. Ảnh: Times of India

Khu lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria bị tấn công ngày 1/4. Ảnh: Times of India

Mối quan hệ thù địch Israel - Iran gần đây khiến thế giới thêm lo ngại khi xuất hiện diễn biến mới, đẩy căng thẳng leo thang chưa từng thấy ở Trung Đông. Mối quan hệ "không thân thiện" ấy cũng là nguồn cơn dẫn đến nhiều cuộc đối đầu, so kè giữa 2 nước ở một số "mặt trận". Mời độc giả đón đọc loạt bài kỳ này để hiểu thêm phần nào về các cuộc đối đầu đó.

Bị săn lùng bởi các cuộc tấn công chết chóc của Israel ở Syria trong nhiều tháng, các chỉ huy quân sự Iran cho rằng việc tổ chức một cuộc họp cấp cao bên trong khu lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus (Syria) là an toàn. Họ cho rằng cuộc họp này sẽ không bị gián đoạn khi các cơ quan ngoại giao được bảo vệ bởi các quy tắc quốc tế, Reuters dẫn lời các quan chức Iran và Syria cho hay.

Nhưng họ đã lầm.

Một cuộc không kích vào khu nhà lãnh sự quán hôm 1/4/2024 đã khiến ít nhất 7 sĩ quan Iran thiệt mạng, trong đó có 2 tướng cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - chuẩn tướng Mohammad Reza Zahedi và cấp phó, chuẩn tướng Mohammad-Hadi Haji-Rahimi.

Đây là vụ không kích nguy hiểm nhất trong một loạt các cuộc tấn công nhằm vào quan chức Iran ở Syria, kể từ tháng 12/2023 và cũng là lần hiếm hoi có một cơ sở ngoại giao trên thế giới bị tấn công. Liên Hợp Quốc và nhiều nước trên thế giới đã lên án vụ việc. Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ không kích, trong khi như thường lệ, Israel không bình luận về các vụ tấn công ở Syria.

Không phải lần đầu

Vụ không kích ngày 1/4 không phải là lần duy nhất Israel bị cáo buộc liên quan đến các vụ tấn công, ám sát các nhân vật Iran. Theo Al Jazeera, Israel từ lâu đã tập trung vào một mục tiêu cụ thể ở Iran. Đó là chương trình hạt nhân. 

Trong nhiều năm, Israel cáo buộc Iran bí mật chế tạo một quả bom hạt nhân có thể đe dọa sự tồn tại của Israel. Quốc gia Trung Đông này cũng thường xuyên lên tiếng công khai về các nỗ lực ngoại giao và tình báo nhằm làm chệch hướng "chương trình hạt nhân bị cáo buộc của Iran". Tehran phủ nhận đang phát triển chương trình hạt nhân quân sự, đồng thời khẳng định Iran có quyền tiếp cận và phát triển năng lượng hạt nhân dân sự.

Al Jazeera ngày 15/4 đã liệt kê một loạt vụ ám sát các nhà khoa học Iran mà Israel thừa nhận đứng sau hoặc bị cáo buộc dàn dựng.

Giáo sư vật lý Masoud Ali-Mohammadi. Ảnh: Getty

Giáo sư vật lý Masoud Ali-Mohammadi. Ảnh: Getty

Tháng 1/2010, giáo sư vật lý Masoud Ali-Mohammadi, làm việc tại Đại học Iran, đã thiệt mạng do một quả bom điều khiển từ xa được gài vào xe máy của ông. Truyền thông Iran cáo buộc Mỹ và Israel đứng sau vụ việc. Chính phủ Iran cho biết, ông Ali-Mohammadi là một nhà khoa học hạt nhân.

Khoảng 10 tháng sau, giáo sư Majid Shahriari, thuộc khoa kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Shahid Beheshti ở thủ đô Tehran bị giết trong một vụ nổ ô tô khi đang trên đường đi làm. Vợ của ông Shahriari bị thương trong vụ việc. Mỹ và Israel một lần nữa bị Iran "réo tên" khi nhắc đến thủ phạm đứng sau.

Tháng 1/2012, Mostafa Ahmadi Roshan - một sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật hóa học ở Iran - thiệt mạng do ô tô cá nhân bị gài bom. Iran tiếp tục đổ lỗi cho Israel và Mỹ về vụ việc và cho biết Roshan là một nhà khoa học hạt nhân, chuyên giám sát một bộ phận tại cơ sở làm giàu uranium chính của Iran ở thành phố Natanz.

10 năm sau, đại tá Hassan Sayyad Khodaei, thuộc IRGC, bị bắn 5 phát bên ngoài nhà riêng ở thủ đô Tehran. Thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của Iran Majid Mirahmadi cáo buộc Israel "thực hiện vụ ám sát".

Vụ ám sát chấn động nhất

Nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: Rudaw

Nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh. Ảnh: Rudaw

Gây chú ý nhất trong loạt vụ ám sát các nhà khoa học Iran là trường hợp của nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng Mohsen Fakhrizadeh - người được mệnh danh là "cha đẻ của chương trình vũ khí hạt nhân Iran".

Ngày 27/11/2020, ông Mohsen Fakhrizadeh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ thuộc Bộ Quốc phòng Iran - thức dậy như bao ngày bình thường khác. Theo thói quen, ông Fakhrizadeh dậy sớm để nghiên cứu triết học Hồi giáo trước khi bắt đầu ngày mới.

Chiều cùng ngày, ông Fakhrizadeh dự kiến cùng vợ rời căn nhà nghỉ dưỡng ở gần biển Caspian và lái xe về ngôi nhà ở Absard - một thị trấn thôn quê ở phía đông Tehran.

Cơ quan tình báo Iran đã cảnh báo nhà khoa học nổi tiếng về một âm mưu ám sát có thể xảy ra, nhưng ông Fakhrizadeh không để tâm.

Theo New York Times, Israel luôn tin ông Fakhrizadeh dẫn đầu nỗ lực chế tạo "bom hạt nhân của Iran" nên muốn ám sát nhà khoa học này trong hơn 1 thập kỷ. Khi có nhiều lời cảnh báo nhưng chưa có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra, ông Fakhrizadeh dường như không còn quá chú ý tới những lời cảnh báo đó nữa.

Dù là một nhà khoa học nổi bật trong giới quân sự Iran, ông Fakhrizadeh vẫn thích trải nghiệm cuộc sống đời thường. Bất chấp lời khuyên của đội ngũ an ninh, ông Fakhrizadeh thường lái xe riêng đến thị trấn Absard thay vì để vệ sĩ chở trên xe bọc thép. Đó là một sự vi phạm nghiêm trọng quy tắc an ninh và ông Fakhrizadeh phải trả giá đắt.

Chiều 27/11/2020, khi chở vợ về thị trấn Absard trên chiếc Nissan Teana, ông Fakhrizadeh rơi vào "cuộc phục kích" chết chóc.

Trước khi ông Fakhrizadeh tới điểm bị phục kích, một nhóm ám sát được cho là làm việc cho Viện Tình báo Israel (Mossad) đã đỗ một chiếc xe bán tải màu xanh lam bên con đường nối thị trấn Absard với cao tốc chính. Vị trí đó ở độ cao đủ để thấy các phương tiện đang đến gần. Ẩn bên dưới tấm bạt và vật liệu xây dựng trên sàn của thùng xe bán tải là một khẩu súng máy cỡ nòng 7,62 mm.

Khoảng 13h, nhóm ám sát nhận được tin báo ông Fakhrizadeh cùng vợ và một đội bảo vệ có vũ trang trên xe hộ tống chuẩn bị khởi hành từ thành phố Rostamkala, gần biển Caspian, để đến thị trấn Absard. 

Một tay bắn tỉa lão luyện vào vị trí, điều chỉnh ống ngắm của súng, lên đạn và sẵn sàng nổ súng, New York Times đưa tin. Nhưng sát thủ này không có mặt trên chiếc xe bán tải màu xanh lam. Người này sử dụng máy tính điều khiển từ xa ở một địa điểm bí mật cách thị trấn Absard khoảng 1.600 km.

Con đường xảy ra vụ ám sát ông Fakhrizadeh. Ảnh đồ họa: New York Times

Con đường xảy ra vụ ám sát ông Fakhrizadeh. Ảnh đồ họa: New York Times

Khi đoàn xe rời Rostamkala, chiếc đi đầu tiên chở một nhân viên an ninh. Theo sau là chiếc Nissan màu đen của ông Fakhrizadeh. Đi sau chiếc Nissan là 2 xe hộ tống khác.

Khoảng 15h30, đoàn hộ tống xe của ông Fakhrizadeh đến ngã rẽ hình chữ U trên đường Firuzkouh. Xe của ông Fakhrizadeh gần như dừng lại khi đi qua đây. Tại đó, có một chiếc xe gắn camera của nhóm ám sát. Từ camera của chiếc xe này, nhóm ám sát xác định rõ vị trí của ông Fakhrizadeh và vợ ông trên ô tô.

Đoàn xe sau đó rẽ phải vào đại lộ Imam Khomeini. Chiếc xe dẫn đầu đã phóng thẳng tới ngôi nhà của vợ chồng ông Fakhrizadeh để kiểm tra an toàn trước khi họ tới. Chính điều đó đã khiến phía trước xe của nhà khoa học Iran không có lực lượng bảo vệ.

Tiếp đó, đoàn xe đi chậm lại do phát hiện chiếc xe bán tải màu xanh lam đỗ bên vệ đường. Khi một con chó hoang bất ngờ chạy qua đường, loạt đạn từ súng máy được bắn ra, trúng vào phần đầu xe của ông Fakhrizadeh. Chưa rõ lúc đó nhà khoa học Iran có bị trúng đạn hay không, nhưng chiếc ô tô đã đổi hướng và dừng lại.

Kẻ ám sát điều chỉnh tầm ngắm và bắn một loạt đạn khác, trúng kính chắn gió của ô tô 3 lần và trúng vai của ông Fakhrizadeh ít nhất một lần. Ông Fakhrizadeh ra khỏi xe, cúi người ẩn sau cánh cửa trước của ô tô.

Theo hãng tin Fars News của Iran, ông Fakhrizadeh bị trúng thêm 3 viên đạn vào xương sống và gục xuống đường.

Hamed Asghari là vệ sĩ đầu tiên tiếp cận chiếc ô tô của ông Fakhrizadeh. Vệ sĩ này nhìn quanh để tìm kẻ ám sát nhưng gần như không phát hiện ra điều gì. 

Bà Ghasemi, vợ của ông Fakhrizadeh, chạy đến bên chồng. "Chúng muốn giết tôi, bà phải rời đi ngay" - đó là những lời cuối cùng ông Fakhrizadeh nói với vợ trước khi chết, theo chia sẻ của các con trai nhà khoa học.

Hiện trường vụ tấn công khiến ông Fakhrizadeh thiệt mạng ngày 27/11/2020. Ảnh: Reuters

Hiện trường vụ tấn công khiến ông Fakhrizadeh thiệt mạng ngày 27/11/2020. Ảnh: Reuters

Sau đó, chiếc xe bán tải nổ tung. Theo New York Times, có một điều không theo kế hoạch của nhóm ám sát. Vụ nổ nhằm mục đích phá nát mọi thứ để Iran không thể biết chuyện gì đã xảy ra. Tuy nhiên, khẩu súng máy về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn.

Theo Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), vụ ám sát được thực hiện bằng súng máy điều khiển từ xa, có trang bị hệ thống vệ tinh thông minh và trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, độ chính xác của nó là không phải bàn cãi. 

Toàn bộ vụ ám sát diễn ra trong chưa đầy một phút. Khoảng 15 viên đạn đã được bắn ra. Các nhà điều tra Iran lưu ý, không có viên đạn nào bắn trúng vợ của ông Fakhrizadeh, người ngồi cạnh chồng lúc vụ ám sát xảy ra.

"Đây không phải là một vụ tấn công khủng bố đơn giản theo kiểu kẻ khủng bố xuất hiện và nổ súng. Vụ ám sát bố tôi phức tạp hơn nhiều so với những gì mọi người biết", Hamed, con trai nhà khoa học Fakhrizadeh, nói sau vụ việc.

Iran đáp trả các vụ ám sát như thế nào?

Sau loạt vụ các nhà khoa học bị ám sát, Iran luôn cáo buộc Israel và Mỹ đứng sau. Phản ứng của Tehran sau mỗi vụ việc đều là có động thái đáp trả nhưng hầu hết là vào các vị trí quân sự của Israel và Mỹ ở nước ngoài. Ngoại trừ cuộc tấn công gần nhất vào tối 13/4/2024.

Theo Reuters, do không muốn leo thang căng thẳng dẫn đến xung đột trực tiếp, toàn diện với Israel và Mỹ, ngoài đáp trả trực tiếp, Iran lựa chọn phương án đáp trả "gián tiếp", bằng cách hỗ trợ các lực lượng uỷ nhiệm thù địch với Israel ở Lebanon, Yemen, Iraq và Syria (Trục Kháng chiến), đồng thời phản đối các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ của Israel với các nước Ả Rập.

Hezbollah ở Lebanon

Theo Reuters, Hezbollah được IRGC hỗ trợ thành lập đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 với mục đích đối phó quân đội Israel khi đó đã chiếm nhiều khu vực ở Lebanon trong cuộc chiến tranh Lebanon 1982.

Nhóm vũ trang này, cũng giữ vai trò chính trị lớn, có cùng hệ tư tưởng Hồi giáo dòng Shiite như người Iran và còn được xem là quyền lực hơn nhà nước Lebanon.

Hezbollah từng là hình mẫu cho nhiều nhóm ủy nhiệm khác của Iran trong khu vực. Thậm chí, nhóm này còn cố vấn và huấn luyện cho một số nhóm vũ trang khác. Mỹ và một số nước khác đưa Hezbollah vào danh sách tổ chức khủng bố.

Kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10/2023, Hezbollah gần như ngày nào cũng mở các đợt tấn công vào một số mục tiêu Israel ở khu vực biên giới Israel-Lebanon, gây ra các cuộc đọ súng dữ dội nhất giữa 2 bên kể từ cuộc chiến tranh Lebanon năm 2006. 

Lực lượng Houthi ở Yemen

Thành viên lực lượng Houthi ở Yemen. Ảnh: Reuters

Thành viên lực lượng Houthi ở Yemen. Ảnh: Reuters

Lực lượng Houthi thiết lập quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Yemen trong cuộc nội chiến năm 2014, sau khi lật đổ chính phủ Yemen do Ả Rập Saudi (đối thủ của Iran) hỗ trợ. Houthi gồm các thành viên thuộc trường phái Zaydi của Hồi giáo dòng Shiite (chiếm phần lớn ở Iran) và được cho là được Iran hỗ trợ để đối phó Israel.

Ngày 31/10/2023, Houthi tuyên bố can thiệp vào xung đột Israel-Hamas bằng cách phóng UAV và tên lửa về phía Israel.

Tháng 11/2023, lực lượng này mở rộng vai trò bằng cách tấn công tàu bè có liên kết với Israel khi các tàu này di chuyển qua Biển Đỏ.

Sau các động thái của Houthi, Mỹ và Anh đã tập kích nhằm vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Đáp trả, Houthi tuyên bố, toàn bộ tàu thuyền và tàu chiến của Mỹ, Anh tham gia các đợt tập kích vào Yemen sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Houthi.

Mỹ cáo buộc IRGC đã giúp Houthi lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa. Tehran bác bỏ cáo buộc này. Houthi cũng bác bỏ sự liên quan đến Iran và Hezbollah.

Liên minh do Ả Rập Saudi dẫn đầu từ lâu cáo buộc Iran trang bị vũ khí, huấn luyện và tài trợ cho Houthi. Nhiều lần, Houthi phủ nhận việc nhóm này là nhóm ủy nhiệm của Iran.

Các nhóm vũ trang Hồi giáo Shiite ở Iraq

Một số nhóm vũ trang theo dòng Shiite ở Iraq có quan hệ với Iran đã nổi lên như những thế lực chính ở Iraq sau chiến tranh Iraq 2003. Các nhóm này phát triển lực lượng dân quân vũ trang với hàng chục nghìn tay súng.

Islamic Resistance, một nhóm vũ trang Hồi giáo Shiite ở Iraq, bắt đầu nhắm mục tiêu vào các lực lượng Mỹ đóng quân ở Iraq và Syria từ tháng 10/2023. Nhóm này tuyên bố, các vụ tấn công nhằm đáp trả việc Israel tấn công vào dải Gaza và đáp trả lực lượng Mỹ triển khai ở Iraq và Trung Đông.

Các vụ tấn công của Islamic Resistance dừng lại, sau khi một cuộc tấn công bằng UAV khiến 3 binh sĩ Mỹ ở Jordan vào ngày 28/1/2024 dẫn đến các cuộc không kích trả đũa lớn của Washington nhằm vào các mục tiêu liên quan đến Iran ở Syria và Iraq.

Vào tháng 2, Reuters đưa tin, người đứng đầu lực lượng Quds của Iran đã đề nghị các nhóm vũ trang Hồi giáo Shiite ở Iraq dừng tấn công để Mỹ dừng tấn công phá hủy cơ sở hạ tầng hoặc nhằm vào các chỉ huy cấp cao của Iran ở nước ngoài.

Syria

Theo Reuters, chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad là một phần của "Trục Kháng chiến" nhưng không đóng bất cứ vai trò trực tiếp nào trong cuộc xung đột Israel - Hamas.

Tuy nhiên, lãnh thổ Syria là một đấu trường của sự leo thang. Cụ thể, Syria là nơi xảy ra các vụ tấn công của lực lượng do Iran hậu thuẫn nhằm vào quân đội Mỹ đồn trú ở phái đông và các cuộc không kích của Israel ở Syria nhằm vào nhân viên Iran cũng như thành viên lực lượng Hezbollah. Ngoài ra, Syria còn chứng kiến các cuộc đấu hỏa lực giữa quân đội Israel (kiểm soát cao nguyên Golan) và các nhóm vũ trang ở tây nam Syria.

Theo Reuters, chính phủ Syria trong nhiều thập kỷ là đồng minh thân cận của Iran và các nhóm do Iran hậu thuẫn ở Syria kể từ cuộc nội chiến Syria. Tehran và Damascus tuyên bố, quân đội Iran hiện diện ở Syria với vai trò cố vấn theo lời mời của chính phủ Syria.

Iran gay gắt khi Israel và các nước Ả Rập "làm lành"

Theo trang Radio Liberty, năm 2020, Iran đã phản ứng giận dữ trước quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Tổng thống Iran khi đó là Hassan Rohani chỉ trích động thái của UAE, đồng thời cảnh bảo nước này về việc cho phép "kẻ thù không đội trời chung" của Iran là Israel "có chỗ đứng vững chắc trong khu vực".

Tham mưu trưởng quân đội Iran Mohammad Bagheri cho rằng cách ứng xử của Iran với UAE sẽ thay đổi vì động thái của quốc gia Ả Rập.

Sau khi Hamas thực hiện cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10/2023, Yahya Rahim Safavi, cố vấn quân sự hàng đầu của Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố, Iran ủng hộ cuộc tấn công của Hamas, đồng thời sẽ tiếp tục ủng hộ lực lượng này.

Theo tờ Politico, bình luận của ông Safavi được coi là một tín hiệu cảnh báo với Ả Rập Saudi (đối thủ lâu đời của Iran), rằng Tehran sẵn sàng khuấy động xung đột khu vực để ngăn việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Saudi.

----------------------------

Trong nhiều thập kỷ, một cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới đã tìm cách ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng trớ trêu thay, nền móng hạt nhân của Tehran lại do chính cường quốc hạt nhân này cung cấp theo một quan điểm "kỳ lạ" của giới lãnh đạo khi đó. Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo, đăng lúc 11h15 ngày 19/4 để tìm hiểu sâu hơn.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Nguồn: [Link nguồn]

Với việc Iran đe dọa triển khai "vũ khí chưa từng sử dụng trước đây" để tấn công Israel, câu hỏi về vũ khí hạt nhân đang đè nặng lên Trung Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Các cuộc đối đầu giữa Iran và Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN