Người bạch tạng bị săn ở châu Phi: Suốt đời nơm nớp

Sợ bị chặt tay chân và giết hại dã man, nhiều người bạch tạng ở châu Phi không dám ra đường.

Người bạch tạng bị săn ở châu Phi: Suốt đời nơm nớp - 1

Người bạch tạng luôn sống trong hiểm nguy ở châu Phi

Tại nhiều quốc gia châu Phi, người bạch tạng đang bị săn lùng và giết hại dã man vì bộ phận cơ thể của họ được cho là có tác dụng ma thuật. Người bạch tạng do đó luôn sống trong sợ hãi, không biết đến bao giờ nạn săn người man rợ này mới thực sự chấm dứt.

Giống như nhiều bé gái 14 tuổi khác ở Tanzania, Joyce Charles thích chơi với bạn bè, đi học và xem TV. Nhưng Joyce bị bạch tạng, một loại bệnh khiến em mất sắc tố ở da, tóc và mắt. Em nổi bật giữa đám bạn da đen, và điều này khiến em gặp nhiều nguy hiểm.

Tại Tanzania cũng như nhiều quốc gia ở vùng châu Phi hạ Sahara, cơ thể của người bạch tạng được cho là có sức mạnh ma thuật, mang lại may mắn và giàu có. Điều này khiến họ trở thành mục tiêu. Kẻ tấn công bán bộ phận cơ thể của người bạch tạng cho các phù thủy để lấy tiền.

Joyce suýt nữa đã trở thành nạn nhân.

Người bạch tạng bị săn ở châu Phi: Suốt đời nơm nớp - 2

Tại Tanzania cũng như nhiều quốc gia ở vùng châu Phi hạ Sahara, cơ thể của người bạch tạng được cho là có sức mạnh ma thuật, mang lại may mắn và giàu có

Năm 2008, khi đang trên đường đi học, Joyce bị những kẻ săn người phát hiện. Joyce kể: "Hai người đàn ông đi xe đạp đi qua. Tôi nghe thấy họ nói: "Khi mày bắt cô ta, mày sẽ giàu to".

"Vài phút sau, một người đàn ông bỗng đứng cạnh tôi và hỏi tôi có biết hai người đàn ông ở đối diện không. Tôi nói không, và anh ta bảo với tôi hãy cẩn thận vì hai người đàn ông kia đang chỉ trỏ về phía tôi”.

Sợ hãi, Joyce chạy về nhà và và không đến trường trường ngày hôm đó, theo ABC News.

"Tôi rất sợ vì nghe nhiều chuyện người bạch tạng bị giết", Joyce nói. "Khi thấy hai người đàn ông chỉ về phía mình, tôi sợ điều đó cũng xảy ra với tôi."

Sống trong sợ hãi

Không có số liệu chính thức về những người bạch tạng bị giết hại tại châu Phi, nhưng tại Malawi, ít nhất 18 người đã bị giết từ tháng 11.2014 đến tháng 5.2016. Các vụ giết người man rợ khiến nạn nhân bị chặt tay, chân, thậm chí lột xương.

Tháng đẫm máu nhất năm ngoái là tháng 4, khi có tới bốn người bạch tạng bị giết hại, bao gồm cả một em bé sơ sinh.

Người bạch tạng bị săn ở châu Phi: Suốt đời nơm nớp - 3

Trẻ em bạch tạng chơi đùa

Một trong số các nạn nhân là Davis Fletcher Machinjiri, 17 tuổi, rời khỏi nhà để đi xem bóng bóng đá nhưng không bao giờ trở lại.

Cảnh sát Malawi nói rằng em bị bắt cóc bởi khoảng 4 người. Họ bán em sang nước láng giềng Mozambique và giết em. Miêu tả cái chết khủng khiếp của Machinjiri, cảnh sát nói: "Những người đàn ông đã chặt tay, chân và lấy xương của em. Sau đó, họ chôn phần còn lại của cơ thể em trong một ngôi mộ nông."

Trước những vụ giết người man rợ liên tiếp xảy ra, Joyce cũng như những người bạch tạng khác ở châu Phi không có cách nào khác ngoài cẩn trọng hơn. Cuộc sống của họ bị đảo lộn.

Sau sự việc xảy ra trên đường đi học, mẹ của Joyce, bà Yustina Mloka Charles, tuyên bố con gái mình không được phép đi ra ngoài khu phố của họ mà không có người lớn đi kèm. Còn chị gái của Joyce sẽ chịu trách nhiệm đưa em đến trường.

"Trước đó, tôi không hề lo lắng", người mẹ nói. "Nhưng kể từ ngày hôm đó, tôi sợ chúng sẽ bắt được con tôi, ngay cả khi nó chạy trốn. Do vậy, chúng tôi rất thận trọng".

Người bạch tạng bị săn ở châu Phi: Suốt đời nơm nớp - 4

Các bà mẹ gặp nhiều khó khăn khi có con bạch tạng

Một người mẹ khác tên Agness Jonathan cũng rất lo sợ về tính mạng của đứa con gái bạch tạng.  Nếu không phải có người địa phương giúp, con gái út Chakuputsa của Agness có lẽ đã trở thành nạn nhân.

Theo CNN, bé Chakuputsa bị ba người đàn ông bắt khi mẹ Agness đang làm việc ngoài đồng. Dân làng đuổi theo những tên săn người cho đến khi chúng vứt đứa trẻ vào trong bụi cây. Sau sự việc, mẹ Agness thậm chí còn không biết có nên tiếp tục cho con đi học hay không.

Người lớn cũng sống trong hoảng loạn. Một nữ giáo viên bạch tạng tên Clement Gweza, 24 tuổi, từng nói với CNN rằng: “Tôi sợ lắm. Nếu tôi là người tiếp theo thì sao? Tôi không thể sống như trước kia được nữa”.

Người bạch tạng bị săn ở châu Phi: Suốt đời nơm nớp - 5

Người lớn cũng sống trong hoảng loạn

Sự sợ hãi cũng khiến nhiều người không dám trở về quê hương. Emmanuel Manyashi là một học sinh 13 tuổi ở thành phố Mwanza, Tanzania. Không giống như các bạn học, trong các dịp nghỉ lễ, em không dám về nhà vì sợ bị giết.

Chị gái của em bị giết vào năm 2008 ở quê nhà Lake Zone và điều này khiến em quyết định sẽ không liều lĩnh về nhà mặc dù rất nhớ bố mẹ.

“Tại trường có an ninh thắt chặt với cảnh sát vũ trang canh chừng mọi lúc mọi nơi”, em nói với The Citizen

Phân biệt đối xử nặng nề

Không chỉ là đối tượng dễ bị tổn thương bởi những kẻ săn lùng, người bạch tạng cũng bị xã hội phân biệt đối xử ở châu Phi. Họ bị bạn bè, hàng xóm và người xung quanh xa lánh. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, người bạch tạng rất khó kết bạn hay tìm vợ/chồng. Những bà mẹ đẻ ra con bạch tạng bị kì thị và nhiều ông bố không nhận con bạch tạng.

Nombuso Cele, một người đàn ông bạch tạng kể lại: “Hồi học tiểu học, các bạn tránh xa tôi vì tôi khác họ và điều đó ảnh hưởng đến sự tự tin của tôi. Tôi bị gọi bằng nhiều cái tên như xấu xa hay thằng kỳ quái da trắng”.

Người bạch tạng bị săn ở châu Phi: Suốt đời nơm nớp - 6

Người bạch tạng cũng bị xã hội phân biệt đối xử ở châu Phi

Ngoài ra, người bạch tạng thường bị xúc phạm với những tên gọi như “hồn ma”, “thằng da trắng nghèo”, hay “thằng da trắng rởm”, theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Martha là một phụ nữ 20 tuổi bạch tạng và là nạn nhân tiêu biểu của phân biệt đối xử. Chồng đã rời bỏ cô sau khi bị bạn bè chế giễu vì yêu người bạch tạng. Cô tin anh ta thực sự yêu cô nhưng không chịu nổi áp lực từ bạn bè và gia đình.

Sự giúp đỡ

Trong một số trường hợp may mắn, người bạch tạng châu Phi nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài. Một số nạn nhân sống sót đã được đưa đến Mỹ để lắp chân tay giả nhằm bắt đầu cuộc sống mới, theo New York Post.

Baraka Cosmas Lusambo, 8 tuổi, bị những kẻ săn lùng chặt tay phải ở Tanzania. Baraka và 4 em nhỏ bạch tạng khác nhận được sự trợ giúp của tổ chức từ thiện Global Medical Relief Fund, sáng lập bởi cô Elissa Montanti. Các em được đưa đến Mỹ năm 2015 để ghép chân tay giả.

"Các em sẽ không có lại cánh tay cũ", Montanti nói. "Nhưng các em sẽ nhận được thứ giúp các em sống một cuộc sống có ích và trở thành một phần của xã hội, không bị coi như là một kẻ kì dị".

Sau khi lắp được chân tay mới, các em sẽ trở về khu nhà an toàn ở Tanzania, được xây bởi tổ chức Under the Same Sun.

Người bạch tạng bị săn ở châu Phi: Suốt đời nơm nớp - 7

Trẻ bạch tạng được đến Mỹ lắp tay giả

Không ngừng ước mơ

Đối mặt với nhiều khó khăn áp lực, mong ước của người bạch tạng rất giản đơn. Các em nhỏ dường như chỉ muốn được chơi đùa và đến trường như bao bạn nhỏ khác. Người lớn thì thực sự hy vọng các quan điểm mê tín về người bạch tạng sẽ được loại bỏ.

“Những niềm tin sai trái về người bạch tạng cần được chấm dứt”, Nombuso Cele nói.

Hay như cô bé Joyce 14 tuổi, người bị hạn chế ra ngoài nhưng vẫn có một ước mơ cháy bỏng. Joyce muốn trở thành bác sĩ khi lớn lên, và nói rằng bệnh bạch tạng sẽ không ngăn cản em làm điều đó.

“Em muốn giúp tất cả kiểu người, bạch tạng hoặc không”, em nói.

Những người sinh ra đã bị săn lùng chặt tay chân ở châu Phi

10 ngày sau khi một bé gái 25 tháng tuổi bị bắt cóc ở Malawi, gia đình em tìm được những mảnh sọ, răng, xương và quần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà My - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN