Mỹ - Ấn hợp tác kiềm chế Trung Quốc
Trong quá khứ, quan hệ Washington - New Delhi vốn không mấy suôn sẻ nhưng các động thái gần đây của Bắc Kinh đã đẩy họ đến gần nhau hơn
Trong các cuộc hội đàm riêng biệt với Thủ tướng Narendra Modi và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ở thủ đô New Delhi hôm 28-7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thảo luận nhiều vấn đề quan tâm chung, bao gồm tình hình an ninh Afghanistan và nỗi lo liên quan đến Trung Quốc.
Theo AP, trong chuyến công du Ấn Độ chính thức đầu tiên kể từ khi gia nhập nội các chính quyền Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Blinken đã cùng Thủ tướng Modi và Bộ trưởng Ngoại giao Jaishankar bàn bạc giải pháp củng cố quan hệ song phương, tăng cường hoạt động để bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Hai phía còn thảo luận khả năng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh QUAD (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) vào cuối năm nay. Đây được xem là một phần trong kế hoạch nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng kinh tế và quân sự gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (trái) hội đàm cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 28-7 ở thủ đô New Delhi - Ấn Độ Ảnh: REUTERS
Về tình hình an ninh ngày một xấu đi ở Afghanistan - nơi phong trào Taliban đang nhanh chóng mở rộng lãnh thổ kiểm soát, Ngoại trưởng Blinken kêu gọi Ấn Độ hỗ trợ ổn định Afghanistan sau khi Mỹ rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi quốc gia này vào cuối tháng 8, chính thức chấm dứt sứ mệnh quân sự gần 20 năm, bất chấp ý định của Taliban về việc lật đổ chính phủ Afghanistan. Thủ tướng Modi và Bộ trưởng Ngoại giao Jaishankar đã thể hiện sự quan ngại đối với tốc độ mở rộng lãnh thổ kiểm soát của Taliban ở Afghanistan, đồng thời kêu gọi Washington tăng cường ủng hộ New Delhi trong xung đột biên giới với Bắc Kinh.
Trong quá khứ, quan hệ Washington - New Delhi vốn không mấy suôn sẻ nhưng các động thái gần đây của Bắc Kinh đã đẩy họ đến gần nhau hơn, đặc biệt là kể từ sau các cuộc đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya vào năm ngoái.
Chuyên gia Harsh V. Pant của Tổ chức Nghiên cứu các nhà quan sát (ORF - Ấn Độ) nhận định: "Chúng ta đã thấy Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Ấn Độ vào đầu năm nay, chúng ta đã thấy Tổng thống Joe Biden họp trực tuyến với lãnh đạo các nước QUAD vào đầu nhiệm kỳ. Bây giờ, chúng ta lại thấy Ngoại trưởng Blinken viếng thăm Ấn Độ. Đây là một thông điệp mạnh mẽ về quan hệ Mỹ - Ấn, cũng như về việc Mỹ xem Ấn Độ là đối tác quan trọng như thế nào" - ông Pant nói thêm.
Trong khi đó, theo đài NDTV, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 28-7 đã khẳng định với Taliban rằng phong trào này nhiều khả năng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải hòa bình và tái thiết ở Afghanistan. Cũng trong cuộc hội đàm với phái đoàn Taliban tại TP Thiên Tân - Trung Quốc, Bộ trưởng Vương hy vọng Taliban sẽ gây sức ép lên Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, bởi đây là "một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia Trung Quốc", ám chỉ đến nhóm mà Bắc Kinh khẳng định là đang hoạt động mạnh mẽ tại khu tự trị Tân Cương và vùng viễn Tây của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Hà Nội Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chiều 28-7 đã tới Hà Hội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong 2 ngày 28 và 29-7. Việt Nam là một điểm đến trong chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của Bộ trưởng Austin, với hai nước còn lại là Singapore và Philippines. Ông Austin là thành viên nội các đầu tiên trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đến Đông Nam Á và Việt Nam. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, chuyến thăm tiếp tục góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước, triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã ký giữa hai Bộ Quốc phòng và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần vào khuôn khổ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ 2014 - 2018, cho rằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Austin chọn thăm Việt Nam ngay chuyến đi đầu tiên tới khu vực là điều có ý nghĩa, cho thấy nước Mỹ thời chính quyền Tổng thống Joe Biden coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hai nước, cả ở tầm song phương và khu vực. D.Ngọc |
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc không đủ tiềm lực kinh tế để duy trì cùng lúc nhiều mặt trận quân sự. Đây là điểm yếu sẽ bị đối thủ...