Một trật tự mới nhen nhóm trong lòng EU

Nhờ đợt mở rộng lịch sử về phía Đông cách đây 2 thập kỷ, Liên minh châu Âu (EU) vươn mình trở thành một thực thể chính trị, kinh tế và văn hóa rộng lớn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, bối cảnh địa chính trị thay đổi đang tạo ra những xáo trộn lớn, đẩy EU vào nguy cơ tuột mất những giá trị then chốt.

Vươn mình sau “vụ nổ Big Bang”

Cách đây tròn 20 năm, tháng 5/2004, EU thực hiện đợt mở rộng lớn nhất trong lịch sử liên minh kể từ khi thành lập năm 1993 với việc kết nạp đồng thời 10 thành viên mới là Cộng hòa Cyprus, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Slovakia và Slovenia, đưa EU từ 15 thành viên lên 25 thành viên, tăng 20% dân số và lãnh thổ. Ngoại trừ 2 quốc đảo Địa Trung Hải là Cyprus và Malta, các nước còn lại trong đợt mở rộng được ví như “vụ nổ Big Bang” đó là các quốc gia Đông Âu, trong đó 3 nước từng thuộc Liên Xô trước đây.

Cảm hứng từ sự kiện đó đã dẫn đến việc Bulgaria, Romania và Croatia lần lượt gia nhập EU trong khoảng 10 năm tiếp theo. Trải qua 2 thập kỷ kể từ thời khắc lịch sử, EU hiện nay có 27 quốc gia thành viên, do Anh rời đi sau cuộc bỏ phiếu Brexit vào năm 2016.

Liên minh châu Âu tổ chức lễ thượng cờ 10 quốc gia mới kết nạp, ngày 3/5/2004.

Liên minh châu Âu tổ chức lễ thượng cờ 10 quốc gia mới kết nạp, ngày 3/5/2004.

Có thể nói, sự xuất hiện của cùng lúc 10 thành viên mới giúp EU thống nhất được tiếng nói trên khắp lục địa châu Âu, trở thành thực thể chính trị, kinh tế và văn hóa có quy mô hàng đầu thế giới. Dựa trên nền tảng là sự thịnh vượng của các nước sáng lập, EU theo đuổi hình mẫu của một liên minh với nền kinh tế chung rộng mở và đa dạng, hệ thống giáo dục hiệu quả, lực lượng lao động chất lượng cao, các viện nghiên cứu hàng đầu, cơ sở công nghiệp vững mạnh, phần lớn nền chính trị dân chủ ổn định, hệ thống cơ quan thực thi pháp luật đáng tin cậy.

Bất chấp thách thức từ những đợt suy thoái toàn cầu, nền kinh tế EU tăng trưởng 27% trong 20 năm qua. Trong đó, các quốc gia kết nạp năm 2004 phát triển mạnh mẽ hơn cả, với tiền lương thực tế từ 2004-2023 tăng gấp đôi, nghèo khó giảm một nửa. Quy mô kinh tế Ba Lan và Malta tăng 2 lần, còn Slovakia tăng trưởng 80%. Đến nay, 7 trong số 10 thành viên kết nạp năm 2004 sử dụng euro làm tiền tệ chính thức. Trong số 26 triệu việc làm mới được tạo ra ở EU 20 năm qua, 6 triệu việc là ở 10 quốc gia thành viên mới.

Việc kết nạp các quốc gia mới cũng tạo thêm nhiều cơ hội và thịnh vượng cho các quốc gia thành viên cũ. Xuất khẩu của Tây Ban Nha sang 10 nước này đã tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ. Thương mại hàng hóa của Italy với các nước này đã tăng 77% kể từ đó. Liên kết thương mại giữa Litva và Thụy Điển cũng tăng đáng kể. Trong vòng chưa đầy 2 thập niên, dòng chảy hàng hóa nội địa trong EU tăng gấp rưỡi...

Sự xuất hiện của các thành viên mới cũng tăng cường đáng kể vị thế của EU. Tuy không phải một quốc gia có chủ quyền, nhưng EU được coi là một “siêu cường” nhờ chính sách đối ngoại tương đối thống nhất giữa các thành viên. Trong nhóm G7, EU góp 3 thành viên (Pháp, Đức và Italy). Ngoài ra, EU còn là một thành viên đầy đủ của G20 bên cạnh 3 nước G7 nói trên. Trước khi Anh rời EU, khối có 2 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sự thống nhất của EU còn được củng cố thông qua việc phần lớn các nước EU cũng là thành viên khối quân sự NATO (23/27 thành viên). Trong số 10 quốc gia gia nhập NATO năm 2004, 8 nước là thành viên NATO, trong đó 7 nước gia nhập cùng năm 2004.

EU 2 thập kỷ qua đã để lại “dấu chân” trong nỗ lực tăng cường phòng thủ của châu Âu, cải thiện hợp tác với NATO, hay mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Á và châu Phi. The Guardian cho hay, EU hiện chiếm một nửa tổng số viện trợ toàn cầu, còn Ủy ban châu Âu (EC) là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. EU hiện dẫn đầu thế giới trong nỗ lực giảm phát thải và bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Trong lĩnh vực an ninh, các quốc gia thành viên đã hợp tác hiệu quả hơn để trấn áp tội phạm xuyên biên giới như buôn bán ma túy, rửa tiền và tội phạm trực tuyến nhờ các quy tắc chung, hợp tác hoạt động và sự hỗ trợ của EU. EU cũng rất nỗ lực tham gia giải quyết khủng hoảng Trung Đông, hạ nhiệt chương trình hạt nhân Iran, xử lý cuộc xung đột ở Ukraine, dù chưa gặt hái nhiều kết quả.

Trật tự trong EU xáo trộn

EU ban bố các chính sách theo quy tắc đồng thuận 100%, trong đó, những quyết sách chung sẽ có hiệu lực khi toàn bộ 27 thành viên thông qua. Global Europe mô tả, EU đảm bảo thực hiện các chính sách nhờ nguồn ngân sách do các thành viên đóng góp (năm 2023 là hơn 200 tỷ USD, gần bằng GDP Hungary). Các thành viên có đóng góp nhiều hơn, nền kinh tế lớn mạnh hơn có tiếng nói lớn hơn trong ban bố các chính sách của khối. 3 thập kỷ từ khi thành lập và 2 thập kỷ sau đợt mở rộng lịch sử, dễ nhận thấy Đức và Pháp, hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu, cũng là hai quốc gia có sức nặng lớn hơn hẳn trong việc định hình chính sách chung của EU. Khi lợi ích về kinh tế và chính trị được thảo luận, đảm bảo, các nước EU cho thấy họ dễ thỏa hiệp hơn trong việc ứng xử các vấn đề chung phát sinh.

Tuy nhiên, trật tự đó có dấu hiệu lung lay trong bối cảnh EU đang đối mặt ngày càng nhiều thách thức hơn đến từ bối cảnh địa chính trị thay đổi và sự chênh lệch về kinh tế, trình độ phát triển giữa các thành viên cũ - mới. Sự lộn xộn đó bộc lộ rõ khi COVID-19 xuất hiện: các nước thành viên hạ thấp vai trò thị trường chung EU, áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vật dụng y tế, thậm chí đóng cửa biên giới. Trong danh sách các quốc gia làm như vậy bao gồm Đức, quốc gia chiếm 1/4 tổng kinh tế châu Âu. Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, bất đồng xung quanh cách thức ứng xử với Nga hay chuyện nông sản Ukraine tràn ngập thị trường châu Âu đã kéo theo những cuộc biểu tình rộng khắp, gây xáo trộn nhiều nước EU.

Khủng hoảng di cư là một trong những vấn đề gây chia rẽ EU trong nhiêu năm qua.

Khủng hoảng di cư là một trong những vấn đề gây chia rẽ EU trong nhiêu năm qua.

Theo New York Times, Đức tăng trưởng ổn định trong nhiều thập kỷ, nhưng khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra và Berlin lựa chọn từ bỏ nguồn năng lượng giá rẻ của Nga, nền kinh tế của họ lập tức gặp vấn đề. 2 năm qua, kinh tế Đức gần như không tăng trưởng, với tốc độ thấp nhất trong nhóm G7 và khu vực đồng tiền chung. Quý đầu năm 2024, kinh tế Đức giảm phát 0,2%. “Người chơi lớn” khác ở châu Âu là Pháp cũng đang đối mặt tình hình kinh tế không mấy khả quan khi thâm hụt ngân sách ở mức cao kỷ lục 5,5% tổng GDP, còn nợ công đã tăng lên mức 110% GDP.

Paris gần đây tuyên bố họ cần tiết kiệm hơn 22 tỷ USD trong năm tài khóa 2024 và 2025. Việc kinh tế Đức và Pháp trì trệ khiến tăng trưởng chung trong toàn EU sụt giảm, đồng thời khiến đóng góp của họ cho liên minh giảm xuống, làm suy giảm vị thế chính trị trong nội bộ EU của Paris và Berlin. Đó là chưa kể những bất đồng giữa Đức và Pháp về nhiều vấn đề.

Trái với xu thế đó, các nước Nam Âu như Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha lại gặt hái tốc độ tăng trưởng tốt hơn các thành viên còn lại trong liên minh. Chỉ 1 thập kỷ trước, họ là trung tâm cuộc khủng hoảng nợ của EU và phải dựa vào các gói cứu trợ từ các thành viên khác. Kinh tế tăng trưởng tốt, sự phụ thuộc giảm bớt, đóng góp tăng lên rõ ràng giúp họ có tiếng nói lớn hơn với EU, thậm chí thách thức vị thế cường quốc khu vực của Đức - Pháp. Nhóm 4 quốc gia nêu trên hiện chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, phong trào dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy tại nhiều quốc gia châu Âu cũng đã dẫn đến các chính sách ưu tiên lợi ích quốc gia hơn sự hội nhập và hợp tác châu Âu, dẫn đến nhiều chính sách hạn chế nhập cư và gia tăng căng thẳng giữa các nước. Một bộ phận không nhỏ người dân EU có tâm lý hoài nghi về lợi ích của EU và ủng hộ việc tăng cường quyền tự quyết của mỗi quốc gia thành viên, nhất là ở nhóm các nước mới Trung và Đông Âu (Hungary, Ba Lan...). Năm vừa qua, Hungary bị nhiều thành viên EU chỉ trích vì họ giữ lập trường phản đối trừng phạt Nga và không đồng tình với việc viện trợ quá lớn cho Ukraine, dẫn đến những tranh cãi về khả năng EU có thể chuyển cơ chế hoạt động từ quy tắc đồng thuận 100% sang quyết định đa số, tức loại trừ quyền phủ quyết của các quốc gia.

Sự bất đồng tăng lên có thể khiến làn sóng các thành viên lựa chọn ưu tiên chính sách quốc gia hơn là chính sách tập thể của EU bùng nổ, thậm chí dẫn đến việc các quốc gia thành viên EU rời đi như hành động của Anh với Brexit. Ngoài ra, nỗ lực của EU theo đuổi mục tiêu kết nạp các thành viên mới như Ukraine, Moldova, Serbia và Gruzia có thể dẫn đến leo thang căng thẳng với Nga và khoét sâu chia rẽ trong nội bộ liên minh.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan ngày 31/3 nêu quan điểm của quốc gia về khả năng Armenia gia nhập liên minh quân sự NATO.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Phùng ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN