Ma giáo trong lịch sử "ghê gớm" thế nào? Vì sao trong truyện Kim Dung ai gặp cũng đòi giết?

Trong kiếm hiệp Kim Dung, Ma giáo được miêu tả là môn phái lớn mạnh, đủ sức đối địch với toàn bộ võ lâm và hoạt động một cách rất bí ẩn. Các đời giáo chủ Ma giáo sở hữu võ công cao cường, thậm chí là vô địch thiên hạ, có thể kể đến là Trương Vô Kỵ và Đông Phương Bất Bại. Trong lịch sử Trung Quốc, sức ảnh hưởng của Ma giáo không chỉ dừng lại ở giang hồ mà còn liên quan đến sự tồn vong của cả một triều đại.

Trương Vô Kỵ - giáo chủ nổi tiếng nhất của Ma giáo trong truyện Kim Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Trương Vô Kỵ - giáo chủ nổi tiếng nhất của Ma giáo trong truyện Kim Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Ma giáo xuất hiện nhiều và được miêu tả cụ thể nhất trong tác phẩm Ỷ thiên đồ long ký của Kim Dung. Theo đó, Ma giáo (còn gọi là Minh giáo) có nguồn gốc từ Ba Tư, được truyền vào Trung Hoa vào thời Đường và có hàng vạn tín đồ.

Trương Vô Kỵ là giáo chủ nổi tiếng nhất của Ma giáo. Trong trận chiến trên đỉnh núi Quang Minh, Trương Vô Kỵ sử dụng bộ võ công Càn khôn đại na di, một mình đánh bại 6 đại môn phái. Sau khi giải cứu thành công các thủ lĩnh của Ma giáo, Trương Vô Kỵ được tôn làm giáo chủ đời thứ 34.

Trương Vô Kỵ đã giúp Ma giáo từ một giáo phái bị vu là “ma quỷ” khôi phục danh tiếng, trở thành thủ lĩnh của các cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyên. Đặc biệt, theo Ỷ thiên đồ long ký, Chu Nguyên Chương – hoàng đế sáng lập nhà Minh – cũng có xuất thân từ Ma giáo.

Trong Ỷ thiên đồ long ký viết: “Minh giáo xuất xứ từ nước Ba Tư, truyền vào Trung thổ thời Đường Võ Hậu (Võ Tắc Thiên). Thời đó có người Ba Tư tên Phí Đa Diên mang bộ Tam Tông kinh của Minh giáo đến Đường triều và bắt đầu truyền giáo. Tới năm Hội Xương thứ 3 (thời Đường Vũ Tông) thì triều đình ra lệnh giết giáo đồ. Minh giáo đi vào hoạt động bí mật”.

Ma giáo trong kiếm hiệp luôn đối địch với các môn phái lớn của võ lâm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Ma giáo trong kiếm hiệp luôn đối địch với các môn phái lớn của võ lâm (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo kiếm hiệp Kim Dung, Ma giáo tập hợp nhiều cao thủ võ lâm có tính tình cổ quái, không hành động theo lễ giáo thông thường mà có vẻ mờ ám, bí mật nên bị giới võ lâm chính phái kỳ thị. Thù oán giữa Ma giáo với võ lâm chính phái rất sâu đậm, kéo dài hàng trăm năm, mỗi lần gặp nhau đều xảy ra chém giết.

Tuy nhiên, trong các tiểu thuyết của Kim Dung, các nhân vật danh môn chính phái không hẳn toàn người tốt và người trong Ma giáo cũng không hẳn là xấu. Có những nhân vật chính phái nhưng càng về sau càng lộ tâm địa xấu xa, và có những nhân vật thuộc về Ma giáo nhưng trọng tình nghĩa.

Trong tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ, Ma giáo được gọi với một cái tên khác là Nhật nguyệt thần giáo (chữ “nhật” và chữ “nguyệt” trong Hán tự khi ghép lại với nhau sẽ tạo thành chữ “minh”). Dưới sự lãnh đạo của Đông Phương Bất Bại, thế lực của Ma giáo trở nên hùng mạnh nhưng không đi theo con đường chính nghĩa mà thường chèn ép các môn phái khác trong võ lâm. Lúc này, chỉ còn có Thiếu Lâm tự là được Ma giáo kiêng nể vài phần.

Nhiều đời giáo chủ Ma giáo xuất hiện trong truyện Kim Dung như Dương Đỉnh Thiên, Trương Vô Kỵ, Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại đều được miêu tả là sở hữu những tuyệt kỹ võ công cao cường, không hề “đụng hàng” với các môn phái khác. Các bộ võ công Ma giáo nổi tiếng nhất là Càn khôn đại na di, Quỳ hoa bảo điển và Hấp tinh đại pháp đều có xuất xứ từ bên ngoài Trung Hoa.

Ma giáo là giáo phái có thật trong lịch sử, truyền vào Trung Quốc từ thế kỷ thứ 3 SCN (ảnh: Kknews)

Ma giáo là giáo phái có thật trong lịch sử, truyền vào Trung Quốc từ thế kỷ thứ 3 SCN (ảnh: Kknews)

Người thường chỉ cần học được một môn tuyệt kỹ của Ma giáo là đã đủ xưng bá võ lâm. Tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc họ đã gia nhập “bàng môn tả đạo” và sẽ bị “danh môn chính phái” trong giang hồ coi thường, truy sát. Dù hiếm khi hành hiệp trượng nghĩa, Ma giáo vẫn gây ấn tượng và được nhiều độc giả yêu thích vì sự bí ẩn, cách “hành tẩu giang hồ” không theo chuẩn mực, không quan tâm miệng lưỡi thế gian.

Theo History, Ma giáo là tôn giáo có thật trong lịch sử Trung Quốc và xuất phát từ Mani giáo, do giáo chủ đầu tiên là Mani sáng lập vào thế kỷ thứ 3 SCN.

Mani (216 – 277), sinh ra trong một gia đình quý tộc ở đế quốc Ba Tư (Iran ngày nay). Năm 14 tuổi, Mani tuyên bố mình được Chúa trời giác ngộ và thành lập Mani vào năm 240. Mani giáo chia làm 5 cấp bậc bao gồm tông đồ, tín đồ, giám mục, trưởng lão và giáo chủ. Họ thường ăn chay, mặc đồ trắng và phải cầu nguyện 7 lần mỗi ngày.

Mani khi sáng lập Mani giáo từng phát lời thề là truyền bá giáo phái này đến mọi quốc gia, trở thành tôn giáo thế giới.

“Tôn giáo do ta sáng lập tốt hơn 10 lần so với bất kỳ tôn giáo nào khác từng tồn tại trong quá khứ. Các tôn giáo trước đây chỉ giới hạn ở một quốc gia với một ngôn ngữ. Tôn giáo của ta sẽ được phổ biến ở mọi quốc gia với bất kỳ ngôn ngữ nào. Cả phương Đông và phương Tây rồi sẽ nghe thấy tiếng nói từ các sứ giả của ta”, một bản kinh Mani được tìm thấy ở vùng Tulufan (Tân Cương, Trung Quốc) chép.

Mani giáo bị triều đình đàn áp, thẳng tay truy sát (ảnh: Xuehua)

Mani giáo bị triều đình đàn áp, thẳng tay truy sát (ảnh: Xuehua)

Học thuyết của Mani giáo cho rằng, khi thế giới mới hình thành, chỉ có bóng tối và ánh sáng. Bóng tối chứa đầy những điều xấu xa, tội ác, trong khi ánh sáng mang tới sự đẹp đẽ và hy vọng. Minh vương – thủ lĩnh của ánh sáng – và Ma vương – đại diện cho bóng tối – liên tục giao chiến với nhau. Minh vương cuối cùng giành được thắng lợi nhưng thế giới rồi sẽ đến ngày bị hủy diệt. Nhiệm vụ của Mani giáo là thờ phụng Minh vương, chờ đợi sự dẫn dắt của ngài đưa con người về với thế giới ánh sáng.

Cựu Đường thư (chính sử nhà Đường, Trung Quốc) chép, năm 694, một thương gia người Ba Tư đã tới Trung Hoa thông qua Con đường Tơ lụa và bắt đầu truyền bá các giáo lý của Mani giáo. Mani giáo được Võ Tắc Thiên – nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc – ủng hộ.

Năm 755, An Lộc Sơn dấy binh làm loạn, nhà Đường lâm nguy. Sau khi An Lộc Sơn chiếm thành Trường An, rồi cả Lạc Dương, Đường Huyền Tông phải nhờ tới sự giúp đỡ của nhiều bộ tộc thiểu số để chống đỡ, trong đó có Duy Ngô Nhĩ – những người rất sùng bái Mani giáo.

Năm 763, biến loạn An Lộc Sơn bị dẹp tan, để trả ơn người Duy Ngô Nhĩ, nhà Đường cho phép Mani giáo được mở rộng hoạt động, thu nhận tín đồ. Năm 806, Đường Hiến Tông cho phép Mani giáo lập chùa ở kinh thành Trường An, gọi là Đại Vân Quang Minh Tự.

Để có thể thu nhận được nhiều tín đồ, thủ lĩnh của Mani giáo cố ý diễn giải các bộ kinh của Phật giáo, Đạo giáo – 2 tôn giáo lớn ở Trung Hoa – theo hướng có lợi cho mình. Những tín đồ Mani giáo cho rằng Đức Phật, Lão tử và giáo chủ Mani của họ là 3 thể của một đấng sáng tạo duy nhất. Giáo chủ Mani được xưng tụng là “Quang Minh Mani Phật” và điều này khiến nhiều vị vua nhà Đường (vốn rất coi trọng Phật giáo, Đạo giáo) không hài lòng.

Đến năm 843, thế lực của người Duy Ngô Nhĩ đã suy giảm đáng kể, nhà Đường bắt đầu cấm truyền bá Mani giáo, gọi đây là “bàng môn tả đạo”. Nhiều đền chùa của Mani giáo bị phá hủy, kinh sách bị đốt và giáo đoàn bị bắt giữ, tàn sát. Để tránh tai vạ, những thủ lĩnh của Mani giáo quyết định đưa giáo phái vào hoạt động bí mật. Mani giáo sau đó cũng đổi tên thành Minh giáo, nhưng triều đình gọi là “Ma giáo”. Sự kiện này trong lịch sử gọi là “Hội Xương pháp nạn”.

Tượng “Quang Minh Mani Phật” của Mani giáo (ảnh: Sohu)

Tượng “Quang Minh Mani Phật” của Mani giáo (ảnh: Sohu)

Sau khi nhà Đường diệt vong (năm 907), Trung Quốc rơi vào thời kỳ Ngũ đại – Thập quốc cát cứ phân tranh đầy biến động. Minh giáo nhân cơ hội này mở rộng hoạt động, thành lập nhiều cơ sở thờ tự và đẩy mạnh thu nhận tín đồ. Theo Sohu, Minh giáo luôn có chỗ đứng vào thời điểm các triều đại Trung Quốc xảy ra biến cố, chiến tranh.

Giáo lý của Minh giáo chủ trương tuyên truyền việc “ánh sáng sẽ đánh bại bóng tối”, càng có nhiều tín đồ, thế lực ánh sáng sẽ càng mạnh, nên nhận được niềm tin của nhiều tầng lớp nhân dân – những người chịu hậu quả nặng nề nhất do chiến tranh, loạn lạc và luôn khao khát một thế giới mới tươi sáng hơn.

Đến thời nhà Tống, Minh giáo phát triển mạnh và có hàng vạn tín đồ. Tống sử chép, năm 1120, Phương Lạp người ở huyện Thanh Khê, Chiết Giang cùng thủ hạ nổi dậy chống triều đình. Phương Lạp tự xưng là “Thánh công” - thủ lĩnh của Minh giáo - và kêu gọi tín đồ khắp nơi vùng dậy khởi nghĩa.

“Quân Phương Lạp không dùng cung tên, giáo mác, không mặc áo giáp, chỉ dùng chuyện quỷ thần để mê hoặc lòng dân. Lúc đông nhất có tới hàng vạn người đi theo”, Tống sử chép.

Năm 1121, cuộc khởi nghĩa của Phương Lạp bị dẹp tan, Minh giáo bị nhà Tống đàn áp nhưng vẫn âm thầm hoạt động.

Cuối thời Nguyên, Minh giáo trở thành một trong những lực lượng chính chống đối triều đình. Theo Sohu, Chu Nguyên Chương – hoàng đế đầu tiên của nhà Minh – rất có thể từng là tín đồ của Minh giáo.

Tháng 1.1368, Chu Nguyên Chương đánh đuổi nhà Nguyên về Mông Cổ, lên ngôi hoàng đế, lấy quốc hiệu là Minh. Việc vì sao Chu Nguyên Chương gọi triều đại do mình sáng lập là Minh đến nay vẫn là điều bí ẩn trong lịch sử Trung Quốc.

Minh không phải vùng đất hay địa danh nào có liên quan đến Chu Nguyên Chương, không có nguồn gốc từ các triều đại trước, cũng không phải chức tước nào mà ông từng được phong.

Trong lịch sử Trung Quốc, chưa từng có ai lập căn cứ khởi nghĩa ở khu vực phía nam, đánh ngược ra bắc mà thành công như Chu Nguyên Chương. Thành công của Chu Nguyên Chương trong việc sáng lập nhà Minh là chưa từng có tiền lệ và tên gọi của triều đại này rất có thể liên quan tới một số đặc điểm riêng tư trong cuộc đời ông.

Hoàng đế Chu Nguyên Chương của nhà Minh bị nghi ngờ từng là tín đồ của Minh giáo (ảnh: Daytime)

Hoàng đế Chu Nguyên Chương của nhà Minh bị nghi ngờ từng là tín đồ của Minh giáo (ảnh: Daytime)

Nguyên sử chép, năm Chí Chính thứ 12 (1352), Chu Nguyên Chương gia nhập Hồng Cân quân (quân khăn đỏ) do Quách Tử Hưng lãnh đạo. Quân khăn đỏ vốn xuất phát từ sự liên minh giữa các tôn giáo chống nhà Nguyên thời bấy giờ như Minh giáo, Bạch Liên giáo và Di Lặc giáo.

Được sự tín nhiệm của Quách Tử Hưng, Chu Nguyên Chương trở thành phó soái của quân khăn đỏ. Sau khi Quách Tử Hưng chết, Chu Nguyên Chương lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống nhà Nguyên. Những tình tiết trong lịch sử này khiến giới nghiên cứu lịch sử ngờ rằng Chu Nguyên Chương là tín đồ của Minh giáo và quốc hiệu Minh do ông đặt ra có liên quan mật thiết đến giáo phái này.

Minh sử không chép việc Chu Nguyên Chương từng là tín đồ của Minh giáo nhưng ghi nhận rằng, sau khi lên ngôi hoàng đế, một trong những việc đầu tiên ông làm là tiêu diệt Minh giáo. Năm Hồng Vũ nguyên niên (1368), Chu Nguyên Chương ra lệnh cấm “dị giáo dân gian”, chủ trương công kích Minh giáo, đề cao Phật giáo và Nho giáo.

Theo The Paper, Chu Nguyên Chương rất có thể đã nhận ra sự nguy hiểm của một giáo phái lớn mạnh, hoạt động ngầm như Minh giáo nên quyết tâm thanh trừng. Khác với nhà Đường và Tống, cuộc đàn áp Minh giáo dưới sự chỉ huy của Chu Nguyên Chương diễn ra vô cùng gắt gao. Hàng nghìn tín đồ Minh giáo không chịu cải đạo đã bị giết hại. Đến cuối thời Minh, không còn ghi chép nào về sự xuất hiện của Minh giáo ở Trung Quốc.

Trong tiểu thuyết Ỷ thiên đồ long ký, Minh giáo cùng Thiếu Lâm, Cái Bang và Võ Đang là 4 môn phái mạnh nhất giang hồ.

Tuy nhiên, khác với 3 môn phái còn lại, Minh giáo chủ trương khởi nghĩa chống nhà Nguyên. Chu Nguyên Chương vì vậy chọn gia nhập Minh giáo, trở thành thuộc hạ đắc lực của Trương Vô Kỵ. Chu Nguyên Chương nhờ vào lực lượng của Minh giáo mà đánh đổ nhà Nguyên, sáng lập nhà Minh.

Theo Wenshigu, năm 1903, giáo sư A.Granweldel – chuyên gia thuộc Bảo tàng Nhân chủng học Berlin (Đức) – đã khai quật được một số lượng lớn bản kinh của Mani giáo ở Tân Cương, Trung Quốc.

Năm 1913, bức tượng “Quang Minh Mani Phật” được phát hiện ở tỉnh Phúc Kiến. Đây là bức tượng từng được các tín đồ Mani giáo thờ phụng duy nhất còn sót lại trên thế giới.

Năm 2009, hàng loạt di tích thờ tự, kinh sách của Mani giáo được phát hiện ở thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến. Đây là những bằng chứng rõ ràng nhất về sự xuất hiện và hoạt động mạnh mẽ của Mani giáo tại Trung Quốc.

Nguồn: [Link nguồn]

Trương Tam Phong trong lịch sử có xứng đáng là cao thủ mạnh nhất như trong lòng Kim Dung?

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Hong Kong Minh Báo năm 1994, khi được hỏi ai là nhân vật có võ công cao nhất trong các tiểu thuyết...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN