Lãnh thổ Guam của Mỹ chờ ‘lột xác’ về phòng thủ
Ông Brent Sadler, thành viên cấp cao về hải chiến và công nghệ tiên tiến tại Trung tâm Quốc phòng của Quỹ Di sản Mỹ, kêu gọi Washington tìm ra giải pháp tạm thời, có khả năng là sử dụng các tàu chiến cũ hơn. Theo ông, đảo Guam cần hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ đến tận năm 2028.
Nguy cơ xung đột
Lầu Năm Góc gần đây công bố kế hoạch tăng cường phòng thủ tên lửa trên đảo Guam vào năm 2028. Mặc dù quyết định này thể hiện sự tiến bộ, nhưng có một vấn đề: Lực lượng phòng thủ có thể đến quá muộn để bảo vệ hòn đảo khỏi các đối thủ tiềm tàng. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo rằng, nếu thu hồi Đài Loan (Trung Quốc), Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ tấn công lãnh thổ chiến lược quan trọng của Mỹ và Trung Quốc có thể ra tay trong vòng 5 năm tới.
Trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 3/2021, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiền nhiệm, đã làm chứng rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự vào năm 2027. Ngay sau đó, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện tại, Đô đốc John Aquilino, đánh giá khả năng đó là có thể xảy ra nhưng “không có một mốc thời gian cụ thể”. “Vấn đề này gần với chúng ta hơn nhiều so với suy nghĩ của hầu hết mọi người”, ông nói.
Trong một sự kiện công khai được tổ chức tại Quỹ Di sản hồi tháng 3/2022, ông Mike Pompeo, cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cựu Ngoại trưởng Mỹ, nhắc lại mối nguy hiểm đến từ Trung Quốc, đồng tình với nhận định của Đô đốc Davidson. Hiện nay, Mỹ cần một cách tiếp cận theo từng giai đoạn để củng cố khả năng phòng thủ của Guam, sử dụng các năng lực hiện có và nâng cấp chúng khi các khả năng mới xuất hiện.
Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp đang được nhóm quốc phòng của Tổng thống Mỹ Joe Biden theo đuổi. Thay vì bổ sung, nâng cấp hệ thống phòng thủ của Guam trong tương lai gần, họ quyết định trông chờ vào việc duy nhất một công ty cung cấp trang thiết bị phòng thủ mới cho hòn đảo vào khoảng năm 2028.
Ảnh chụp từ trên không Căn cứ Hải quân Mỹ ở Guam cho thấy một số tàu neo đậu ở cảng Apra, bao gồm các tàu thuộc Nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh. Ảnh: US Navy.
Hệ thống vũ khí Aegis
Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ có kế hoạch chủ yếu dựa vào hệ thống vũ khí Aegis (trái tim của hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia). Điều này thu hẹp các nhà cung cấp tiềm năng của hệ thống, khiến Lockheed Martin là công ty duy nhất có kinh nghiệm kỹ thuật với hệ thống cụ thể đó.
Có một vấn đề thực tế mà Lockheed Martin phải đối mặt là phải cung cấp hệ thống vũ khí Aegis đời mới để bảo vệ Guam vào năm 2027, khi nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự với Trung Quốc được cho là lớn nhất. Theo kế hoạch mới nhất, hãng dự kiến cung cấp một loạt vũ khí, cảm biến cố định và di động để có thể nâng phạm vi bao phủ 360 độ cần thiết cho hòn đảo.
Sau khi thành hiện thực, kế hoạch sẽ bổ sung 42 bệ phóng di động sử dụng tên lửa đánh chặn (SM-3 và SM-6) với hệ thống phòng thủ tên lửa của lục quân Mỹ (hệ thống THAAD và Patriot) để chống lại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và tên lửa không đối đất đang bay tới.
Phải đến năm ngoái mới xuất hiện nỗ lực phối hợp tích hợp các hệ thống của lục quân và hải quân Mỹ trong việc phòng thủ Guam. Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa, Phó đô đốc Jon Hill, nói rằng sự phối hợp này với sự thiết lập trung tâm chỉ huy liên quan sẽ có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, không có đề xuất cụ thể về việc củng cố khả năng phòng thủ tên lửa hiện tại của Guam.
Các hệ thống phòng thủ đó bao gồm sự kết hợp phi tập trung giữa hệ thống THAAD của lục quân và các tàu tuần dương và tàu khu trục có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của hải quân. Với số lượng tàu hạn chế của hải quân, việc giải phóng các tàu đó để tuần tra chống tàu ngầm và phòng không cho các nhóm tác chiến tàu sân bay từ lâu đã được ưu tiên. Đây là một nhiệm vụ ngày càng tăng đối với các tàu khu trục khi các tàu tuần dương lớp Ticonderoga già cỗi nghỉ hưu.
Điều thú vị là những chiếc tàu tuần dương đó đã chứng minh được năng lực chỉ huy và kiểm soát phòng không và tên lửa trong khu vực phức tạp. Các con tàu đã già cỗi, sắp bị loại bỏ, nhưng chúng có thể đóng vai trò như một nút chỉ huy và kiểm soát phòng thủ tên lửa Guam mà các vị tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang tìm kiếm. Chúng cũng có thể đóng vai trò bộ thử nghiệm di động trên biển để chứng minh các hệ thống mới.
USS Lake Champlain, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Aegis lớp Ticonderoga của Mỹ, được hạ thủy năm 1987. Bắt đầu từ USS Bunker Hill, phiên bản này được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41 VLS. Ảnh: US Navy.
Điểm cuối cùng - đặt trên biển - là quan trọng. Bất kỳ hệ thống phòng thủ đặt trên đất liền nào dành cho Guam trong tương lai sẽ phải trải qua một nghiên cứu tác động môi trường kéo dài, trong đó sẽ xem xét các con đường trên đảo và các trung tâm dân cư đông đúc tác động như thế nào đến hoạt động của hệ thống. Việc có một bãi thử nổi ở Guam cho phép phát triển kỹ thuật trong khi các nghiên cứu đánh giá tác động môi trường được thực hiện (trong thời gian dài).
Với một cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở châu Âu và viễn cảnh xung đột giữa các cường quốc ở châu Á, thời gian để hành động là ngay bây giờ. Ngày nay, việc bảo vệ Guam - nơi sinh sống của 168.000 người Mỹ và là trung tâm của các nỗ lực quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương - phải là ưu tiên hàng đầu. Việc thay thế các tàu tuần dương cũ để phòng thủ có thể hỗ trợ việc này, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống phòng thủ hiện đại hơn, hiệu quả hơn trong tương lai mà Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ mong muốn.
Nguồn: [Link nguồn]
Báo Trung Quốc cảnh báo “sẵn sàng chiến tranh” trong bối cảnh 11.000 binh sĩ Mỹ được huy động đến căn cứ trên đảo Guam để tập trận quân sự quy mô lớn.