Kinh tế Nga ra sao sau một năm xung đột ở Ukraine?

Nền kinh tế Nga đã chứng minh khả năng phục hồi một cách bất ngờ khi đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây kể từ năm ngoái, nhưng để khôi phục kinh tế như mức trước xung đột cần khoảng thời gian dài vì chính phủ Nga vẫn phải chi tiêu ngân sách đáng kể cho quân đội, Reuters nhận định.

Một góc đường phố Moscow, Nga vào ngày 8/6/2022. Ảnh: Reuters.

Một góc đường phố Moscow, Nga vào ngày 8/6/2022. Ảnh: Reuters.

Khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ, Nga từng dự đoán mức sụt giảm kinh tế trong năm 2022 lên tới hơn 10%. Nhưng các thống kê chính thức gần đây cho thấy mức độ sụt giảm thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 2,1%.

"Nền kinh tế và hệ thống quản trị của Nga đã chứng tỏ sức chống chịu mạnh hơn nhiều so với những gì phương Tây dự đoán", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu vào tuần này. "Tính toán của phương Tây đã không thành hiện thực."

Giá năng lượng duy trì ở mức cao trong năm 2022 đã giúp Nga tiếp tục tạo ra nguồn thu lớn. Sức mạnh của đồng ruble đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua. Ngân hàng trung ương Nga vẫn đang đứng vững dù bị phương Tây đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Nhưng trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine vẫn kéo dài, giới phân tích đánh giá Nga chưa thể sớm khôi phục kinh tế như ở giai đoạn trước xung đột.

Grigory Zhirnov, một nhà phân tích của kênh My Investments Telegram, nói kinh tế Nga chưa thể đạt quy mô tương đương năm 2021, ít nhất là cho đến năm 2025. Xét về mức độ tăng trưởng nếu không xảy ra xung đột, kinh tế Nga chỉ có thể đạt mức tăng trưởng như vậy trong 10 năm nữa.

Nga đang tìm kiếm thêm các thị trường tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt ở châu Á, duy trì nguồn cung hàng hóa tiêu dùng bằng con đường nhập khẩu hợp pháp nhưng không qua nhà phân phối chính thức. 

Theo ông Putin, nỗ lực "phi đô la hóa" có nghĩa đồng ruble đã tăng gấp đôi tỷ trọng trong các thanh toán quốc tế của Nga. Trong khi đó, các ngân hàng đang tìm kiếm các công cụ trong nước để đạt lợi nhuận. Ông cũng kêu gọi về sự phát triển trong nước bền vững và việc xây dựng một nền kinh tế tự túc. 

Tuy nhiên, Nga đang tăng chi cho quốc phòng và điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển cơ cở hạ tầng dân sự về kinh tế. 

Chi ngân sách tăng và nguồn thu giảm đã dẫn đến thâm hụt ngân sách 25 tỷ USD trong tháng 1/2023, trong khi thặng dư tài khoản vãng lai giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong khi Bộ Tài chính Nga cam kết sẽ không để tình trạng thâm hụt ngân sách mất kiểm soát, việc thâm hụt ngân sách khiến khả năng chi của Nga trong tương lai có nguy cơ giảm và làm tăng rủi ro lạm phát. 

Năm 2023 được dự báo là một năm khó khăn với ngành năng lượng Nga, do giá dầu giảm và các biện pháp áp giá trần với dầu Nga của phương Tây.

Alexandra Prokopenko, một nhà phân tích độc lập và cựu cố vấn thuộc ngân hàng trung ương Nga, nói giới lãnh đạo Nga đã quen với cách đưa đất nước vượt qua các cuộc khủng hoảng, bao gồm khủng hoảng tài chính năm 2008.

"Bức tranh hiện tại không chỉ có hai màu trắng và đen", bà Prokopenko nói. "Nhưng nền kinh tế Nga trụ vững như ngày nay được tạo nên với chi phí cao".

Nguồn: [Link nguồn]

Nỗ lực lôi kéo các quốc gia dầu mỏ Trung Đông của Mỹ thất bại?

Tại một cuộc triển lãm quốc phòng đang diễn ra ở Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), các nhà sản xuất vũ khí Nga cũng góp mặt, hứa hẹn sẽ tiếp tục cung cấp thêm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Reuters ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN