IS đổi chiến thuật: Đánh bom trên trời gây khiếp đảm?

IS có thể đang “bắt chước” khủng bố al-Qaeda thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào máy bay chở khách gây chấn động.

Theo Foreign Policy, giả thiết đang ngày càng được củng cố rằng, một quả bom là nguyên nhân khiến chiếc máy bay Nga Airbus A321 mang số hiệu KGL9268 bị rơi xuống sa mạc Sinai, Ai Cập, khiến 224 người thiệt mạng ngày 31.10 đang đặt ra câu hỏi rằng, liệu có phải IS đang bắt đầu áp dụng chiến thuật mới. Đó là thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trên bầu trời, thậm chí ở bên ngoài những vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát.

Cho đến nay, các quan chức Mỹ vẫn cho rằng, các chiến binh IS vẫn đang tập trung vào việc xâm chiếm và mở rộng các vùng lãnh thổ hơn là tìm kiếm một chiến thuật mới – thực hiện các cuộc tấn công hàng loạt gây chấn động nhắm vào các máy bay thương mại, cũng như các mục tiêu khác ở ngoài khu vực chúng kiểm soát.

IS đổi chiến thuật: Đánh bom trên trời gây khiếp đảm? - 1

Thảm kịch máy bay Nga đặt ra câu hỏi, liệu IS đang áp dụng chiến lược mới - tấn công máy bay thương mại?

Tuy nhiên, giới chức phương Tây ngày càng để lộ nỗi sợ hãi rằng, IS có thể lấy cảm hứng và bắt chước mạng lưới khủng bố al-Qaeda, ra sức thực hiện các cuộc tấn công chấn động, gây ra nỗi khiếp đảm cho cả thế giới.

Nỗi sợ hãi đó được nhân lên, khi vài giờ sau khi máy bay Nga gặp nạn ở Ai Cập, IS đã tung video tuyên bố nhận trách nhiệm tấn công máy bay, để trả thù cho việc Moscow quyết định can thiệp quân sự vào Syria, điều máy bay tới ném bom giết chết hàng trăm tên khủng bố trong khu vực.

“Người Nga và đồng minh của các người, hãy nhớ rằng, các người không có chỗ ở vùng đất của người Hồi giáo”, IS cảnh báo trong một tuyên bố.

IS đổi chiến thuật: Đánh bom trên trời gây khiếp đảm? - 2

Chiến đấu cơ Nga tham gia chiến dịch không kích chống khủng bố của Nga tại Syria xếp hàng dài trên đường băng.

Vài ngày sau, các phần tử khủng bố thuộc tổ chức này tiếp tục đăng tải video thứ 2 đe dọa sẽ tiếp tục tấn công các máy bay thương mại Nga.

Sau đó, ngày 4.11, giới chức phương Tây, bao gồm Anh và Mỹ lên tiếng cho biết, họ quan ngại rằng, máy bay Nga có thể đã bị đánh bom. Thủ tướng Anh David Cameron đã thẳng thừng bày tỏ nghi ngờ này.

“ Dù cuộc điều tra vẫn đang diễn ra, chúng tôi không thể nói dứt khoát vì sao máy bay Nga rơi. Nhưng khi có thêm thông tin được hé lộ, chúng tôi quan ngại rằng máy bay nhiều khả năng rơi vì một thiết bị nổ ", NBC News dẫn thông cáo của văn phòng Thủ tướng David Cameron.

Một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cũng cho rằng, dựa vào việc xem xét các mảnh vỡ của máy bay Nga, nằm rải rác ở diện tích khoảng 20 km2 trên sa mạc Ai Cập, ông cũng nghi ngờ chiếc phi cơ đã bị đặt bom.

“Một quả bom bị cài lén trên máy bay là giả thiết được đặt ra ngay từ đầu”, vị quan chức Mỹ nhấn mạnh.

IS đổi chiến thuật: Đánh bom trên trời gây khiếp đảm? - 3

Một mảnh vỡ của máy bay Nga gặp nạn trên sa mạc Sinai, Ai Cập

Chính quyền Obama từ chối bình luận công khai về nguyên nhân gây ra thảm kịch máy bay Nga và quan điểm của chính phủ Anh, song một số quan chức Mỹ giấu tên dẫn nguồn tin tình báo nói rằng, IS hoặc những phần tử cực đoan ủng hộ nhóm khủng bố này có thể đã đặt bom trên phi cơ Airbus A321.

 Trên thực tế, chi nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Yemen từ lâu đã bị xem là “đang đặt ra các mối đe dọa nghiêm trọng” đối với các máy bay thương mại.

Lý do là, chúng có khả năng chế tạo những loại bom tinh vi, qua mặt được các máy dò kim loại ở sân bay. Không loại trừ khả năng các chiến binh IS cũng sở hữu loại bom tương tự như vậy. Thậm chí, những phần tử khủng bố cũng có khả năng lén cài đặt bom thường lên máy bay bằng những mánh khóe tinh vi.

Bruce Riedel, một cựu sĩ quan CIA cấp cao từng theo dõi các mối đe dọa khủng bố ở Trung Đông cho rằng, việc lén cài đặt một quả bom trên một máy bay thương mại khởi hành từ Sharm el-Sheikh “hoàn toàn nằm trong tầm tay của IS”.

“Điều quan trọng nhất là tìm được người nào đó làm việc ở sân bay giúp sức. Người đó phải có quyền tiếp cận các máy bay. Tôi thật sự nghi ngờ lực lượng an ninh ở Sharm el-Sheikh có thể ngăn chặn khả năng này. Sinai là khu vực không thiếu người bất mãn với chính phủ Ai Cập”, ông Riedel nhấn mạnh.

Trước đó, IS, chi nhánh al-Qaeda ở Syria cũng như nhóm khủng bố al-Nusra Front đã công khai lên tiếng kêu gọi tay sai và những kẻ ủng hộ chúng thực hiện các cuộc tấn công chống lại Nga để trả đũa cho chiến dịch không kích của Tổng thống Vladimir Putin.

IS đổi chiến thuật: Đánh bom trên trời gây khiếp đảm? - 4

IS, al-Qaeda và nhiều nhóm khủng bố tại Syria từng nhiều lần lên tiếng kêu gọi thực hiện các cuộc tấn công trả thù chiến dịch không kích của Tổng thống Nga Putin.

Các nhà phân tích và giới tình báo Mỹ vốn phân biệt chiến lược của IS và al-Qaeda rằng, IS có xu hướng chiếm đoạt và mở rộng các vùng lãnh thổ thông qua các chiến binh vũ trang, sau đó cai trị những làng mạc, thành phố mà chúng chiếm được bằng chính sách “bàn tay sắt”. Ngược lại, al-Qaeda đặt mục tiêu chính là thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào các chính phủ phương Tây.

Tuy nhiên, theo Foreign Policy, mọi thứ dường như đang bắt đầu thay đổi.

Trong một dấu hiệu khác chứng tỏ IS có thể đang bắt chước ai-Qaeda, chính quyền Tây Ban Nha cho biết, họ vừa bắt giữ 3 chiến binh IS người Ma rốc âm mưu đánh bom thủ đô Madrid. Năm 2004, 191 người đã thiệt mạng khi một nhóm cực đoan ủng hộ mạng lưới khủng bố al-Qaeda đánh bom một chuyến tàu ở Madrid.

Như vậy, nếu có chứng cứ xác thực máy bay Nga gặp nạn có liên quan đến IS, đây sẽ là dấu mốc chứng tỏ IS đã thay đổi chiến lược và buộc Washington cũng sẽ phải tìm kiếm những chiến lược mới trong  cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Máy bay Nga rơi ở Ai Cập Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN