Hậu quả trừng phạt giữa Nga và phương Tây, năm sau mới rõ

Sự kiện: Tin tức Nga

Nhiều ý kiến cho rằng thắng thua trừng phạt giữa Nga và phương Tây phải qua năm sau mới rõ, khi châu Âu áp lệnh cấm nhập khẩu lên dầu thô - mặt hàng chủ lực của nền kinh tế Nga.

Hơn bảy tháng hứng trừng phạt từ phương Tây nhưng Nga vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu nao núng. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng khoảng thời gian này chưa đủ để các biện pháp trừng phạt phát huy hết hiệu quả, mà thắng thua phải đợi tới năm sau.

Theo dữ liệu do cơ quan thống kê Rosstat (Nga) công bố, kinh tế Nga đã suy giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đà lao dốc này không quyết liệt như suy đoán của các nhà quan sát cả Nga lẫn phương Tây. Quan trọng hơn, “dữ liệu tháng 6 cho thấy sự suy giảm trong nền kinh tế Nga dường như đã chạm đáy khi tình hình một số ngành đang ổn định”, nhà kinh tế Sergey Konygin tại ngân hàng đầu tư Sinara (Nga) nói với hãng tin Reuters.

Nhà máy điện hạt nhân Isar-II tại bang Bavaria (Đức) dự kiến đóng cửa vào cuối năm nay nhưng có khả năng sẽ phải kéo dài hoạt động đến năm 2024 để hỗ trợ giải bài toán thiếu năng lượng của nước này. Ảnh: WIKIPEDIA

Nhà máy điện hạt nhân Isar-II tại bang Bavaria (Đức) dự kiến đóng cửa vào cuối năm nay nhưng có khả năng sẽ phải kéo dài hoạt động đến năm 2024 để hỗ trợ giải bài toán thiếu năng lượng của nước này. Ảnh: WIKIPEDIA

Yếu tố giúp Nga trụ được

Theo tờ Wall Street Journal, nhu cầu dầu mỏ từ một số nền kinh tế lớn thế giới đã giúp Nga giữ lượng dầu xuất khẩu hiện tại nhiều gần bằng lượng xuất khẩu trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt sau đó của phương Tây.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga bơm 7,4 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm như dầu diesel và xăng vào thị trường toàn cầu mỗi ngày chỉ trong tháng 7. Con số này chỉ giảm khoảng 600.000 thùng/ngày so với đầu năm.

Giá dầu thô toàn cầu cao giúp doanh thu từ dầu của Nga tăng vọt. Doanh thu của Nga từ việc bán dầu, khí đốt và than ở nước ngoài cao ngất ngưởng, tăng gấp đôi trong 100 ngày đầu cuộc chiến ở Ukraine. Theo bà Elina Ribakova, phó trưởng nhóm nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế (hiệp hội ngành dịch vụ tài chính toàn cầu - Mỹ), Nga kiếm được 97 tỉ USD từ việc bán dầu và khí đốt cho đến tháng 7 năm nay, với gần 74 tỉ USD trong số đó từ việc bán dầu thô.

Nhiều nhà kinh doanh dầu mỏ, điều hành ngành công nghiệp Nga và các nhà chức trách vận tải biển cho rằng nguyên nhân giúp xuất khẩu năng lượng Nga bùng nổ là nhờ nước này tìm được “những người mua mới, các phương tiện thanh toán mới, các nhà giao dịch mới và các biện pháp mới xử lý vấn đề chi phí cho xuất khẩu”.

Ngay khi các nước phương Tây và các đồng minh ở Thái Bình Dương chọn cắt giảm nhập khẩu dầu Nga, hầu hết lượng dầu được chuyển hướng sang châu Á và Trung Đông, nơi có các nước trung lập không đứng về phía nào trong xung đột Nga - Ukraine. Tại Ấn Độ, từ mức nhập khẩu dầu Nga gần như bằng 0, nhiều công ty đã tăng nhập lên gần 1 triệu thùng mỗi ngày. Công ty Indian Oil thuộc sở hữu nhà nước Ấn Độ đã ký hợp đồng mua dầu đến năm 2028 với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga. Cựu giám đốc điều hành Evgeny Gribov của Công ty dầu khí Lukoil PJSC (Nga) khẳng định rằng “dầu của Nga sẽ tìm thấy con đường mới vào Ấn Độ, Trung Quốc và các thị trường khác”.

Có thể nói cho đến nay Nga phần lớn đã xoay xở được để giảm bớt mức độ tổn thương từ trừng phạt của phương Tây. Thậm chí theo Guardian, doanh thu từ năng lượng có thể giúp Nga chịu được một cuộc bao vây kinh tế kéo dài. Công ty tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh) tính toán nếu giá khí đốt duy trì ở mức hiện tại, Nga có thể giữ mức xuất khẩu sang châu Âu chỉ 20% mức bình thường trong 2-3 năm tới, thậm chí có thể cắt nguồn cung hoàn toàn trong một năm mà không ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Nga.

Phương Tây đã rất nhanh trong việc áp đặt trừng phạt đối với Nga nhưng chậm khi suy nghĩ về hậu quả kinh tế.

Cây bút LARRY ELLIOTT, chuyên viết về kinh tế của tờ Guardian

Thắng thua năm sau mới rõ?

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tác động của các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể phải mất thời gian nữa mới cho thấy hậu quả rõ ràng. Một điểm trừ là Nga vẫn không thể nhập khẩu các nguồn cung cấp công nghệ quan trọng, theo nhà nghiên cứu cấp cao Eddie Fishman tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của ĐH Columbia (Mỹ). Việc Nga không có khả năng nhập khẩu hàng hóa “đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt các linh kiện nước ngoài và sản xuất công nghiệp suy giảm nhanh chóng”, hậu quả là sẽ xuất hiện làn sóng thiếu việc làm và rồi mức sống giảm sút.

Nền kinh tế Nga gắn bó sâu sắc với nhiên liệu hóa thạch đến mức nước này không có ngành công nghiệp thay thế đáng kể nào để bù đắp số tiền mà nước này kiếm được từ những khoản thu đó. Năm 2019, xuất khẩu dầu và khí đốt chiếm 56% thu nhập xuất khẩu của Nga, với tổng trị giá 237,8 tỉ USD. Những khoản thu đó đã đóng góp 39% ngân sách quốc gia. Nếu không có ngành công nghiệp dầu khí mạnh - giá cao và cơ sở khách hàng lớn - nền kinh tế Nga cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng do thiếu đa dạng hóa. Một lưu ý nữa, Nga hiện đang hưởng lợi từ giá cao do lạm phát nhưng không ai chắc chắn điều này sẽ tồn tại mãi.

Hơn nữa, thời điểm này các biện pháp trừng phạt nhiên liệu Nga vẫn chưa phát huy hết hiệu lực. Trong một bài viết trên trang Financial Times tháng 8, ông Oleg Ustenko - cố vấn kinh tế chính cho tổng thống Ukraine cho rằng phương Tây chưa thực sự cấm vận khí đốt, dầu và than của Nga. Tháng 12 tới, Liên minh châu Âu sẽ cấm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt giảm nhập khẩu tới 2,3 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu mỗi ngày từ tháng 2-2023, theo IEA. Theo hãng tin Bloomberg, Nga có thể khó tìm được khách hàng mới cho lượng dầu này vì dòng chảy sang thị trường châu Á đã ổn định trong những tuần gần đây.

Song cũng có ý kiến khác. Theo ông Sergey Vakulenko, một nhà phân tích và cựu giám đốc điều hành năng lượng Nga, “thực tế là thế giới cần dầu và không ai đủ can đảm để cấm vận 7,5 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu của Nga mỗi ngày”.

Thêm nữa, theo ông Ustenko, ngay cả khi bị cấm nhập trực tiếp từ tháng 12 tới thì dầu Nga vẫn có thể len lỏi vào các thị trường châu Âu. Dầu thô của Nga được đưa đến các nhà máy lọc dầu nước ngoài và sau đó nhập khẩu vào thị trường châu Âu dưới dạng các sản phẩm hóa dầu. Thực tế này đang diễn ra với Mỹ, quốc gia duy nhất cấm nhập trực tiếp dầu của Nga đến lúc này. Một lượng lớn dầu Nga được tinh chế thành các sản phẩm khác và vào Mỹ một cách hợp pháp mà không vi phạm trừng phạt.

Chủ nghĩa khắc kỷ phi thường của Nga

Nếu các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với Nga có thể mất nhiều năm mới bộc lộ hết hậu quả như nhận định của nhiều chuyên gia là đúng, ngay cả khi đó cũng không có gì đảm bảo rằng tình trạng đình trệ kinh tế có thể khiến Nga thay đổi chính sách đối ngoại, theo National Interest. Dường như không có triển vọng ngay lập tức về một sự sụp đổ kinh tế buộc Nga phải chấm dứt chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Lịch sử từng cho thấy Nga có thể chịu đựng khó khăn trong thời gian dài và có thể lâu hơn phương Tây có thể. Cuộc bao vây Leningrad từ năm 1941 đến năm 1944 là một ví dụ về chủ nghĩa khắc kỷ phi thường của Nga. Trận Leningrad - cuộc phong tỏa quân sự của quân đội Đức Quốc xã với TP Leningrad (nay là Saint Petersburg) - là cuộc phòng thủ dài ngày nhất của quân đội Liên Xô (900 ngày) trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây được coi là một trong các biểu tượng lớn nhất của cuộc đọ sức cả về quân sự cũng như về sức chịu đựng của Nga và phương Tây.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ trừng phạt Nga sau khi ông Putin tuyên bố sáp nhập lãnh thổ Ukraine

Mỹ đã áp đặt loạt lệnh trừng phạt lớn lên Nga liên quan việc Moscow tuyên bố sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Khoa ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN