Giải tỏa nỗi lo về tái dương tính Covid-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Kết quả "dương tính giả" có thể đứng sau những trường hợp bệnh nhân Covid-19 hồi phục cho kết quả dương tính trở lại.

Ít nhất 350 trường hợp bệnh nhân Covid-19 cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi hồi phục ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Ít nhất 350 trường hợp bệnh nhân Covid-19 cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi hồi phục ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Nhà chức trách Hàn Quốc vào tháng rồi cho biết hàng chục người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) sau khi hồi phục vẫn cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Tính đến ngày 6-5, ít nhất 350 trường hợp như thế được ghi nhận tại Hàn Quốc, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của nước này (KCDC).

Thông tin trên dẫn đến nỗi lo một số người khỏi bệnh Covid-19 vẫn có thể tái nhiễm SARS-CoV-2, từ đó làm phức tạp các nỗ lực dỡ bỏ hạn chế và phát triển vắc-xin phòng ngừa. Dù vậy, sau nhiều tuần nghiên cứu, các nhà khoa học Hàn Quốc phần nào giải tỏa nỗi lo trên, bên cạnh thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Reuters hôm 7-5 dẫn kết quả nghiên cứu ở Hàn Quốc cho thấy những kết quả xét nghiệm như thế dường như là "dương tính giả", do những phần còn sót lại - nhưng có thể không lây nhiễm - của virus gây ra.

Quốc gia châu Á này hiện sử dụng kỹ thuật phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase sao chép ngược (RT-PCR) để nhận biết vật liệu di truyền của SARS-CoV-2. Tiến trình RT-PCR có thể nhanh chóng cho ra kết quả và được xem là cách thức chính xác nhất để biết được nếu ai đó có nhiễm virus hay không.

Tuy nhiên, ông Seol Dai-wu, chuyên gia về phát triển vắc-xin tại Trường ĐH Chung Ang (Hàn Quốc), chỉ ra rằng trong một số trường hợp, các xét nghiệm có thể phát hiện những mảnh cũ của virus và chúng có thể không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với bệnh nhân hoặc người khác. Theo KCDC, kết quả "dương tính giả" có thể đứng sau những trường hợp bệnh nhân Covid-19 hồi phục cho kết quả dương tính trở lại.

Giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong hôm 6-5 cho biết họ vẫn đang thu thập bằng chứng cho giả thuyết rằng các mảnh virus nói trên đến từ tế bào virus "chết". Quan chức này nói thêm những ca tái dương tính với virus SARS-CoV-2 dường như không lây bệnh cho người khác. KCDC cho biết vẫn chưa phát hiện trường hợp nào như thế cho đến giờ ở Hàn Quốc.

Lý giải về điều này, ông Oh Myoung-don, bác sĩ tại Bệnh viện Trường ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), cho biết virus corona chủng mới không xâm nhập vào nhân của tế bào vật chủ nên không có khả năng gây nhiễm trùng mạn tính. Ngoài ra, nguy cơ virus này tái kích hoạt là rất thấp.

Nhận định về những trường hợp tái dương tính của bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi, WHO hôm 6-5 cho rằng những người này vẫn đang trong quá trình đào thải các tế bào phổi đã chết chứ không phải tái nhiễm.

Tuy nhiên, WHO cho rằng cần nghiên cứu thêm về những trường hợp bệnh nhân hồi phục và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 nhưng sau đó vài tuần lại cho kết quả dương tính. "Chúng ta cần thu thập nhiều mẫu phẩm một cách có hệ thống từ các bệnh nhân đã hồi phục để tìm hiểu xem cơ thể cần bao lâu để đào thải hết virus" - phát ngôn viên WHO khẳng định, đồng thời nói thêm cần tìm hiểu xem liệu họ có thể lây virus cho người khác hay không.

Trả lời phỏng vấn đài BBC gần đây, bà Maria Van Kerhove, nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, đã giải thích về kịch bản "tế bào chết" như sau: "Khi phổi bình phục trở lại, vẫn tồn tại những phần có phổi là tế bào chết. Những phần này thực tế khi xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính. Đó không phải là virus có thể lây nhiễm, cũng không phải là sự tái kích hoạt. Đó thật sự là một phần của quá trình lành bệnh".

Tuy nhiên, bà Kerhove cho biết vẫn cần nghiên cứu thêm để biết được liệu những người này có đủ khả năng miễn dịch để chống tái nhiễm hay không. 

WHO cảnh báo về nguy cơ phong tỏa trở lại

Hôm 6-5, WHO cảnh báo các nước có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới nếu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa quá nhanh. "Nguy cơ phong tỏa trở lại vẫn còn hiện hữu nếu các nước không thực hiện thận trọng quá trình chuyển tiếp và làm theo từng giai đoạn" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo. Ông cũng liệt kê lại một loạt tiêu chí mà WHO khuyến nghị các nước thực hiện, bao gồm giám sát chặt chẽ, cách ly, xét nghiệm và điều trị mọi trường hợp, truy vết tiếp xúc, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa hiệu quả tại nơi làm việc và trường học, cũng như hợp tác toàn dân trong tình trạng "bình thường mới" sau phong tỏa.

Bà Maria Van Kerkhove cũng bày tỏ nỗi lo tương tự khi khẳng định: "Nếu các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ quá nhanh, virus SARS-CoV-2 có thể bùng phát trở lại". Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, khẳng định phương án và thời điểm tái mở cửa phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của các nước và WHO sẽ tham vấn về vấn đề này nếu cần. Theo Reuters, một số quốc gia như Đức, Tây Ban Nha và Ý đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ưu tiên của ông lúc này là mở cửa đất nước trở lại.

Cao Lực

Nguồn: [Link nguồn]

Nga: Nhóm gái sexy mặc kín trên hở dưới bị sờ gáy vì chơi ngông ”phá” lệnh phong tỏa

Nhóm "chân dài" chỉ mặc quần lót, áo phông và đội mũ bảo hiểm gây sự chú ý khi đi cùng các tay chơi mô tô phân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Phương ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN