Đụng độ Trung-Ấn có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân

Hai quốc gia có số dân đông nhất thế giới hiện đang rơi vào căng thẳng nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh năm 1962 và tiềm ẩn nguy cơ trở thành chiến tranh hạt nhân thảm khốc.

Đụng độ Trung-Ấn có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân - 1

Trung Quốc và Ấn Độ đều là những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo Sydney Morning Herald, căng thẳng biên giới đã kéo dài suốt 5 tuần qua giữa hai quốc gia sở hữu hạt nhân. Không bên nào đồng ý về cách phân định chủ quyền của bên kia.

“Các chuyên gia mà tôi gặp ở Ấn Độ đều nói rằng đây là căng thẳng nghiêm trọng nhất giữa hai nước kể từ chiến tranh năm 1962”, chuyên gia người Úc Rory Medcalf nói, ám chỉ cuộc chiến tranh biên giới Ấn-Trung cách đây 57 năm.

Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận Đảng Cộng sản Trung Quốc cảnh báo, “Ấn Độ sẽ chịu nhiều tổn thất hơn năm 1962 nếu kích động chiến tranh”.

Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ đều có mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức hồi đầu tháng. NHưng cả hai đều né tránh nhắc đến căng thẳng biên giới.

Mỗi bên hiện có khoảng 3.000 quân ở tiền tuyến, điểm nóng tranh chấp biên giới. Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật rầm rộ để thị uy trước Ấn Độ.

Đụng độ Trung-Ấn có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân - 2

Nguy cơ Trung Quốc và Ấn Độ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chiến tranh nổ ra.

Có mặt tại biên giới Trung-Ấn, tư lệnh quân đội Ấn Độ Bipin Rawat nói các lực lượng cần phải sẵn đối phó trước chiến tranh trên nhiều mặt trận trước Trung Quốc và Pakistan.

Hồi tháng 6, Bhutan nói binh sĩ Trung Quốc phớt lờ cảnh báo và tiến vào lãnh thổ nước này. Bhutan là quốc gia nhỏ bé và chính sách quốc phòng phụ thuộc vào Ấn Độ nên nước này đã nhờ New Delhi đứng ra giải quyết.

Các binh sĩ Ấn Độ có mặt ở cao nguyên Doklam đã đẩy lùi quân Trung Quốc trở lại biên giới. Nhưng Trung Quốc tố Ấn Độ đưa quân xâm nhập vào lãnh thổ nước này. “Ấn Độ chỉ lấy cớ ‘bảo vệ Bhutan’ để xâm phạm biên giới Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Ấn Độ luôn ghi nhớ bài học lịch sử, khi quân Trung Quốc tiến vào Tây Tạng năm 1950 và thiết lập mạng lưới kiểm soát rộng khắp cao nguyên này.

Ngày nay, Trung Quốc mở rộng sự hiện diện trên khắp dãy Himalaya đến Trung Á để mở đường đến châu Âu thông qua sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường. Ấn Độ cho đến nay luôn phản đối sáng kiến này.

Đụng độ Trung-Ấn có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân - 3

Binh sĩ Trung Quốc giơ cao biểu ngữ yêu cầu quân Ân Độ rời khỏi lãnh thổ nước này.

Chuyên gia Rory Medcalf giải thích: “Ấn Độ coi khu vực tranh chấp nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan là vị trí chiến lược quan trọng. Quân Trung Quốc tiến sâu hơn từ hướng này có thể phong tỏa toàn bộ các bang ở phía đông bắc Ấn Độ”.

Theo chuyên gia Rory Medcalf, Ấn Độ đơn giản là không chấp nhận để mất thêm bất kỳ khu vực lãnh thổ nào nữa vào tay Trung Quốc. Hai quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đang mâu thuẫn với nhau ở Ấn Độ Dương.

Trong tình huống xấu nhất, tranh chấp ở cao nguyên Doklam có thể biến thành chiến tranh. Thiếu tướng Úc Mick Ryan từng nhận định, “Vũ khí thông thường của Ấn Độ đang chiếm ưu thế ở biên giới. Điều này có thể khiến Trung Quốc dùng đến vũ khí hạt nhân, dù nước này duy trì chiến lược không sử dụng hạt nhân tấn công phủ đầu”.

Nhưng đó là kịch bản lâu dài, trước mắt thì thời tiết sẽ khiến “cái đầu nóng” giữa hai bên hạ nhiệt. “Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải rút quân trước khi mùa đông đến. Trừ khi họ muốn chiến tranh vào tháng 11”, chuyên gia Medcalf kết luận.

80.000 quân TQ từng tràn qua biên giới, đánh sâu vào Ấn Độ

Mâu thuẫn biên giới lên tới đỉnh điểm khi 80.000 quân Trung Quốc tràn vào Ấn Độ, mở đầu chiến tranh biên giới Trung-Ấn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SMH ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN