Điều khiến Thuỵ Điển phân vân khi nộp đơn xin gia nhập NATO
Quyết định xin gia nhập NATO sau 2 thế kỷ trung lập sẽ làm thay đổi cơ bản tình hình an ninh Thuỵ Điển.
Trong 2 thế kỷ qua, Thuỵ Điển đã không gia nhập bất kỳ liên minh quân sự nào. Tuy nhiên, quyết định nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 15/5 (giờ địa phương) đã chấm dứt tình trạng này và là một sự thay đổi hoàn toàn đối với an ninh quốc gia khu vực Scandinavia.
Quyết định gia nhập NATO cũng là một sự thách thức với tính trung lập, vốn là trụ cột trong bản sắc dân tộc Thuỵ Điển trong nhiều năm, và đặt ra câu hỏi lớn cho người Thuỵ Điển: Làm sao để dẫn đầu nỗ lực bảo vệ hoà bình và giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu khi trở thành thành viên một liên minh quân sự mà phần lớn sức mạnh dựa vào vũ khí hạt nhân?
Được biết, ngày 18/5, Thụy Điển, cùng với nước láng giềng Phần Lan, đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO sau một thời gian cân nhắc.
Đại sứ Thuỵ Điển Axel Wernhoff nộp đơn xin gia nhập NATO cho Tổng thư ký Jens Stoltenberg. Ảnh: Getty
Đối với Phần Lan, việc đứng ngoài NATO phần lớn là một lựa chọn thực dụng. Từ sau chiến ranh thế giới thứ 2, Phần Lan đã lựa chọn trung lập để tránh khiêu khích Nga nhưng cũng đã xây dựng lực lượng quân sự của riêng mình đề phòng nguy cơ bị tấn công từ bất kỳ quốc gia nào.
Tuy nhiên, tính toán của Phần Lan đã thay đổi sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 vừa qua. Cụ thể, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö nhận xét trong bối cảnh chính trị bị chia rẽ trên thế giới và ở châu Âu như hiện nay, không còn chỗ đứng cho những quốc gia trung lập, không liên kết với bất kỳ bên nào.
Trong khi đó, về phía Thuỵ Điển, quốc gia này đã không tham gia vào bất kỳ cuộc chiến nào trong 2 thế kỷ qua. Việc nước này duy trình tình trạng trung lập để họ nó có thể đóng vai trò hàng đầu trong việc xây dựng hòa bình và giải trừ quân bị trong các cuộc xung đột toàn cầu.
Ông Robert Dalsjö, một giám đốc nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển nhận xét tính trung lập ở Stockholm được xem là một giá trị đạo đức và có "sức hút" về mặt cảm xúc khiến việc nước này quyết định gia nhập NATO gây ra nhiều tranh cãi hơn so với nước láng giềng Phần Lan.
Trong một cuộc thăm dò mới đây, khoảng 58% người Thuỵ Điển ủng hộ việc gia nhập NATO, tăng so với tỷ lệ 37% được ghi nhận hồi tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, khi so với Phần Lan, con số này không cao bằng. Các cuộc thăm dò ở Phần Lan cho thấy có tới 76% ủng hộ việc gia nhập.
Nền trung lập của Thuỵ Điển vốn được duy trì trong lịch sử của đất nước này. Cuộc chiến cuối cùng mà Nga và Thụy Điển tham chiến kết thúc vào năm 1809. Bị ảnh hưởng xấu bởi cuộc đấu tranh giữa các cường quốc, Thụy Điển đã chọn trung lập. Quốc gia Bắc Âu này đã không tham chiến kể từ cuộc chiến năm 1814 chống lại Na Uy.
Nói về việc này, ông Dalsjö nhận xét: "Người Thụy Điển là những người theo chủ nghĩa lý tưởng và chủ nghĩa quốc tế, một phần là do chúng tôi đã gặp may trong thế kỷ 20. Chúng tôi không có chiến tranh và nền kinh tế của chúng ta ít nhiều đã phát triển vượt bậc. Điều đó đã khiến người Thụy Điển cảm thấy yên tâm".
Thuỵ Điển đã không tham gia vào các cuộc chiến trong 2 thế kỷ. Ảnh: Getty
Trong thế kỷ 20, Thuỵ Điển đã hình thành nhà nước phúc lợi dưới sự thống trị của các đảng viên Cánh tả Xã hội Dân chủ, những người đã củng cố khái niệm trung lập thành một bản sắc quốc gia.
Bà Christine Agius, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công nghệ Swinburne của Australia và là tác giả của cuốn sách về tính trung lập của Thụy Điển, bình luận: "Tính trung lập đã trở nên gắn liền với bản sắc dân tộc và ý tưởng rằng Thụy Điển có thể trở thành một lực lượng mang đến điều tốt đẹp trên thế giới".
Chính sách của Thụy Điển bắt đầu rạn nứt sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Năm 1995, nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và cử một tiểu đoàn hỗ trợ sứ mệnh gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu tại Bosnia và Herzegovina. Sau đó, Thuỵ Điển đã tham gia các sứ mệnh ở Kosovo và Afghanistan. Những sứ mệnh đó cho thấy ảnh hưởng của phe cánh tả cũ đang suy yếu dần nhưng nước này vẫn cân bằng vị thế không liên kết chặt chẽ hơn với NATO.
Thụy Điển cũng xây dựng một ngành công nghiệp vũ khí đáng kể. Với dân số 10 triệu dân, quốc gia này là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 13 trên thế giới. Ngành công nghiệp quốc phòng của Thuỵ Điển có khoảng 30.000 người trong khoảng 100 công ty và sản xuất các thiết bị tinh vi như máy bay chiến đấu Gripen.
Ngày nay, Thụy Điển chi khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng, tăng từ mức khoảng 1% vào năm 2014. Chính phủ Thụy Điển gần đây đã công bố mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất của nước này trong nhiều thập kỷ và các quan chức nhận định Stockholm có thể đạt ngưỡng chi tiêu 2% vào năm 2030. Mức chi tiêu của Thụy Điển hiện nay tương đương với nước láng giềng Đan Mạch, một trong những quốc gia sáng lập NATO.
Đối với một số người Thuỵ Điển, việc gia nhập NATO chỉ là sự chính thức hoá những quan hệ gần gũi giữa nước này với NATO trong nhiều thập kỷ và hợp tác về các vấn đề quốc phòng ở EU. Họ cho rằng những người phản đối việc trở thành thành viên NATO đang tiếc nuối một lịch sử lý tưởng hóa về sự trung lập đã không còn tồn tại.
Ông Hans Wallmark, người phát ngôn chính sách đối ngoại của Đảng ôn hòa trung hữu, đảng ủng hộ tư cách thành viên NATO từ đầu những năm 2000, khẳng định: "Vai trò quốc tế của Thuỵ Điển sẽ không thay đổi".
Trong khi đó, một số người khác lo ngại việc trở thành thành viên NATO sẽ giới hạn sự độc lập của Thuỵ Điển trong các chính sách đối ngoại và khiến họ phải thoả hiệp với các cường quốc.
Thụy Điển đã tìm cách tự xây dựng hình ảnh là một "siêu cường nhân đạo" thông qua việc phân bổ một lượng lớn viện trợ nước ngoài và chào đón nhiều người tị nạn hơn hầu hết các quốc gia châu Âu khác. Vào năm 2014, Stockholm đã thông qua "chính sách đối ngoại nữ quyền" với các mục tiêu bình đẳng giới trong các lực lượng vũ trang. Quốc gia Scandinavia này cũng thúc đẩy các chính sách thương mại mang lại lợi ích bình đẳng cho nam giới và phụ nữ, đồng thời bảo vệ các quyền và sức khỏe sinh sản - tình dục.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã tìm cách trấn an người Thụy Điển rằng đất nước sẽ không mất quyền tự chủ khi gia nhập NATO.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, NATO có thể sớm chào đón thêm 2 thành viên có giá trị là Phần Lan, Thụy Điển để tăng thêm sức ép với Moscow. Ở chiều ngược...