Đài Loan dồn lực củng cố một lợi thế mà Mỹ rất cần
Đài Loan đã và đang nỗ lực củng cố một lợi thế chiến lược để tạo đòn bẩy ngoại giao với Mỹ giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc leo thang.
Tấp nập các dự án nhà máy sản xuất chip với tổng diện tích bằng 40 sân bóng
Các nhà sản xuất chip bán dẫn của Đài Loan vừa công bố một khoản đầu tư chưa từng có trị giá khoảng 120 tỉ USD để tăng cường mức độ cạnh tranh của hòn đảo trên thị trường quốc tế.
Khu công nghiệp Khoa học Nam Đài Loan bắt đầu bận rộn từ cuối tháng 5. Xe tải rầm rập trên đường, chở nguyên vật liệu như dầm thép tới khu vực có một “rừng” cần cẩu đang tấp nập hoạt động để xây dựng thêm nhiều nhà máy chip tại đây.
Công trình xây dựng nhà máy mới của TSMC. Ảnh - Nikkei Asia
Khu công nghiệp này nằm ở thành phố Tainan - nơi đã trở thành một trung tâm sản xuất cho Công ty Sản xuất Chip bán dẫn Đài Loan (TSMC). Đây là nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới, có nhiều nhà máy sản xuất chip tiên tiến nhất trên toàn cầu, sản xuất các bộ xử lý cho iPhones của Apple.
TSMC vừa hoàn thành 4 cơ sở mới trong khu vực này nhưng do cung vượt quá cầu nên công ty tiếp tục xây dựng thêm 4 nhà máy nữa để phục vụ sản xuất loại chip 3 nm hiện đại nhất. Mỗi nhà máy cần chi phí khoảng 10 tỉ USD.
Tại công trường tấp nập, một công nhân xây dựng chia sẻ: “Hãy nhìn xung quanh đi! Chúng tôi ai cũng vội vàng để kịp tiến độ. Mọi người ở đây đều phải làm việc thêm giờ cho tới tối đêm muộn và cả ngày nghỉ”.
Đài Loan vốn dẫn đầu thế giới về sản xuất chip, chiếm hơn 90% tổng năng lực sản xuất chip bán dẫn tiên tiến – dữ liệu do Hiệp hội Ngành công nghiệp Chip bán dẫn và một số nguồn khác cho thấy. Phần còn lại chủ yếu ở Hàn Quốc. |
Không chỉ ở đây, không khí xây dựng các nhà máy sản xuất chip ở nhiều nơi khác cũng rất náo nhiệt.
Theo nghiên cứu của Nikkei, có ít nhất 20 nhà máy mới đang được xây dựng hoặc vừa mới hoàn thành, trải dài từ thành phố Tân Đài Bắc ở phía Bắc đến Cao Hùng ở phía Nam Đài Loan.
Nếu tính tổng diện tích mặt sàn của tất cả các dự án này có thể lên tới 2 triệu m2 – bằng hơn 40 sân bóng chày. Không có nơi nào khác trên thế giới chứng kiến tốc độ củng cố năng lực sản xuất chip như vậy.
Trong khi đó, TSMC cũng đang đầu tư cho các nhà máy dự kiến đặt tại bang Arizona của Mỹ và dự án nhà máy ở tỉnh Kumamoto Nhật Bản có chi phí tương đương 12 tỉ USD và 8,6 tỉ USD.
"Đòn bẩy ngoại giao"
Trước sự đứt gãy chuỗi cung ứng thời gian qua, hiện tại, nhiều quan chức Mỹ đang lo ngại tình trạng quá phụ thuộc vào chip bán dẫn của Đài Loan có thể tạo ra rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh để tăng cường chuỗi cung ứng Mỹ đối với chip bán dẫn và các linh kiện quan trọng trong tháng 2/2021 khi nước này đối mặt với tình trạng thiếu chip nghiêm trọng.
Washington đã đạt được thỏa thuận với giới chức và các công ty Đài Loan, mời họ đầu tư nhiều hơn vào Mỹ và xây dựng chuỗi cung ứng thay thế. Nhưng tiến độ đàm phán rất chậm bởi bản chất của ngành công nghiệp chip bán dẫn là không thể ra quyết định nhanh.
Chip bán dẫn là một chủ đề mà Đài Bắc có thể tương tác với Washington dựa trên cơ sở bình đẳng và việc nhượng bộ quá dễ dàng sẽ khiến Đài Loan mất đi đòn bẩy ngoại giao đó.
Do đó, bất chấp những nguy cơ địa chính trị mà hòn đảo đối mặt, Đài Loan hy vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh năng lực sản xuất chip nội địa càng nhiều càng tốt.
Một nguồn tin trong ngành công nghiệp chip Đài Loan từng nhận định, khi có quá nhiều sản lượng chip bán dẫn tập trung ở Đài Loan, thế giới không thể làm ngơ trước bất cứ nguy cơ nào xảy đến hòn đảo này.
Nguồn: [Link nguồn]
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cảnh báo rằng nếu Trung Quốc “có hành động gây hấn” với Đài Loan, nhiều khả năng nước này sẽ phải hứng chịu một phản ứng toàn...