Siêu nhà tù giam trùm ma túy El Chapo: Bước chân vào coi như đã chết

Khi cánh cửa nhà tù ADX đóng lại, tên trùm khét tiếng nhất thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc sống giống như sau khi đã chết.

Siêu nhà tù ADX nhìn từ xa

Siêu nhà tù ADX nhìn từ xa

Ngày 17/7, Tòa án Mỹ đã kết án tù chung thân cộng thêm 30 năm tù đối với trùm ma túy Mexico Joaquin 'El Chapo' Guzman. Bằng cách gây nhiều tội ác liên quan đến ma túy, rửa tiền, tham gia các băng nhóm tội phạm... trong hàng chục năm, hắn đã "kiếm" được một "tấm vé" để đến nhà tù Supermax. 

Và không còn ai ở bên ngoài cánh cổng nhà tù, kể cả vợ con hắn, còn thấy lại tên trùm tội phạm khát máu bất kỳ một lần nào nữa. Hắn coi như đã chết.

Cuộc sống "sau khi đã chết"

Supermax là nhà chung của những phạm nhân nguy hiểm nhất trong hệ thống các nhà tù trên toàn nước Mỹ, cũng như những kẻ bị kết tội khủng bố. Đó là những kẻ, theo cách nói của ông Robert Hood, một cựu cai ngục của ADX, đã “giành được quyền vào ở trong siêu nhà tù mà không phải tốn một xu.”

“Cuộc sống tại Supermax giống như kiểu cuộc sống sau khi chết vậy,” ông Hood cho biết, “Nó kéo dài dai dẳng, và đối với tôi, nó còn tệ hơn cả cái chết.”

“Bản thân ADX đã…gần như hoàn toàn trở thành một cơ sở “kìm kẹp”, nơi các tù nhân bị nhốt trong những phòng giam biệt lập hầu như mọi lúc…trừ một vài tiếng trong tuần.” Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong một bản báo cáo năm 2014 có tựa đề “Chôn giấu: Sự biệt lập trong hệ thống nhà tù liên bang Mỹ.”

Phạm nhân tại ADX bị biệt lập trong những phòng giam chật hẹp với thời gian lên tới 23 tiếng/ngày 

Phạm nhân tại ADX bị biệt lập trong những phòng giam chật hẹp với thời gian lên tới 23 tiếng/ngày 

Một vụ kiện tập thể đối với Bộ Nhà tù Mỹ vào năm 2012 từng cáo buộc “hàng năm trời bị cô lập, bị hạn chế hoặc tước bỏ khả năng tương tác trực tiếp với người khác” đã khiến một số phạm nhân tại ADX – nhất là những người bị mắc chứng tâm thần, “bị thiếu hụt một cách trầm trọng các kỹ năng xã hội hay hành vi thích ứng cơ bản nhất,” và làm họ “trở nên hoang tưởng về động cơ và ý định của những người khác.

Một khi bị rơi vào tình trạng bị hạn chế giao tiếp với người khác, cùng bị hoang tưởng và khiếm khuyết về tinh thần như họ, áp lực đối với những tù nhân – ngay cả với những người có thần kinh bình thường – có thể diễn biến vô cùng cực đoan. Ở siêu nhà tù ADX, những vụ đánh đập và đâm chém thường xảy ra như cơm bữa.

Rất nhiều tù nhân tại ADX đã “không ngừng kêu than, la hét và đập phá những bức tường trong buồng giam của họ,” bản cáo trạng cho biết, “Một số phạm nhân tự hành hạ cơ thể của mình bằng dao lam, mảnh kính vỡ, xương gà được vót nhọn, bút viết hay bất cứ thứ gì mà họ có. Thậm chí còn có trường hợp tự nuốt dao lam, bấm móng tay, các bộ phận của TV hay đài radio, mảnh kính vỡ và các dụng cụ nguy hiểm khác.”

Việc bị cách ly quá lâu khỏi những tương tác bên ngoài khiến nhiều tù nhân tại ADX bị khủng hoảng về tâm lý ...

Việc bị cách ly quá lâu khỏi những tương tác bên ngoài khiến nhiều tù nhân tại ADX bị khủng hoảng về tâm lý ...

"Giá như mình chết đi"

Các tài liệu từ phía tòa án còn tiết lộ một số tù nhân thường có “những cuộc trò chuyện ảo tưởng với những giọng nói trong đầu họ,” Số khác còn thải phân, nước tiểu cùng các chất thải khác trên cơ thể ra phòng giam, rồi ném về phía cai ngục.

“Tôi biết rõ điều đó khi bạn nhét một người vào trong một hộp kín suốt 23 giờ đồng hồ, rồi bảo họ phải sống nốt quãng đời còn lại trong đấy, và phải thích nghi với nó,” ông Hood cho biết. “Khi bạn nhìn thấy một người xé quần xé áo, hay ném phân vào một nhân viên nhà tù đi qua họ, đó chả phải là dấu hiệu tâm thần sao? Đó chả phải là biểu hiện tự hành hạ bản thân sao?”

Có ít nhất 6 tù nhân đã tự sát kể từ khi ADX được mở cửa vào năm 1994. Hầu hết các trường hợp đó là do tù nhân tự treo cổ bằng nệm trải giường.

...Nhiều tù nhân thường tự hành hạ cơ thể, ném chất thải vào cai ngục, hay thậm chí tự sát

...Nhiều tù nhân thường tự hành hạ cơ thể, ném chất thải vào cai ngục, hay thậm chí tự sát

“Dù tôi biết mình muốn được sống và tôi đã luôn là một kẻ sống sót, thỉnh thoảng tôi vẫn ước giá như mình chết đi,” Thomas Silverstein, người từng phải thụ án 30 năm biệt giam, trong đó có 9 năm tại ADX, cho biết trong báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, “Dù vậy, tôi vẫn biết rằng mình không muốn chết. Tôi cần một cuộc sống phần nào đó có ý nghĩa trong tù.”

Theo bà Laura Rovner, giáo sư luật trường Đại học Cao đẳng Denver, người từng đại diện bào chữa cho các tù nhân tại ADX, có những ghi nhận cho thấy những điều kiện tại siêu nhà tù ADX có nhiều điểm tương đồng so với nhà tù Vịnh Guatanamo khét tiếng ở Cuba.

“Với rất nhiều người, việc mang một án tù chung thân tại ADX không khác gì một án tử hình,” bà cho biết. “Bạn sẽ bị tước đoạt mọi thứ, và sự tồn tại của bạn chỉ còn được giới hạn bởi 4 bức tường phòng giam chật hẹp, không hơn không kém.”

Theo bà Rover, những phạm nhân bị các vấn đề tâm lý hoặc tuổi đời còn trẻ thường là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

“Đó là những người dễ bị tổn thương, những người sẽ cảm thấy cô độc một cách sâu sắc hơn,” bà cho biết, “Dù vẫn được cho là sẽ sống trong thời gian dài, nhưng họ nhiều khả năng sẽ bị cô lập trong ít nhất 50 năm nữa. Điều đó thật ngoài sức tưởng tượng.”

Hình ảnh hiện tại của tên khủng bố bom thư Ted Kaczynski. Hắn là một trong số ít những phạm nhân có quyền được đọc sách trong tù

Hình ảnh hiện tại của tên khủng bố bom thư Ted Kaczynski. Hắn là một trong số ít những phạm nhân có quyền được đọc sách trong tù

 “Nếu bạn là “Kẻ đánh bom thư” có học vị cao…và biết nhiều thứ tiếng, bạn sẽ được ngồi đọc sách cả ngày,” ông Hood miêu tả về trường hợp của tên khủng bố Ted Kaczynski, kẻ trước đó từng được những người quen nhận xét là “rất sáng láng”.

“Nhưng rất nhiều phạm nhân lại không có kỹ năng thích ứng. Họ không có khả năng đọc. Họ không biết tranh tụng. Chẳng có lối thoát nào cho họ. Và nhiều khả năng đó là những kẻ sẽ ném phân vào mặt bạn.”

Tuy vậy, theo John Oliver, quản ngục hiện tại của ADX, nhà tù dù có mức độ an ninh nghiêm ngặt đến đâu, song vẫn có đầy đủ những điều kiện sống tốt nhất, như việc các phạm nhân thuộc diện An ninh Đặc biệt vẫn có thể được gửi thư tay, tập thể dục trong phòng giam của họ, nói chuyện điện thoại với thời gian tối đa 30 phút/tháng, hay thậm chí được tự viết sách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Việt Anh - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Những trùm ma túy khét tiếng thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN