Cuộc chạm trán giữa trời và hành động bất ngờ của một phi công Đức Quốc xã

11h trưa ngày 20-12-1943, phi đoàn 319 gồm 9 máy bay ném bom B-17 thuộc tập đoàn Không quân chiến lược số 8, lực lượng Không quân lục quân Mỹ (USAAF) xuất phát từ căn cứ Kimbolton, Anh quốc, bay vào vùng trời nước Đức Quốc xã để thực hiện vụ ném bom hủy diệt nhà máy sản xuất máy bay tiêm kích Focke-Wulf đặt tại thành phố Bremen, Đức. Và trong vụ ném bom này, một chuyện lạ lùng nhất lịch sử chiến tranh đã xảy ra…

Thảm họa giữa trời

11h 30 trưa 20-12-1943, từ độ cao 8.320m trên bầu trời thành phố Berman, Đức, phi hành đoàn của 9 chiếc máy bay B-17 đã nhìn thấy mục tiêu là nhà máy Focke-Wulf. Trung úy Charles Brown, cơ trưởng của 1 trong 9 chiếc B-17, mã định danh là “Ye Olde Pub” nhớ lại: “Trong giây lát, hàng trăm khẩu pháo phòng không đồng loạt nhắm vào chúng tôi. Nó tạo ra những cụm khói đen như những cái nấm nở rộ sau cơn mưa.

Phi hành đoàn của chiếc B-17 do Brown (ngồi thứ 2 từ trái qua) là cơ trưởng.

Phi hành đoàn của chiếc B-17 do Brown (ngồi thứ 2 từ trái qua) là cơ trưởng.

Khi tôi nghe trung úy Robert Andrews, phụ trách quan sát báo rằng mục tiêu đã nằm trong tầm ngắm thì lập tức, tôi ra lệnh cho trung sĩ Bertrand O. Coulombe, kỹ sư cơ khí phi hành kéo cần điều khiển để khoang chứa bom mở ra rồi tiếp theo, Andrews nhấn nút. Chỉ trong 10 giây, toàn bộ số bom nặng 7.800kg rơi xuống. Khi nghiêng cánh để quay về, tôi còn kịp nhìn thấy những chớp lửa lóe lên dưới mặt đất”.

B-17 là loại máy bay oanh tạc hạng nặng với 4 động cơ cánh quạt tăng áp, bay với tốc độ trung bình 350km/giờ và có thể lên cao 9.000m. Phi hành đoàn ngoài cơ trưởng, cơ phó, còn có 8 thành viên gồm hoa tiêu, kỹ sư cơ khí, ném bom, truyền tin và phụ trách súng máy với tổng cộng 12 khẩu cỡ nòng 12,7mm, bố trí ở mũi, đuôi, hai bên hông và trên lưng. Vẫn theo cơ trưởng Brown thì thời điểm 1943, trong những phi vụ oanh tạc đường dài, Không quân Mỹ chưa có loại máy bay tiêm kích nào có thể hộ tống những chiếc B-17 đến mục tiêu rồi quay lại vì không đủ nhiên liệu. Do vậy Phi đoàn 319 chỉ được những chiếc Grumman F3F bay theo bảo vệ đến bờ biển Hà Lan. Mọi chuyện còn lại B-17 tự lo liệu.

Trước đó, trong buổi họp phổ biến nhiệm vụ, sĩ quan tình báo thuộc tập đoàn Không quân chiến lược số 8 cho biết Phi đoàn 319 sẽ chạm trán với hàng trăm máy bay chiến đấu Đức, còn nhà máy Bremen được bảo vệ bởi 250 súng phòng không, từ 37mm đến 88mm. Trên biểu đồ hành quân, 319 sẽ bay theo đội hình mũi tên và chiếc B-17 của Brown nằm ở góc ngoài cùng bên trái. Tuy nhiên, lẽ ra Phi đoàn 319 xuất kích với 12 chiếc B-17 nhưng đến phút chót, có 3 chiếc gặp phải vấn đề về động cơ nên phải ở lại,  Charles Brown được đôn lên dẫn đầu. Đây là vị trí đặc biệt nguy hiểm vì máy bay và phòng không Đức thường bắn vào chiếc dẫn đầu để phá vỡ thế liên kết.

Y như rằng, khi vừa thả hết bom xuống nhà máy Focke-Wulf, một quả đạn phòng không 88mm nổ ngay trước đầu chiếc B-17 của Brown khiến vòm kính mũi máy bay, là nơi đặt khẩu đại liên 2 nòng 12,7mm vỡ nát đồng thời làm hỏng động cơ số 2 nên tốc độ máy bay tụt xuống chỉ còn 240km/giờ. Brown nói: “Xung quanh chúng tôi xuất hiện hàng chục máy bay tiêm kích Đức gồm 2 loại Messerschmitt Bf 109 và Focke-Wulf Fw 190 nên 8 chiếc B-17 chỉ có thể hỗ trợ bằng cách bắn nhiều loạt đạn về phía địch rồi thoát đi. Do tốc độ chậm, chúng tôi không thể theo kịp họ”.

Chiếc B-17 ném bom nhà máy Focke-Wulf.

Chiếc B-17 ném bom nhà máy Focke-Wulf.

Vài chục giây sau đó, một chiếc Messerschmitt Bf 109 từ trên cao bổ nhào xuống. Loạt đạn 20mm do nó bắn ra nổ gần động cơ số 3 khiến đường ống dẫn nhiên liệu bị hỏng, công suất chỉ còn 40%. Một loạt đạn khác xé tung phần thân phía sau buồng lái làm vỡ thiết bị cung cấp oxy, cắt đứt nhiều dây dẫn điện và hệ thống thủy lực. Chưa hết, 2 chiếc Focke-Wulf Fw 190 khác cũng bâu vào và những viên đạn 20mm đã thổi bay bánh xe và một phần cánh lái sau của chiếc B-17. Xạ thủ giữ khẩu đại liên 12,7mm ở đuôi là trung sĩ Eckenrode bị mảnh đạn chém lìa đầu.

Do dây dẫn điện đã đứt, 8 trong số 12 khẩu súng bảo vệ máy bay không còn bắn được nữa. Chiếc B-17 lúc ấy chỉ còn 2 khẩu 12.7mm trên lưng và 2 khẩu trước mũi trong khi xạ thủ Yelesanko bị thương nặng ở chân, xạ thủ Pechout bị mảnh đạn ghim vào mắt còn cơ trưởng Brown cũng bị thương ở vai. Do nhiệt độ bên ngoài âm 6 độ C trong lúc hệ thống điều áp hoàn toàn tê liệt nên khi trung úy Spencer Pinky Luke lấy được mấy ống morphin trong túi thuốc, định tiêm giảm đau cho những người bị thương thì mới hay nó đã… đóng băng. Cơ trưởng Brown nói: “Máy truyền tin cũng hỏng vì trúng đạn nên chúng tôi không thể phát tín hiệu cấp cứu. Đã có lúc, phi hành đoàn tính đến việc nhảy dù nhưng do Yelesanko bị thương nặng, không thể bỏ rơi cậu ấy nên tôi quyết định bay tiếp”.

Tình người trên không trung

Lúc này, tốc độ của chiếc B-17 do Charles Brown điều khiển chỉ còn khoảng 200km/giờ ở độ cao 1.500m trong lúc dưới đất, một trong những “át chủ bài” của Không quân Đức là trung úy Franz Stigler, người đã bắn rơi 27 máy bay Mỹ đang tiếp xăng cho chiếc tiêm kích Messerschmitt Bf 109 G-6 của mình. Đây là loại máy bay chiến đấu thế hệ mới mà Đức Quốc xã vừa tung ra chiến trường với tốc độ 640km/giờ, lên cao 6.400m, vũ trang bằng 2 đại liên 13mm ở trên cánh, 1 pháo 30mm trước mũi, bắn xuyên qua vòng quay cánh quạt, 2 tên lửa BR21 và 2 pháo 20mm dưới cánh. Khi nghe tiếng động cơ rền rĩ và khi nhìn thấy chiếc B-17 bay lặc lè, Franz Stigler ra lệnh cho người thợ bơm xăng ngắt nguồn nhiên liệu. Frank nói: “Lượng xăng vừa bơm vào đủ cho tôi bay 40 phút, quá thừa thời gian để bắn hạ máy bay kia”.

Chiếc Messerschmitt do Franz điều khiển kèm sát chiếc B-17 của Brown.  Ảnh nhỏ, trái: Brown, bên cạnh là Franz.

Chiếc Messerschmitt do Franz điều khiển kèm sát chiếc B-17 của Brown.  Ảnh nhỏ, trái: Brown, bên cạnh là Franz.

Rồi Franz cất cánh. Chỉ mất hơn 3 phút, ông ta đã ở ngang với chiếc B-17. Nhiều năm sau lúc nhớ lại chuyện này, Franz kể: “Nhìn qua những mảnh vỡ, tôi thấy có mấy người bị thương. Ở tháp pháo trên lưng, 2 khẩu 12.7mm chĩa thằng vào tôi nhưng xạ thủ ngồi bất động. Tôi biết chiếc B-17 chắc chắn sẽ rơi. Tôi không bắn họ vì lúc ấy họ giống như những người lính nhảy dù đang ở lưng trời, vô phương tự vệ”.

Về phía trung úy Brown, ông cho biết lúc nhìn thấy chiếc Messerschmitt Bf 109 G-6 ở ngay trên đầu mình, ông rất ngạc nhiên nhưng ngay lập tức ông hiểu ra rằng trong các cuộc không chiến, phần lớn phi công của cả hai phía đều tuân theo một quy ước bất thành văn. Đó là khi máy bay của đối phương đã trúng đạn nặng nề, có khả năng rơi hoặc nổ tung thì chẳng ai bắn vào nó nữa. Brown nói: “Chiếc Messerschmitt hoàn toàn có thể tiêu diệt chúng tôi vì nó ở thế thượng phong nhưng nó đã không làm. Vì vậy tôi ra lệnh cho xạ thủ của các khẩu đại liên còn lại không được nổ súng”.

Những giây phút nghẹt thở trôi qua. Theo Brown thì từ lúc chiếc Messerschmitt kèm sát máy bay ông, pháo phòng không dưới đất không thấy bắn nữa. Franz Stigler giải thích: “Qua máy truyền tin, tôi yêu cầu phòng không ngừng bắn để tôi ép chiếc B-17 phải hạ cánh, bắt sống toàn bộ phi hành đoàn. Mặt khác, tôi đưa tay ra hiệu cho phi công trên chiếc B-17 cố giữ nguyên cao độ, tốc độ và rẽ về phía trái”.

Nhìn thấy những thủ hiệu này, Charles Brown rất ngạc nhiên vì rẽ sang trái có nghĩa là bay ra bờ biển Hà Lan. Để kiểm chứng, Brown cũng ra dấu, rằng: “Tôi sẽ bay theo hướng ấy?”. Đáp lại, Franz Stigler gật đầu kèm theo ngón tay cái giơ lên: “Đúng vậy”.

Gần 30 phút sau, chiếc B-17 ra khỏi không phận nước Đức Quốc xã, Charles Brown nói: “Phi công trên chiếc Messerschmitt chào tạm biệt và chúc tôi may mắn bằng cách lắc cánh 3 lần. Tôi hiểu rằng anh ta không muốn bắn hạ chúng tôi mà chỉ giúp chúng tôi thoát thân. Do máy bay của tôi không còn có thể lắc cánh chào lại nên tôi chỉ biết vẫy tay tạm biệt”.

Mất hơn 2 tiếng, bằng những cố gắng phi thường, Charles Brown đưa chiếc B-17 đầy thương tích vượt 400 km qua biển Bắc rồi đáp xuống căn cứ Không đoàn ném bom chiến thuật 448 Seething thuộc Không lực Hoàng gia Anh. Trong bản tường trình sau đó, Brown được lệnh “tuyệt đối không nói gì đến việc chiếc B-17 được sự hộ tống và dẫn đường bởi một chiếc Messerschmitt của Không quân Đức Quốc xã” vì điều đó “có thể sẽ tạo ra những cái nhìn khác về phi công Đức”.  Và mặc dù chấp hành mệnh lệnh nhưng Brown vẫn đặt câu hỏi: “Ai đã quyết định rằng khi ở trong buồng lái, phi công không còn là con người dù đó là người Anh, Mỹ hay người Đức?”.

Về phía Franz Stigler, lúc hạ cánh xuống căn cứ, ông cũng không hề nói gì về việc đã tha mạng kẻ thù vì nó sẽ dẫn ông đến tòa án binh mặc dù theo ông “những quả bom do chiếc B-17 ném xuống có thể đã giết nhiều đồng đội tôi và cả những thường dân vô tội”. Trong báo cáo ông chỉ viết: “Chiếc B-17 đã bị hư hỏng nặng nên không còn khả năng hạ cánh theo lệnh tôi. Nó rơi trên đất Hà Lan và tôi chắc rằng sẽ chẳng còn kẻ nào sống sót”. Cho đến khi Thế chiến II kết thúc, Đức Quốc xã đầu hàng, Franz vẫn là phi công chiến đấu thuộc Không đoàn Jagdverband 44.

Cuộc hội ngộ

Thế chiến II kết thúc. Brown trở về nhà ở bang West Virginia rồi vào Học viện Hàng không, còn Franz di cư sang Canada và trở thành doanh nhân. Năm 1949, sau khi tốt nghiệp, Brown trở lại Không quân Mỹ, là phi công ném bom thuộc Tập đoàn Không quân chiến lược số 7.

Cũng năm 1949, ngay khi tốt nghiệp Học viện Hàng không, Brown bắt đầu tìm kiếm tung tích của người đã tha mạng mình trong trận oanh tạc nhà máy Focke-Wulf ngày 20-12-1943. Sau 4 năm ròng rã đọc hàng núi hồ sơ của cả Không quân Mỹ lẫn Không quân Đức Quốc xã, Brown vẫn không tìm thấy một thông tin nào. Mãi đến 1954, sau khi viết bài cho bản tin của “Hiệp hội các phi công chiến đấu”, kể lại câu chuyện “chạm trán giữa trời” thì Brown nhận được một lá thư gửi từ Canada. Thư viết: “Chào Brown. Tôi là Franz Stigler, là người mà bạn đã nhắc đến”. Trong những cuộc điện thoại sau đó, Franz kể cho Brown từng chi tiết về “cuộc đối đầu kỳ lạ” nên  Brown tin chắc Franz là người đã cứu phi hành đoàn của ông.

Năm 1990, Brown và Franz gặp nhau lần đầu tiên. Lúc này Franz đã là một doanh nhân thành đạt ở Canada còn Brown đã nghỉ hưu. Từ đó đến khi chết, họ là đôi bạn thân gắn bó. Trong một bức ảnh chụp chung rồi in thành 2 tấm, Brown viết vào tấm ảnh gửi cho Franz: “Với tình người, không gì là không thể”; còn trong tấm ảnh của Brown, Franz cũng viết y như vậy.

Ngày 23-3-2008, Franz qua đời ở Canada. Đến ngày 28-11-2008, Charles Brown cũng mất tại quê nhà West Virginia. Vài tháng trước khi mất, Franz viết trên trang Yahoo: “Rất lâu sau khi tôi và Charles công khai câu chuyện “chạm trán trên trời”, tôi vẫn nhận được những cuộc gọi từ Đức. Họ nói tôi là kẻ phản bội trong lúc ở Canada, nhiều láng giềng xa lánh tôi vì họ xem tôi như một tên Quốc xã, đã từng nhận huân chương Hiệp sĩ do Hermann Goering, Tư lệnh Không quân Đức Quốc xã trao tặng. Họ sẽ chẳng bao giờ hiểu được rằng ngay từ khi tôi và Brown liên lạc với nhau và biết cả hai đều còn sống, chúng tôi đã tìm thấy sự bình yên trong lòng….".

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ phục kích khiến Liên Xô - Trung Quốc sẵn sàng chĩa tên lửa hạt nhân vào nhau

Binh sĩ Liên Xô rơi vào bẫy phục kích của lính Trung Quốc ở một hòn đảo, khiến nhiều người thiệt mạng. Căng thẳng đôi bên từ đó leo thang tới mức suýt chút nữa đẩy thế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Cao (Aviation War History) ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN