Con người tiến hóa để... không cần tập thể dục
Daniel Lieberman đã dành cả sự nghiệp nghiên cứu về khả năng thể lực của con người, và ông phát hiện ra rằng loài người tiến hóa chỉ để thích nghi với việc...nghỉ ngơi.
Để hoàn thành bài luận mới nhất "Liệu rèn luyện có phải là cách chữa bệnh dưới góc nhìn tiến hóa", Lieberman đã nghiên cứu về béo phì, và cách mà thói quen vận động ảnh hưởng lên hành vi, tâm lý và sức khỏe.
Cấu trúc cơ thể con người đã dần thích nghi với việc chạy để săn bắn, như ngón chân ngắn, xương gót dày, tiết mồ hôi để hạ nhiệt. Nhờ đó họ có thể đuổi theo con mồi cho tới khi một trong hai kiệt sức.
Như vậy nguời đọc có thể suy luận rằng cuộc sống tiện nghi hiện đại đã làm họ lười đi, nhưng không phải vậy. Để có sức kiếm cái ăn đảm bảo sống còn, việc nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng và sinh đẻ mới là ưu tiên cần thiết.
Dĩ nhiên như đã nói ở trên con người có cấu trúc lý tưởng cho điền kinh, nhưng đó chỉ là chức năng phụ. Nói cách khác, cơ chế hoạt động của con người là phải chạy ít nhất có thể, chỉ khi nào cần thiết.
"Chẳng có người săn bắn hái lượm nào ra ngoài dạo bộ cả. Họ cầy cấy, làm việc, còn những thứ khác không cần thiết, nhất là khi năng lượng có hạn", Lieberman giải thích.
Như vậy quá trình tiến hóa tiếp nhận thói quen vận động và nghỉ ngơi để điều chỉnh về thể chất sao cho đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất, ví dụ như các cơ không cần thiết sẽ teo dần đi. Tuy nhiên quá lười vận động sẽ gây ra tác động xấu như loãng xương và để phòng ngừa thì vận động là cách thức hữu hiệu.
Vận động giúp khả năng của hệ tim mạch và các cơ quan khác cũng được cải thiện. Nếu không, các mạch máu sẽ dần cứng lại, tim bơm máu ít hơn và trao đổi chất cũng chậm lại. Hậu quả kéo theo là những bệnh như béo phì, tiểu đường mà không có cách chữa trị hiệu quả hơn.
"Không cần tập thể dục đâu", đó là tiếng gào trong tiềm thức suốt 2 triệu năm nay. Đó là lý do việc vận động quá khó khăn với đa số người. Hệ quả rõ ràng như "không đi săn thì sẽ đói bụng" không còn trong thế giới hiện đại nên rõ ràng là không mấy ai hứng thú.
Tuy nhiên, một thí nghiệm về tự giác tập luyện đối với nhóm sinh viên tại ĐH Harvard cho thấy vận động có tác động lên cả tâm lý. Các sinh viên bị căng thẳng và lo lắng ít vận động hơn nhiều so với các sinh viên có tâm trạng hạnh phúc. Và cách duy nhất để cứu vãn đó là khiến những hoạt động thân thể trở nên thú vị và mang tính cộng đồng, thay vì thụ động nhàn rỗi.