Con người góp phần tạo ra cả nghìn giống loài mới

Cùng với sự tham lam của con người, nhiều loài động vật đã tuyệt diệt nhưng các giống loài mới cũng dần xuất hiện như kết quả của sự thích nghi với môi trường.

Con người góp phần tạo ra cả nghìn giống loài mới - 1
Con người đã can thiệp đáng kể vào hệ sinh thái

Trong Thế chiến II, người dân London phải xuống hầm tàu điện tránh bom của Đức. Nhưng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, họ gặp phải một kẻ thù khác, đó là muỗi.

50 năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhóm khoa học từ Đại học London thu ấu trùng và trứng từ dưới hầm lên nghiên cứu. Theo đó, muỗi dưới hầm tỏ ra ưa chuộng con mồi là động vật có vú hơn hẳn chim chóc, so với đồng loại của chúng trên mặt đất. Hai loại muỗi này cũng không sinh sản nếu được nhốt chung. Họ kết luận muỗi dưới hầm tàu điện đã phát triển thành một chủng hoàn toàn mới để thích nghi với điều kiện tại đó.

Từ lâu giới khoa học đã nhiều lần cảnh báo con người đang tuyệt diệt nhiều giống loài. Số bi quan lo ngại rằng với tốc độ hiện tại, trái đất sẽ sớm chạm tới thảm họa tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6, 60 triệu năm sau khi thiên thạch tuyệt diệt khủng long.

Tuy nhiên, Joseph Bull từ Đại học Copenhagen đặt vấn đề rằng liệu có diễn biến khác. Anthropocene, tên đặt cho kỷ nguyên mới sẽ bắt đầu khi nền văn minh của con người bắt đầu có tác động đáng kể, dường như đang chớm nở, khi các loài vật "bình cũ rượu mới" bắt đầu lộ diện.

Con người góp phần tạo ra cả nghìn giống loài mới - 2
Lợn rừng hung dữ hơn hẳn lợn nhà

Ví dụ rõ nhất là việc thuần hóa và nhân giống như một kiểu tiến hóa cưỡng chế: lợn lòi thành lợn nhà, sói lai tạo thành chó. Ngoài ra cũng có những loài mà con người gián tiếp tạo ra khi chuyển nơi ở và mang theo cây cối/động vật.

Chúng sẽ tiếp tục sinh sống hoặc lai tạo với các giống bản địa, nếu thích nghi trong môi trường mới. Ảnh hưởng từ điều kiện tự nhiên dần khiến gen di truyền biến đổi. Từ đó có thể thấy rất nhiều loài động vật gốc có "anh em" với hình dáng và tập tính tương tự ở những nơi cách nửa vòng trái đất.

Một lý luận khá ấn tượng khác là săn bắn không chỉ làm tuyệt chủng một số loài, mà sẽ loại bỏ những gen "trội" như màu sắc quá lộ liễu của loài chim nào đó, hay giảm kích thước ở cá để khỏi bị mắc lưới, tuy chưa có bằng chứng rõ ràng.

Tới giờ, chắc chắn nhất vẫn là việc quá trình đô thị hóa đã tạo ra hệ sinh thái hoàn toàn mới khiến động vật phải thích ứng để đáp ứng nhu cầu cơ bản, như muỗi hút máu người thay vì chim chóc, khiến việc kiếm ăn sẽ dễ dàng hơn.

Con người góp phần tạo ra cả nghìn giống loài mới - 3
Sói và chó nhà

Trong một nghiên cứu gần đây nhất, Bull đã tổng hợp rằng trong vòng 12.000 năm qua, con người đã làm tuyệt chủng 1.359 loài động thực vật, nhưng cũng nhân giống và thuần hóa 1.634 loài.

Thực tế, con số tuyệt chủng có thể lớn hơn vì còn quá nhiều loài động thực vật mà con người chưa biết tới. ĐIều tương tự cũng xảy ravới các giống loài tiến hóa và thích nghi, lấy ví dụ như vi khuẩn kháng kháng sinh với tốc độ khó theo kịp.

Tuy nhiên Bull lưu ý rằng hai quá trình trên không bù trừ cho nhau. Rất nhiều loài như cá mập, sói thuộc nhóm săn mồi đang biến mất mà không có giống thay thế phù hợp có thể khiến hệ sinh thái sụp đổ, chưa kể bằng chứng hàng triệu năm tiến hóa vô giá cũng mất đi.

Ông kết luận rằng dù có tạo ra bao nhiêu thì loài người cũng không thể bù đắp được những gì đã bị phá hủy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mẫn Di - Wired ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN