Chuyện gì xảy ra với tàu ngầm Indonesia trong giây phút định mệnh cuối cùng?

Sau 5 ngày tìm kiếm, Indonesia cuối cùng đã xác định vị trí tàu ngầm chở 53 người ở độ sâu khoảng 850 mét ngoài khơi Bali.

Giới chức Indonesia xác nhận không có người sống sót trong thảm kịch chìm tàu ngầm KRI Nanggala-420. Hải quân Indonesia hiện đang cân nhắc về khả năng mở chiến dịch trục vớt tàu ngầm để xác định nguyên nhân thảm kịch.

Theo tờ The Conversation, những hình ảnh và video do tàu thăm dò Singapore ghi lại, cho thấy tàu ngầm đã bị vỡ thành 3 phần. Trong đó, phần thân và đuôi tàu tách rời nhau.

Một bức ảnh khác cho thấy những hình ảnh bên trong thân tàu, nhưng không rõ là phần nào của tàu ngầm.

Ở thời điểm hiện tại, rất khó để xác định con tàu đã gặp phải sự cố nào khi lặn. Tàu ngầm Indonesia có thể gặp phải sự cố kỹ thuật, dẫn đến nước tràn vào một hoặc nhiều khoang kín, khiến tàu mất cân bằng và chìm xuống đáy biển.

Hình ảnh xác tàu ngầm Indonesia chìm ở độ sâu 850 mét.

Hình ảnh xác tàu ngầm Indonesia chìm ở độ sâu 850 mét.

Tàu cũng có thể bị cháy, điều mà các thủy thủ tàu ngầm luôn lo ngại nhất. Điều bất thường là các thủy thủ trên tàu không hề gửi tín hiệu cấp cứu về sở chỉ huy. Nghĩa là có điều gì đó xảy ra rất đột ngột.

Nhưng dù thế nào, khi con tàu chìm xuống đáy biển một cách không kiểm soát, số phận của 53 người trên tàu, bao gồm 49 thủy thủ, đã được định đoạt, theo The Conversation.

Tàu ngầm KRI Nanggala-420 không được thiết kế để hoạt động ở độ sâu lớn hơn 500 mét. Ở độ sâu hơn 800 mét, áp lực nước quá lớn khiến thân tàu bị bóp nghẹt, vỡ làm 3 mảnh. 53 người trên tàu được cho là chết ngay lập tức do chênh lệch áp suất.

Indonesia sẽ phải cân nhắc xem có cần trục vớt tàu ngầm hay không.

Indonesia sẽ phải cân nhắc xem có cần trục vớt tàu ngầm hay không.

Không có nhiều tàu ngầm trên thế giới được thiết kế để lặn xuống độ sâu lớn hơn 800 mét, nhưng trục vớt tàu ngầm ở độ sâu này là hoàn toàn có thể.

Năm 1974, người Mỹ từng bí mật trục vớt tàu ngầm Liên Xô bị chìm ở độ sâu 4.900 mét, bằng cách nâng cả con tàu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có sự cố xảy ra khiến một phần thân tàu rơi xuống đáy biển.

Theo The conversation, vấn đề mà giới chức Indonesia phải cân nhắc là chi phí trục vớt tàu ngầm. Khoản tiền này có thể được dung để nâng cấp 4 tàu ngầm còn lại, thay vì nâng xác tàu KRI Nanggala-420.

Không có gì đảm bảo rằng trục vớt tàu sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân xảy ra tai nạn. Theo The Conversation, tàu ngầm là cỗ máy hoạt động phức tạp, không có hộp đen ghi lại toàn bộ các dữ liệu như trên máy bay.

Phương pháp thường thấy là huy động tàu lặn không người lái ghi lại hình ảnh, quay video chi tiết xác tàu, kết hợp với thu thập một số các mảnh vỡ, nguyên nhân tàu ngầm gặp nạn có thể được làm sáng tỏ, tờ The Conversation kết luận.

Nguồn: [Link nguồn]

Những thảm kịch tàu ngầm tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới

Tàu ngầm là một trong những vũ khí tiên tiến nhất mà nhân loại từng chế tạo. Do đặc tính hoạt động bí mật dưới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - The Conversation ([Tên nguồn])
Tàu ngầm Indonesia mất tích Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN