Bước ngoặt lớn với tộc người ngoại lai Trung Quốc ở Đông Nam Á

"Thế giới" mà người Peranakan sống từng trải qua thời điểm được cho là "thập tử nhất sinh". 

Một đám cưới của người Peranakan. Văn hóa Peranakan từng có thời kỳ huy hoàng ở thế kỷ 20. Ảnh: HM

Một đám cưới của người Peranakan. Văn hóa Peranakan từng có thời kỳ huy hoàng ở thế kỷ 20. Ảnh: HM

Trong hàng trăm năm, người Peranakan chung sống ở Singapore, Malaysia cùng với người Malaysia, người Indonesia và người Ấn Độ. Vào những năm 1800 và 1900, họ được gọi với cái tên "Người Hoa ở vùng eo biển", sống dọc theo eo biển Malacca, eo biển Johore ở Malaysia và Khu định cư eo biển (gồm Penang, Malacca của Malaysia và Singapore - thuộc quyền quản lí của Đế quốc Anh).

Phần lớn thời kì hưng thịnh, người Peranakan sống hòa hợp với các nhóm người khác và là một trong những nhóm sắc tộc nổi bật nhất trong Khu định cư eo biển.

Tuy nhiên, khi bước sang thế kỉ 20, thế giới của người Peranakan bắt đầu bị tác động lớn từ bên ngoài. Đến thập niên 30 của thế kỉ 20, các nét truyền thống trong đời sống gia đình của người Peranakan cũng như các ngành công nghiệp, nghề thủ công và nghệ thuật, vốn được gìn giữ qua nhiều thế hệ, đã dần biến mất.

Có nhiều lý do giải thích cho sự mai một này. Những ảnh hưởng từ bên ngoài của phương Tây (như phim ảnh, đài phát thanh), tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau (một số người Peranakan đã tới châu Âu để du học) và tiếp xúc với lối sống mới... Tất cả những yếu tố đó đã tác động lớn đến cách người Peranakan sống và làm việc.

Người Peranakan tự hào về các nghề thủ công truyền thống của họ. Những nghề này dù hay nhưng cũng rất tốn thời gian, công sức và khó học. Đồ thủ công của người Peranakan không thể sản xuất hàng loạt.

Do văn hóa và cuộc sống của người Peranakan ngày càng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là cuộc Đại suy thoái (1929–1939), nhiều gia đình Peranakan giàu có một thời dần khánh kiệt.

Đế quốc Nhật tấn công

Bộ binh Nhật tấn công trên đường phố ở Singapore. Ảnh: The Past

Bộ binh Nhật tấn công trên đường phố ở Singapore. Ảnh: The Past

Bước ngoặt lớn nhất với người Peranakan xảy ra vào ngày 7/12/1941, khi đế quốc Nhật tấn công nhiều khu vực ở châu Á.

Từ tháng 12/1941 đến tháng 2/1942, lính Nhật tràn xuống Malaysia, áp đảo quân đội Anh và lực lượng địa phương, chiếm nhiều khu định cư, thành phố và bang ở đây.

Khi lính Nhật từ Malaysia tiến về Singapore, quân Anh cho nổ các cây cầu để cản đà tiến công của đối phương. Người Peranakan khi đó nhanh chóng tìm mọi cách để rời Malaysia và Singapore. 

Chỉ trong vài tuần, lính Nhật đã kiểm soát cả Malaysia và Singapore. Sự chiếm đóng này ngay lập tức tác động lớn đến người Peranakan. Giữa các cuộc không kích, giao tranh, tình trạng thiếu lương thực triền miên và các khó khăn khác, người Peranakan không thể tiếp tục lối sống vương giả như trước.

Nhiều giá trị cũ đã vĩnh viễn mất đi. Cuộc sống của người Peranakan đã thay đổi rất nhiều. Nhiều người Peranakan đã chết hoặc bị sát hại trong thời gian chiến tranh đến nỗi lối sống và các công trình kiến trúc quen thuộc của họ dần biến mất.

Trong sự hỗn loạn của chiến tranh, nhiều tác phẩm nghệ thuật và đồ thủ công của người Peranakan bị thất lạc. Kết cườm, thêu thùa, làm đèn lồng, sản xuất đồ sứ - các kĩ năng khiến người Peranakan tự hào - thời điểm đó cũng dần lụi tàn. Nhiều người trẻ Peranakan không có thời gian, tiền bạc, sự kiên nhẫn và hứng thú với nghề thủ công của tổ tiên họ, vốn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và năng khiếu.

Năm 1945, Thế chiến II kết thúc. Một quá trình xây dựng lại văn hóa Peranakan bắt đầu dù nhiều giá trị xưa đã mất đi vĩnh viễn.

Người Peranakan ngày nay như thế nào?

Ngày càng có nhiều người quan tâm đến văn hóa của người Peranakan. Ảnh: National Geographic

Ngày càng có nhiều người quan tâm đến văn hóa của người Peranakan. Ảnh: National Geographic

Chiến tranh buộc người Peranakan bị phân tán ra nhiều nơi. Họ dần hòa nhập với xã hội và không còn ở vị thế cao như trước thời chiến tranh. 

Theo trang Throughout History, trong thế kỉ 21, sự quan tâm dành cho văn hóa Peranakan ngày càng tăng. Ngày càng nhiều phụ nữ quan tâm đến trang phục Sarong-Kebaya của người Peranakan hơn, những ngôi nhà thiết kế đặc trưng của người Peranakan đang được khôi phục hoặc sử dụng làm bảo tàng văn hóa của người Peranakan. Việc sưu tập đồ trang sức, đồ sứ, đồ đính cườm và các đồ thủ công khác của người Peranakan cũng dần tăng lên.

Sự đặc biệt, hiếm có của văn hóa Peranakan thúc đẩy sự quan tâm đến tộc người ngoại lai Trung Quốc từng vang bóng một thời này. Nhiều người gốc Peranakan đang nỗ lực khôi phục nền văn hóa bị mai một. Trên khắp thế giới, từ Singapore, Malaysia, đến Úc và Mĩ, có nhiều hiệp hội câu lạc bộ do con cháu của người Peranakan thành lập. Tại đây, họ có thể gặp gỡ và trao đổi thông tin với nhau.

Mối quan tâm đến đồ thủ công, trang sức của người Peranakan cũng tăng lên. Một số công ty trang sức bắt đầu chế tạo đồ trang sức truyền thống của người Peranakan để bán. Đồ cổ Peranakan cũng tăng giá trị đáng kể khi có nhiều người chú ý tới nền văn hóa này.

Nhiều nhà hàng phục vụ các món ăn truyền thống của người Peranakan cũng mọc lên ở khắp Singapore, Malaysia và Úc trong vài năm qua.

-----------------------

Người Peranakan có nhiều phong tục đón Tết độc lạ như để thừa cơm trong nồi qua giao thừa, đổ đầy thùng đựng gạo và thùng đựng nước trước khi sang năm mới hay thậm chí nhìn màu của cơm để lâu ngày trên bàn thờ để phán đoán tương lai theo quan niệm ngày xưa. Các phong tục này tượng trưng cho điều gì và người Peranakan đón tết xưa, tết nay thú vị ra sao? Mời độc giả đón đọc bài tiếp theo đăng lúc 19h ngày 14/2 (mùng 5 Tết) để được giải đáp các thắc mắc này.

Nguồn: [Link nguồn]

Dù duy trì tín ngưỡng và văn hóa của Trung Quốc, nhưng người Peranakan vẫn được xem là một nhóm người khác biệt so với các nhóm người Trung Quốc di cư khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Tộc ngoại lai Trung Quốc ở Đông Nam Á Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN