Ảnh bé trai Syria chết đuối khiến cả thế giới câm lặng

Những bức ảnh nhói lòng, đầy ám ảnh về thi thể bé bỏng, yếu ớt của một bé trai di cư người Syria bị chết đuối rồi trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đang gây chấn động dư luận và phản ánh mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng tị nạn đang khiến giới chức trách Lục địa già đau đầu.

Cái chết thương tâm

Những bức ảnh mô tả thi thể của bé trai nằm úp mặt xuống nền cát trên bãi biển tại một trong những khu du lịch nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỹ bắt đầu lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội vào ngày 2.9 và gây chấn động dư luận thế giới.

Ảnh bé trai Syria chết đuối khiến cả thế giới câm lặng - 1

 Bức ảnh thi thể bé trai Syria chết đuối, dạt vào bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ gây chấn động thế giới

Bé trai mặc áo thun màu đỏ và quần đùi màu xanh lá cây được cho là một trong những di dân người Syria bị chết đuối trên đường vượt đại dương vào Hy Lạp do tàu của họ bị chìm ngoài khơi.

Những bức ảnh được cư dân mạng Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh... chia sẻ hàng chục nghìn lượt  trên Twitter và nhiều trang mạng xã hội khác.

Tờ Daily Mail của Anh đăng tải bức ảnh kèm lời bình luận "nạn nhân bé nhỏ của một thảm họa nhân đạo", trong khi đó, tờ La Repubblica của Ý viết: "Một bức ảnh khiến cả thế giới câm lặng..."

Còn báo Independent của Anh đặt câu hỏi nhói lòng: "Nếu những bức ảnh đầy ám ảnh về một bé trai Syria bị chết đuối và trôi dạt vào bờ biển vẫn không đủ để thay đổi lập trường của châu Âu đối với người tị nạn, thì cái gì mới đủ?".

Ảnh bé trai Syria chết đuối khiến cả thế giới câm lặng - 2

Thi thể bé trai Syria được di dời khỏi bãi biển

Cái chết của bé trai Syria trên đường di cư không chỉ phản ánh mối nguy hiểm có thể phải trả giá bằng sinh mạng mà hàng chục nghìn di dân đang tuyệt vọng chạy trốn khỏi chiến tranh và xung đột phải đối mặt khi liều mình vượt đại dương những mong tìm kiếm một cuộc sống mới ở châu Âu. Nó còn phản ánh cuộc khủng hoảng tị nạn mà giới chức trách "Lục địa già" đang phải đối mặt ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Thảm kịch người tị nạn "đốt nóng" châu Âu

Cái chết của bé trai Syria là tai nạn đau lòng mới nhất trong một chuỗi những bi kịch liên quan đến các di dân đang khiến giới chức trách châu Âu "đau đầu" và đòi hỏi họ phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp để xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Ảnh bé trai Syria chết đuối khiến cả thế giới câm lặng - 3

Người tị nạn người Syria tại khu vực biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ.

Không lâu trước đó, thảm kịch 71 di dân bị chết ngạt và thi thể đang trong tình trạng phân hủy khi được phát hiện trong chiếc xe tải khóa kín bị bỏ lại trên đường cao tốc Áo, gần khu vực biên giới giáp với Hungari. Thảm kịch xảy ra trên một trong những tuyến đường di cư chính từ Đông Âu sang Tây Âu đã làm chấn động "Lục địa già".

Cùng ngày, hai tàu chở di dân lậu tới châu Âu cũng bị chìm ở ngoài khơi Libya, khiến khoảng 300 người chết và mất tích. Hiện châu Âu đang bị choáng ngợp trước làn sóng di cư ồ ạt. Chỉ riêng tháng trước, số người vượt biên vào châu Âu đã tăng lên con số kỷ lục 107.000 người.  

Ông Peter Bouckaert, người đứng đầu bộ phận những tình huống khẩn cấp của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Thế giới cho hay, cái giá mà những di dân Syria muốn tìm kiếm cuộc đời mới ở châu Âu phải trả là chính mạng sống của họ.

"Họ gần như chắc chắn phải chết khi cố gắng vượt đại dương vào châu Âu trên những con tàu của bọn buôn người. Họ trở thành những nạn nhân mới nhất bởi phản ứng ít ỏi, thờ ơ của châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng di cư ngày càng trầm trọng", ông Peter Bouckaert nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ ở châu Âu cần phải hành động ngay để giải quyế cuộc khủng hoảng người di cư.

“Tôi kinh hoàng và đau lòng khi những người tị nạn và người di cư bỏ mạng tại Địa Trung hải, châu Âu và những nơi khác nữa", ông nhấn mạnh.

Trước tình hình này, chính phủ Đức đã đồng ý mở cửa “vô điều kiện” cho dòng người tị nạn đến từ Syria. Đức hiện là quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng quy định về quy chế tị nạn cho những người Syria muốn nhập cư vào châu Âu. 

Ảnh bé trai Syria chết đuối khiến cả thế giới câm lặng - 4

Bất chấp sự phản đối của một số quốc gia châu Âu, nữ Thủ tướng Angela Merkel vẫn đồng ý cho phép nhiều người tị nạn hơn vào Đức.

Đồng thời, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đẩy mạnh chiến dịch thuyết phục những thành viên còn lại trong EU “chia sẻ gánh nặng” cùng nước Đức và tham gia vào một hệ thống phân bổ dòng người tị nạn “công bằng hơn” trên toàn bộ lãnh thổ EU.

Tổng thống Đức Joachim Gauck cũng đề nghị chính phủ Ba Lan sớm ủng hộ các thỏa thuận có tính ràng buộc về việc tiếp nhận người tị nạn tại châu Âu.

“Chúng tôi muốn thấy châu Âu thống nhất về chính sách những người tị nạn. Chúng tôi không nghĩ rằng đây là vấn đề của riêng từng quốc gia mà là vấn đề chung của cả châu Âu. Chính phủ Đức đang nỗ lực để tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu”, ông Joachim Gauck nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chính sách mới của Đức vấp phải sự phản đối của một số quốc gia châu Âu. Hungary và Áo đã chỉ trích quyết sách của Berlin làm gia tăng tình trạng hỗn loạn tại các nhà ga xe lửa, và các tuyến biên giới của hai quốc gia này.

Chính phủ Hungary ngày 31.8 đã tuyên bố không cho người tị nạn bước vào cửa chính của thủ đô Budapest và dừng hoạt động tất  cả các chuyến tàu đi về Tây Âu. Cảnh sát với áo giáp và gậy chống bạo động bao vây nhà ga Keleti tại Budapest, đẩy lùi người tị nạn và người nhập cư ra khỏi nhà ga.

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã lên tiếng từ chối đề xuất của Thủ tướng Đức Merkel về việc xây dựng chính sách người tị nạn thống nhất trên toàn EU.

“Có những nước không muốn có người tị nạn. Bạn không thể buộc bất kỳ nước nào phải tiếp nhận người tị nạn vào lãnh thổ nước họ”, ông Mariano Rajoy tuyên bố.

Các nhà quan sát quan ngại, cuộc khủng hoảng người tị nạn tại châu Âu sẽ không thể được giải quyết nhanh chóng như mong đợi bởi sự mâu thuẫn gay gắt trong lòng "Lục địa già" về vấn đề này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Khủng hoảng nhập cư vào châu Âu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN