Cuộc sống du học "không phải thiên đường" qua lời kể của cựu du học sinh Úc

Anh Lê Tiến Đạt có bằng Tiến sĩ tại Đại học Swinburne (Úc), 4 năm làm trợ lý cho Giáo sư Christopher. Sau quá trình tu nghiệp, anh chọn trở về Việt Nam để sống và làm việc. Khi được hỏi về quãng thời gian du học, anh Đạt đã hài hước khi mượn tên bài hát của Hà Anh Tuấn “thiên đường không gọi tên” để kể về cuộc sống của mình.

Anh Lê Tiến Đạt (Hà Nội) lấy bằng Tiến sĩ tại Úc năm 2016

Anh Lê Tiến Đạt (Hà Nội) lấy bằng Tiến sĩ tại Úc năm 2016

Ngày đầu tiên tôi đến Úc, giáo sư đã ra tận sân bay để đón, đưa tôi về phòng trọ sau đó định hình cuộc sống cho tôi tại Úc. Đại học Swinburne có thể nói là trường đại học đỉnh cao chuyên nghiệp và tử tế.

Trong đó, điều tuyệt vời nhất mà tôi có, đó là người thầy tuyệt vời như người cha, tâm lý như người bạn thân, giúp tôi vượt qua được những khó khăn khi du học xa quê hương mà tôi sắp kể dưới đây.

Du học nước ngoài không phải là thiên đường

Du học không phải là thiên đường màu hồng. Trước khi đi học du tôi thường nghĩ sẽ “vui” lắm, sẽ chỉ là ở căn phòng thật đẹp, mặc vest bảnh bao đi hội thảo nhiều, bạn bè khắp năm châu buôn chuyện tíu tít, nằm dài trên bãi cỏ đọc sách và ăn bánh mì thơm... Nhưng cuộc sống du học thì không hoàn toàn như thế, bạn cần một sự chuẩn bị tâm lý tốt để không bị “ngợp”.

Vấn đề đầu tiên sẽ phải đối diện là cuộc sống xa nhà. Đôi khi trên đường đi học về, chỉ cần ngửi thấy mùi trứng rán thôi là cảm giác nhớ nhà lại trào lên đến cay mũi. Có sáng thức dậy, chợt nhớ mình 2 năm rồi chưa về nhà. Có những đêm đi ra biển với bạn, chỉ xa xa “nhà tao kia kìa” mà cảm giác nhớ nhung trào lên dữ dội. Chiều 30 Tết, cảm giác tủi thân, nhớ nhà, nhớ Hà Nội đến khắc khoải.

Du học nước ngoài và đặc biệt học tại các trường đại học nằm trong top thế giới không phải là chuyện đơn giản. Một trong những cái khó của sinh viên Việt Nam nói chung là rào cản ngôn ngữ dù cho bạn đã chuẩn bị “hàng tá” chứng chỉ tiếng Anh, việc hiểu được bài giảng trong giai đoạn đầu là một thách thức không hề nhỏ. Bởi vậy, nhiều học sinh rất dễ nản trong thời gian đầu này.

Mỗi một bậc học lại có áp lực riêng. Như tôi, năm đầu tiên đọc nhiều tài liệu nên đau hết mắt. Năm thứ hai phỏng vấn và dùng tai nghe giải băng nhiều thì đau hết tai. Năm thứ ba viết nhiều đau hết cả tay. Rất may mắn tôi đã hoàn thành đúng chương trình. Tôi vẫn nhớ năm đầu, mỗi ngày chỉ ngủ 2 tiếng từ 6h30 cho đến 8h30 vì sợ không kịp theo tiến độ. Mỗi năm bảo vệ 1 lần, cứ sau mỗi lần bảo vệ thì bị ốm nằm liệt giường 1 tuần, đi lại như “cưỡi mây về gió”.

Anh Đạt trong bức ảnh kỷ niệm tại thung lũng Yarra (Úc)

Anh Đạt trong bức ảnh kỷ niệm tại thung lũng Yarra (Úc)

Theo anh Đạt, cuộc sống của du học sinh vô vàn khó khăn, khiến không ít người phải bỏ cuộc

Theo anh Đạt, cuộc sống của du học sinh vô vàn khó khăn, khiến không ít người phải bỏ cuộc

Hội nhập cuộc sống nơi xứ người là khó khăn mà du học sinh nào cũng phải trải qua. Hầu như du học sinh Việt Nam nào cũng trải qua cú sốc mà tôi hay gọi đùa là “cú sốc 6 tháng”. Ban đầu ai ai cũng rất háo hức với cuộc sống mới, nhưng sau 6 tháng mới biết thế nào nhớ nhà, biết thế nào là áp lực học hành. Nếu đi qua được cú sốc 6 tháng đó thì mọi thứ rất là êm đẹp. Thực tế rằng có không ít du học sinh trầm cảm, thậm chí bỏ về giữa chừng.

Áp lực tiền bạc cũng là một vấn đề lớn. Ngay bản thân tôi, dù có học bổng toàn phần, có lương khi làm trợ lý cho giáo sư, nhưng cũng phải trải qua không ít áp lực về tiền bạc. Tôi nhớ có lần đi siêu thị đến mua 1 khay thịt bò còn phải nhấc lên nhấc xuống bốn năm lần. Rồi, có giai đoạn thèm ăn, chỉ dám mua 1 miếng sushi hay một hộp kimbap chia làm hai bữa. Cũng chính bởi khó khăn tiền bạc mà tôi biết, nhiều du học sinh đã “trượt dài” trên con đường du học vì mải mê kiếm tiền mưu sinh.

Ra trường chọn làm việc ở nước ngoài hay về nước?

Cuối cùng thì sau bao khắc nghiệt và cả những điều học được được thì chọn ở lại nước ngoài làm việc hay về nước là vấn đề nhiều du học sinh quan tâm. Ở lại Úc thì an sinh xã hội tốt nhưng sự thật là thu nhập của người nhập cư thì luôn bấp bênh, không nhiều cơ hội và sự lựa chọn. Vì thế, trở về là bắt đầu một con đường mới.

Với bản thân tôi, tôi đã chọn về nước bởi bản thân rất thích làm giáo dục và muốn góp phần phát triển mảng giáo dục Việt Nam. 

Quả thực, nhờ công tác trong lĩnh vực giáo dục, tôi mới nhận thấy rằng, môi trường đại học tại Việt Nam ngày càng tốt, chất lượng sinh viên cũng rất tuyệt vời. Đặc biệt làm tôi bất ngờ là các bạn sinh viên trường quốc tế tại Việt Nam không hề thua kém học sinh nước ngoài. Các em tự tin, giao tiếp xã hội tốt, Tiếng Anh rất giỏi. Vì thế tôi nghĩ rằng, vào thời điểm hiện tại, đi du học hay chọn học tại Việt Nam không phải là vấn đề. Cái chính là các em lựa chọn được môi trường phù hợp để phát triển bản thân.

Dù có rất nhiều cơ hội việc làm tại Úc, tuy nhiên anh Đạt chọn về nước để sinh sống và làm việc

Dù có rất nhiều cơ hội việc làm tại Úc, tuy nhiên anh Đạt chọn về nước để sinh sống và làm việc

Theo anh Đạt, thế hệ sinh viên hiện tại của Việt Nam rất năng động, thông minh, đặc biệt giỏi Tiếng Anh và giao tiếp xã hội

Theo anh Đạt, thế hệ sinh viên hiện tại của Việt Nam rất năng động, thông minh, đặc biệt giỏi Tiếng Anh và giao tiếp xã hội

Có thể nói chọn đúng trường sẽ giúp bạn có một tương lai rộng mở và tươi sáng, tất nhiên đến mức nào thì cũng phải tùy thuộc ở bạn. Một trường đại học tốt sẽ không thể đào tạo một con người hoàn hảo, một nhân tài có ích cho xã hội khi mà bản thân bạn không chịu cố gắng, nỗ lực.

Chọn sai trường, mất tiền, mất công sức, mất thời gian… rất nhiều thứ sẽ bị bỏ lỡ, vậy nên hãy cân nhắc để có lựa chọn đúng đắn và sáng suốt nhất.

Anh Lê Tiến Đạt (Hà Nội)

- Có được bằng Tiến sĩ tại Úc, có 4 năm làm trợ lý cho Giáo sư Christopher

 - Về Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển giáo dục nước nhà; Tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy hợp tác quan hệ về giáo dục giữa Việt Nam và Úc

 - Lead & tham gia các hoạt động phát triển giới trẻ, với slogan "Mọi người trẻ, dù nghèo cũng có cơ hội để phát triển, để trở nên chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế"

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN